Vợ chồng “hiệp sĩ” của rừng già
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:54, 29/03/2015
Cặp vợ chồng "hiệp sĩ"
Hơn 20 năm gắn bó với Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình, hai vợ chồng tình nguyện cống hiến hết mình bảo vệ linh trưởng. Chính công việc đã tiếp đủ nghị lực để gắn kết bền chặt hai con người, hai số phận hoàn toàn xa lạ với nhau. Người phụ nữ Việt Nam ngoại tứ tuần, tóc ngắn, quần rằn ri, giày cao cổ cùng người bạn đời ngoại quốc cao lừng lững, da hồng hào, râu bạc trắng, miệt mài với công việc cứu hộ linh trưởng. Tilo Nadle xả thân như một hiệp sĩ bảo vệ động vật hoang dã cho Việt Nam. Người ta gọi ông với cái tên quen thuộc như "hiệp sĩ voọc", "linh trưởng chúa", "Lục Vân Tiên Cúc Phương". Trong mắt người vợ Việt, Tilo luôn trẻ trung, cởi mở, chân thành, luôn hết mình vì công việc. "Nhìn anh chăm sóc những con vật, mình cảm nhận được tình yêu của anh dành cho chúng, mình thực sự rất khâm phục và đồng cảm" - Hiền nói thêm ánh mắt tràn ngập yêu thương: "Tilo là người mà đến con kiến cũng không nỡ giết, nâng niu từng con sâu, con bọ, từng nhành cây, ngọn cỏ. Vợ chồng tôi đi đâu về thì việc đầu tiên là ra thăm chuồng thú".
Vợ chồng Tilo và Nguyễn Thu Hiền tại Trung tâm Cứu hộ linh trưởng Cúc Phương. |
Đến bây giờ họ đã có với nhau hai cậu con trai kháu khỉnh, anh tên Khiêm, học lớp 8 và em tên Huy, học lớp 4. Hai cu cậu đều có quốc tịch Đức, nhưng vẫn học trường làng ở Cúc Phương. Chừng ấy năm bên nhau, Hiền và Tilo vẫn giữ thói quen uống trà Việt. Thứ nước nhấp vào thì chát sau đó lan tỏa vị ngọt chẳng khác nào câu chuyện tình cổ tích không biên giới của họ. Hồi lấy nhau, anh hơn chị tới 31 tuổi. Tilo vốn là thạc sĩ điện lạnh, công tác trong Đài Truyền hình Đức nhưng trái tim anh luôn rạo rực một tình yêu động vật. Vì lẽ đó, anh đã gắn bó với Tổ chức Bảo vệ động vật Frankfurt - một tổ chức bảo vệ động vật lâu đời và có uy tín bậc nhất trên thế giới. Tình yêu rừng già đưa Tilo đến Việt Nam, chuyện tình của họ cũng bắt đầu được viết những dòng đầu tiên.
Năm 10 tuổi, Nguyễn Thu Hiền theo bạn đi chơi Bờ Hồ thì gặp đoàn nghiên cứu của CHDC Đức về các loài chim, trong đó có Tilo. Đến năm 1993, Tilo quay lại Việt Nam để nghiên cứu về loài linh trưởng, lúc đó Hiền ôn thi vào đại học. Thời sinh viên, chị cộng tác thường xuyên với Tilo, làm phiên dịch cho các chuyên gia. Về sau này, khi ráp nối lại câu chuyện thì đúng với các dữ kiện, nhưng chính Tilo nói cũng không thể nhớ được chị vì một cô bé 10 tuổi với cô gái 22 tuổi khác nhau quá nhiều. Nhưng trong ký ức của cô bé Hà Nội nghịch ngợm, hiếu động ngày nào, cái "ông Tây" đã cho mình kẹo thì đích thị không thể nào sai... Khi tình yêu nảy nở, Tilo ngỏ lời yêu cũng là lúc con tim chị rung lên. Thế nhưng, họ đến với nhau trong sự phản đối quyết liệt từ gia đình. Chị kể: "Tháng 6-1997 mình ra trường thì tháng 10 xách ba lô "theo trai" luôn. Hiền viết một bức thư 8 trang gửi bố mẹ. Bố mẹ cũng phúc đáp lại một bức thư rất dài với câu kết: "Một là con có bố mẹ cùng gia đình, hai là con theo nó! Mãi đến năm 2000, gia đình mới đồng ý cuộc hôn nhân của chúng tôi".
Giờ thì Tilo đã ăn được nước mắm, ăn cơm bằng đũa và rất thích cơm nếp. Có Hiền làm động lực, "ông Tây" nguyện ở lại cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ những động vật quý của rừng Cúc Phương: "Công việc đã khiến chúng tôi tìm thấy nhau, quấn quýt bên nhau. Hiền và hai đứa con chính là những giá trị lớn của cuộc đời tôi. Việt Nam đã cho tôi tài sản lớn đó. Tôi muốn dành cả đời mình để sống, làm việc trên mảnh đất này!" - người đàn ông có râu quai nón nói như trải lòng mình.
Trong nhịp thở đại ngàn
Công việc cứu hộ linh trưởng phải thường xuyên trực tiếp đi hiện trường hoặc tiếp nhận động vật "bất thình lình". Trong quá trình săn bắt và buôn bán, các cá thể voọc bị thương, con thì mất đuôi, con thì cụt chi… nên phải chăm sóc, khâu vá rất kỹ. Vì thế, Tilo một tay đảm nhận hai công việc, vừa đi rừng để điều tra, nghiên cứu số lượng và tập tính của bầy đàn ngoài tự nhiên, vừa cứu hộ, chăm sóc. Để làm nhiệm vụ bảo vệ, họ phải vượt rừng, đi bộ men theo những sườn núi Cúc Phương rộng hơn 22 nghìn héc ta, toàn rừng sâu với đá tai mèo lởm chởm. Mỗi lần đi tuần rừng mấy ngày trời, phải mang theo cơm nắm, nước uống, túi ngủ.
Chị Hiền nhớ lần họ đi từ Ninh Bình vượt cả nghìn cây số vào tận Bình Định, Nha Trang, Đắc Lắc để tìm, thu giữ một con voọc chà vá. Tilo và một lái xe, đi trong đêm, người này ngủ thì người kia lái. Trên xe chỉ có mấy cái bánh mì và dăm chai nước suối. Lúc chờ để làm thủ tục đưa thú về lau rửa vết thương, giữa cái nắng và mùi nhựa đường chảy khét lẹt trên quốc lộ, Tilo đứng rầu rĩ, câm lặng. Bàn tay hộ pháp bế một con voọc dính bẫy, mặt voọc ủ rũ, mắt tròn xoe, được che nắng bằng một bó cây dại Tilo bẻ vội ven đường. Sau này, con voọc chữa lành bệnh, Tilo lấy tên vợ mình (Hiền) đặt tên cho nó… Rồi vào năm 2001, trong một chuyến đi tuần rừng, chị Hiền đưa được một cá thể voọc đơn lẻ đang kiệt sức về chăm sóc. Nhưng cũng chính chuyến đi này, Hiền bị ngã dẫn đến sảy thai.
Tuy nhiên, sự vất vả đó không phải trăn trở lớn nhất đối với vợ chồng "hiệp sĩ". Điều làm Tilo muộn phiền là nhận thức của con người về sự cần thiết phải nhân ái với thế giới hoang dã. Những kẻ săn thú hoang thấy thấp thoáng bóng cao lớn của Tilo là bỏ chạy, vì chỉ cần nhìn thấy hành động nhỏ như hái nấm trong vườn quốc gia, lập tức ông bắt ngay. Nhưng chị hoặc kiểm lâm ở đây bị chúng tấn công đến bất tỉnh, điều trị cả tháng trời trong viện vẫn xảy ra. Chị Hiền kể, thợ săn hoặc thợ xẻ đi hàng chục người, lập lán trại đàng hoàng. Có lần họ bẫy được một con voọc, voọc mẹ chết, voọc con bị trói quặt tay ra sau, trông rất tội. Dù chị đến nói chuyện rất nhẹ nhàng nhưng họ quát mắng và vẫn quyết đòi "mang voọc về nấu giả cầy". Thương con vật tội nghiệp, chị Hiền đến xin đám lâm tặc trói tay voọc về trước bụng thay vì quặt ra sau để chúng tiện di chuyển. Thừa lúc đám người ấy sơ ý, chị đã xô cho voọc chạy thoát.
Chị Hiền nhớ và hiểu rõ từng "đứa con" chị tự tay chăm sóc. Chị kể, có trường hợp con culi cụt tay do chính mẹ nó cắn. Nguyên là ngoài tự nhiên thường thì con mẹ chọn lọc cá thể khỏe nhất, vì không thể chăm được hết, mẹ nó buộc phải ăn thịt con yếu hơn. Khi vừa cắn được cái tay thì người cứu hộ tới. Con culi ấy được nhóm bảo tồn đem về nuôi "bộ" và sau đó khỏe mạnh, được thả lại về rừng. "Sau 20 năm sống ở Việt Nam, chúng tôi làm những dự án hoạt động theo đúng phong cách Đức. Tôi sẽ gắn bó với nơi này cho đến lúc chết" - Tilo chia sẻ. Còn theo ông Đỗ Văn Lập - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương: "Hơn 20 năm, vợ chồng Tilo đã rất tận tụy và đóng góp rất nhiều cho dự án. Vợ chồng anh chị đã bảo tồn được 15 loài, khoảng 180 cá thể linh trưởng quý hiếm cho Việt Nam. Bên cạnh đó, chị cũng tích cực vận động các khoản kinh phí để trung tâm hoạt động. Năm 2000, anh Tilo cũng được Chủ tịch nước tặng bằng khen".
Cuộc sống giữa rừng già Cúc Phương vẫn bình lặng trôi qua với những con người thầm lặng. Nhờ có họ mà những con vật được an tâm tồn tại và câu chuyện đẹp như cổ tích của cặp vợ chồng hết lòng vì thiên nhiên hoang dã mãi lan tỏa trong nhịp thở chầm chậm của đại ngàn hùng vĩ!