Đối thủ của các thể chế tài chính hiện nay?

Thế giới - Ngày đăng : 05:59, 29/03/2015

(HNM) - Chỉ còn hai ngày nữa (31-3) là hạn chót để các quốc gia nộp đơn đăng ký làm thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) - định chế tài chính do Trung Quốc khởi xướng.

Ngân hàng AIIB dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2015.


Một loạt quốc gia đã bỏ lại phía sau đồng minh Mỹ để nộp đơn gia nhập AIIB. Đầu tiên là Anh, sau đó là hàng loạt nước Châu Âu như Đức, Pháp, Italia, Luxembourg, Thụy Sĩ và mới đây nhất là Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã không để lỡ cơ hội gia nhập thể chế tài chính này. Được dự báo là đối thủ cạnh tranh của Ngân hàng Thế giới (WB), AIIB được tuyên bố thành lập vào năm ngoái tại Bắc Kinh, là một thành tố trong chiến dịch thiết lập các thiết chế kinh tế, tài chính do Trung Quốc làm đầu tàu. Ngay từ khi hình thành ý tưởng, AIIB đã được nhìn nhận là nhân tố dẫn tới sự đối đầu Bắc Kinh - Washington đối với việc định hình các nguyên tắc kinh tế, thương mại tại Châu Á trong một vài thập kỷ tới.

Như vậy, bất chấp sự hoài nghi của cường quốc số một thế giới, những đồng minh gần gũi như Anh, Đức, Pháp đã không chậm chân trong "chuyến tàu" AIIB được ví như "World Bank Trung Quốc". Vậy điều gì làm nên sức hấp dẫn của AIIB? Theo dự kiến, thể chế này (Trung Quốc đứng đầu, đặt trụ sở tại Bắc Kinh) sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm nay nhằm thúc đẩy đầu tư các lĩnh vực vận tải, năng lượng, viễn thông và các cơ sở hạ tầng của Châu Á. Đây là một dự án nhiều tham vọng (Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ lên tới gần 4.000 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng dự trữ ngoại tệ thế giới) và với lượng dự trữ ngoại tệ hùng hậu, một ngân hàng ở Châu Á do Trung Quốc nắm quyền điều hành rất có thể sẽ là một đối trọng đáng nể với WB cũng như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) - nơi Mỹ và các đồng minh là những nhà tài trợ lớn nhất. Trung Quốc sẽ đóng 50% vốn đầu tư vào AIIB như một khẳng định sức mạnh về kinh tế cũng như địa - chính trị; đồng thời là biểu tượng cho một xu hướng phát triển mới của lịch sử ngân hàng thế giới.

Sự ra đời của AIIB xuất phát từ nhu cầu thực tế khi Châu Á là khu vực có dân số lớn nhất thế giới, chiếm 60% nhu cầu về vốn để phát triển hạ tầng. Theo dự báo, đến năm 2050, GDP bình quân đầu người ở khu vực Châu Á sẽ đạt 40.000 USD, tương đương với tiêu chuẩn Châu Âu hiện nay. Do vậy, không khó để nhận ra Châu Á sẽ cần lượng đầu tư rất lớn trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Theo ADB, từ năm 2010 đến 2020, Châu Á cần tới 800 tỷ USD, trong đó 68% để xây dựng các cơ sở hạ tầng mới và 32% dùng cho nâng cấp các cơ sở hạ tầng hiện có trong các lĩnh vực năng lượng, thông tin liên lạc, giao thông và xử lý nước thải...

Khác với "sứ mệnh" của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) và WB - mang tính toàn cầu, AIIB theo thiết kế hiện nay chỉ mang tính khu vực nhằm hỗ trợ đầu tư nội tại, thúc đẩy sự phát triển, tạo ra thị trường mới đầy năng động cho các nền kinh tế... Sự kiện Anh và các nước Châu Âu gia nhập AIIB chủ yếu xuất phát từ lợi ích kinh tế. Các nền kinh tế "đầu tàu" Châu Âu chọn AIIB cho thấy các quốc gia không có lý do gì để hy sinh những cơ hội kinh tế có giá trị chỉ để hỗ trợ chiến lược của Mỹ.

Trước tham vọng và lợi thế được dự báo của AIIB, sự dè dặt của Washington với AIIB là hiển nhiên. Dẫu vậy, khi nói về AIIB, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế Nathan Sheets đã hoan nghênh sự ra đời của các tổ chức tài chính đa phương góp phần củng cố sức mạnh của hệ thống tài chính thế giới. Trước đó, nữ Tổng Giám đốc IMF, Christine Lagarde, cũng nói rằng IMF sẵn lòng hợp tác với AIIB; đồng thời tin tưởng WB cũng có thái độ tương tự.

Các quốc gia thành viên tiềm tàng của AIIB sẽ bắt đầu nhóm họp tại Almaty, Kazakhstan, vào hôm nay (29-3) để xây dựng quy chế về sự tham gia của họ. Tới ngày 31-3, ngày dự kiến cuối cùng của cuộc họp, tỷ lệ nắm giữ cổ phần sơ bộ sẽ được thiết lập. AIIB có số vốn khởi động là 50 tỷ USD và sẽ tăng lên 100 tỷ USD. Giới ngân hàng quốc tế đang dõi theo số phần trăm cổ phần tại ngân hàng này của Bắc Kinh. Chưa biết liệu AIIB có thực sự là "đối thủ" tiềm tàng với các thể chế tài chính quốc tế trước nó hay không, nhưng rõ ràng sự ra đời của AIIB sẽ là một thách thức tất yếu trước những gì mà thế giới hiện có. 

Thùy Dương