Bất ổn và chủ nghĩa khủng bố - Thách thức lớn cho phát triển bền vững
Chính trị - Ngày đăng : 19:20, 29/03/2015
Tại phiên thảo luận chung, các đại biểu đã đề cập nhiều đến yếu tố bất ổn, chủ nghĩa khủng bố đang đe doạ nghiêm trọng đến việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt là cho các mục tiêu đang được đề xuất cho giai đoạn sau năm 2015.
Các đại biểu nhất trí cho rằng, nếu không có hoà bình, ổn định thì không thể phát triển bền vững. Vì vậy, nghị viện các nước phải đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống xung đột, giúp các nước tránh xung đột.
Đại diện cho Thuỵ Điển, ông U.Ahlin cho rằng, nhờ nỗ lực thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, hiện hàng trăm triệu người dân trên thế giới đã thoát đói nghèo, được dùng nước sạch, hầu hết trẻ em được đi học... Tuy nhiên, biến đổi khí hậu vẫn là vấn đề lớn, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống của con người mà còn là nguồn cơn gây ra xung đột.
Trong những năm qua, lĩnh vực mà Thuỵ Điển quan tâm trong phát triển bền vững là nhân quyền, bình đẳng giới, biến đổi khí hậu.
"Các mục tiêu phát triển bền vững rất quan trọng, chúng ta cần thu hút sự quan tâm của tất cả các bên về vấn đề này, đặc biệt là chống tham nhũng, tăng cường dân chủ, minh bạch, quản trị quốc gia....", ông Ahlin nói.
Đại biểu Tarawneh đến từ Jordan cho rằng, chủ nghĩa khủng bố cực đoan đang là nhân tố gây bất ổn và các nước sẽ không thể đạt được mục tiêu phát triển nào nếu thiếu an toàn.
"Nước tôi luôn bị nguy hiểm rình rập vì khủng bố. Ưu tiên trong phát triển bền vững chính là khắc chế khủng bố. Chúng ta cần công cụ để các dân tộc được sống trong hoà bình", ông nói.
Ông Tarawneh cũng lưu ý, Hồi giáo cũng là tôn giáo chứa đựng hoà bình, tha thứ, không nên gắn Hồi giáo với những tổ chức cực đoan nhân danh Hồi giáo.
"Jordan nằm ở vị trí khó khăn: gần Syria, Iraq, nên nếu không có giải pháp chung, tổng thể cho cả khu vực thì nước chúng tôi không thể có ổn định. Gốc rễ của chủ nghĩa cực đoan chính là xuất phát từ sự thiếu chú ý của quốc tế, cộng đồng với chủ nghĩa khủng bố", ông nói.
Ông cho biết, Jordan cần các sáng kiến, ý tưởng để xây dựng cuộc sống tương lai ổn định cho nhân dân, như vậy mới có thể biến lời nói thành hành động.
Ông A.R.Ibrahimi đến từ Afghanistan bày tỏ, ông mong qua IPU 132 lần này, các nghị sĩ sẽ có thể tìm ra được những bước đi có thể biến lời nói thành thực tiễn trong tiến trình phát triển bền vững.
"Việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Afghanistan đã tham gia các mục tiêu này vào năm 2004 và được gia hạn hoàn thành sau các nước khác 5 năm, nên chúng tôi đã điều chỉnh các mục tiêu cho phù hợp, chọn ưu tiên quốc gia về giảm nghèo, giáo dục, y tế, thúc đẩy bình đẳng giới...", ông chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Ibrahimi cũng thừa nhận, thách thức với phát triển bền vững của Àghanistan hiện nay cũng là vấn đề an ninh, bất ổn, khủng bố.
Bà S.Mahajan đại diện phái đoàn Ấn Độ nhận xét, mặc dù thế giới đang ở giai đoạn cuối thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ nhưng nhiều người dân vãn còn bị vi pham về nhân quyền, nhân phẩm. Đây sẽ phải là những mục tiêu trung tâm cho giai đoạn sau 2015.
"Điều tôi quan tâm lớn nhất là liệu các mục tiêu phát triển bền vững lan toả như thế nào ở các vùng khác nhau? IPU là cơ hội tốt để chúng ta tái khẳng định các cam kết thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, làm sao để hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương nhất thực hiện các mục tiêu này. Tôi cho rằng chúng ta cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm, tích hợp các mục tiêu. Các nước phát triển và đang phát triển cần phối hợp để đảm bảo sự bền vững toàn cầu", bà nói.
Ông S. Novanto của Indonesia cho rằng, dù còn nhiều quan điểm khác nhau về các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 nhưng các nước đã có chung nhận thức về các mục tiêu đặt ra. Theo ông, phát triển bền vững cần có những công cụ quốc gia hiệu quả, cần sự liên kết chặt chẽ giữa luật pháp với các mục tiêu này. Indonesia đã sẵn sàng thực hiện một khi các mục tiêu này được thông qua.
Đến từ Ireland, ông P. Burke ủng hộ việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt, khi các quốc gia ngày càng hội nhập sâu rộng thì càng cần thể chế riêng của mỗi nước để thực hiện các mục tiêu này, nhất là về bình đẳng giới, phát triển xã hội hoà bình, toàn diện...
Từ kinh nghiệm thực tế, Ireland cho rằng, muốn tạo sự thay đổi phải tăng cường vai trò của các uỷ ban trong nghị viện, tăng cường các diễn đàn tham vấn, rà soát các chương trình, kế hoạch quốc gia...
"Chúng ta đã trao đổi, chia sẻ về nhiều thách thức như bảo đảm quyền con người, phát triển bền vững, bình đẳng giới... nhưng cần xem xét cách thức hợp tác để đạt được các mục tiêu này như thế nào sau 2015", đại biểu M.C Bladilah đến từ Morocco đề xuất.
Theo ông, chức năng của nghị viện mỗi nước là phải gắn với sự phát triển bền vững. Các nước cần ngồi lại để chia sẻ quan điểm về những mục tiêu phát triển bền vững cho giai đoạn mới, cố gắng đảm bảo bình đẳng nam nữ, nhất là ở những nền văn hoá vẫn còn sự phân biệt với phụ nữ.
"Phát triền bền vững đang đặt ra những mục tiêu rất lớn nhưng nếu chúng ta không thực hiện thì nói như Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, những mục tiêu đó mãi chỉ là giấc mơ. Vì vậy, chúng ta cần những chuẩn mực, tiêu chuẩn mới để đánh giá việc thực hiện các mục tiêu này", ông nói.
Chia sẻ quan điểm này, ông M.D Bartolomeo của Luxemburg cũng cho rằng, phát triển bền vững đòi hỏi có sự thích ứng, thích nghi từ mỗi quốc gia, các nghị sĩ phải giải thích cho người dân về khả năng đạt được các mục tiêu này. Hợp tác phát triển không chỉ là hỗ trợ, giúp đỡ mà phải là chia sẻ, có đi có lại.