Dồn sức khắc phục hậu quả, cứu chữa nạn nhân
Đời sống - Ngày đăng : 06:12, 27/03/2015
Đến nay, mọi hoạt động cứu trợ, chăm sóc điều trị đều diễn ra hết sức khẩn trương.
Ngày 26-3, nhóm phóng viên Báo Hànộimới có mặt tại hiện trường kịp thời có thông tin về quá trình khắc phục hậu quả, cứu chữa nạn nhân.
Các lực lượng chức năng khẩn trương cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường. Ảnh: VnExpress |
Những giây phút kinh hoàng
Chiều 26-3 toàn bộ khối sắt thép đổ xuống đã được di chuyển gần xong chỉ còn trơ lại khung giàn giáo khổng lồ, cao khoảng 60m, được dựng lên để Công ty Samsung T&C Comporation (nhà thầu chính thi công công trình có giàn giáo bị sập) thi công đổ trụ bê tông gần khu vực kè chắn sóng sát bờ biển trong công trường thuộc Dự án Formosa.
Thức trắng đêm nỗ lực cùng với đồng đội của mình hỗ trợ đưa nạn nhân ra ngoài nhưng Thượng tá Đinh Mã Phong, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Áng - Sơn Dương vẫn dành cho chúng tôi vài phút trao đổi. Thượng tá Đinh Mã Phong cho biết, chúng tôi có mặt tại địa điểm xảy ra vụ việc lúc 9h đêm 25-3, ngay sau khi nhận được tin cấp báo của trạm biên phòng gần khu vực đó báo về. Ngay trong đêm, lực lượng biên phòng cửa khẩu cảng được huy động tối đa với 80 cán bộ chiến sĩ đã tiếp cận hiện trường và cùng với anh em công nhân, lực lượng bảo vệ ở đó dồn sức một cách nhanh nhất cứu các nạn nhân mắc kẹt.
Thượng tá Đinh Mã Phong nói: "Lúc đó tan hoang lắm. Trời tối, mưa nhỏ. Khu vực giàn giáo rất nhiều công nhân đang bị vùi lấp giữa cả khối sắt khổng lồ. Việc tiếp cận hết sức khó khăn. Mặc dù nhìn thấy các nạn nhân nhưng chúng tôi cũng không thể ứng cứu ngay được. Máy xúc không thể vào để làm việc vì sẽ gây tổn thương cho nạn nhân, hơn nữa không an toàn. Lực lượng cứu hộ phải dùng máy hàn hơi cầm tay để cắt rời từng thanh sắt, chuyền tay nhau đưa ra ngoài. Anh em động viên nhau gắng sức vì nhanh một phút sẽ có nhiều cơ hội cứu chữa cho những người đang nằm ở dưới". Thượng tá Đinh Mã Phong cũng cho biết, tính đến 10h ngày 26-3, nạn nhân cuối cùng đã được đưa ra khỏi hiện trường vụ sập.
Trở lại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, tìm gặp những người bị thương trong vụ sập giàn giáo, nét bàng hoàng vẫn chưa hết đối với các nạn nhân và người nhà đi cùng. Là một trong 3 người bị thương nhẹ nhất đang điều trị tại khoa Hồi sức, anh Cao Xuân Hòa, sinh năm 1981, ở Nghĩa Hiếu, Nghĩa Đàn (Nghệ An) vẫn còn hoảng sợ. Anh Hòa nói: "Còn sống được cũng là phép thần kỳ". Theo vợ anh, chị Võ Thị Đào kể lại thì thời điểm đó, nhóm công nhân đã nghe thấy tiếng rung lắc nhưng được chỉ huy công trường thông báo hiệu lệnh an toàn và chỉ đạo mọi người tiếp tục làm việc. Nhưng không lâu sau, cả khối sắt đổ ập xuống đè lên nhiều người đang thi công ở đó. Chị Đào kể: "Vài phút khi tai nạn xảy ra, một người họ hàng cũng làm ở đó điện thoại về báo tin chồng tôi bị nạn. Lúc đó cả nhà như rụng rời tay chân. Gia đình chỉ có 3 mẹ con (đứa lớn 11 tuổi, nhỏ mới 6 tuổi), không để tụi nó ở nhà một mình để vào ngay được. Tất bật chạy xung quanh hàng xóm, họ hàng để nhờ cậy. May mắn, lúc 9 giờ tối, anh ấy điện thoại về kêu chỉ bị nhẹ, cả nhà yên tâm. Lúc ấy tôi mới bình tâm lại được". Vào đến đây rồi, nhìn thấy chồng rồi - chị Đào rơm rớm nói - Tôi sẽ chăm sóc để anh nhanh chóng bình phục sớm về với vợ, con.
Không may như bệnh nhân Hòa, ở giường bên, chị Hồ Thị Minh, vợ anh Hoàng Văn Tuân, sinh năm 1962, ở Tam Hợp, Quỳ Hợp (Nghệ An) vẫn chưa hết bàng hoàng. Chị bảo, anh Tuân bị nặng, gãy chân, tay nhưng quan trọng nhất là phần yết hầu đang được chẩn đoán là bị vỡ, sẽ phải mổ. "Tôi lo lắm, không biết thế nào" - chị Minh lo lắng - "Hai vợ chồng tôi cưới nhau muộn, hai đứa con còn nhỏ, con trai lớn mới 9 tuổi, con út 5 tuổi. Ở nhà tôi chạy chợ nhưng không đủ chi tiêu. Anh ấy là lao động chính, hằng tháng vẫn chắt chiu gửi về lo tụi nhỏ 3, 4 triệu đồng. Giờ bị như thế này, chúng tôi không biết sẽ ra sao nữa".
Dồn sức tối đa cứu chữa người bị thương
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi đến thăm hỏi, tặng quà và động viên các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh chiều 26-3. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu ngành y tế Hà Tĩnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh tập trung cao độ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để chăm sóc phục hồi bệnh nhân; không để xảy ra các sơ suất đáng tiếc. Bộ trưởng cũng đã giao nhiệm vụ cho các bác sĩ được điều động từ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức và Bệnh viện Bạch Mai về Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân bị tai nạn phát huy hết năng lực cùng đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh phục hồi sức khỏe, các chức năng do chấn thương tốt nhất cho người bị thương.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về vụ tai nạn, ngành đã huy động 100% phương tiện cấp cứu của bệnh viện tỉnh và các bệnh viện: TP Hà Tĩnh, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, Trung tâm cấp cứu 115 cùng các y, bác sĩ và 150 học viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh đến hiện trường và cơ sở y tế để cấp cứu cho các bệnh nhân.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Phan Thị Xuân Liễu, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh cho biết, bệnh viện bảo đảm cung ứng đủ thuốc men, vật tư phục vụ bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã huy động đủ nhân lực, bảo đảm người bị thương đến là thực hiện cấp cứu ngay. Trong đêm 25-3, tổng cộng có 41 nạn nhân từ vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa được đưa vào bệnh viện, trong đó có 12 nạn nhân đã tử vong. Các bệnh nhân đã được cấp cứu kịp thời. Đối với người bị thương nặng, bệnh viện thực hiện sơ cứu ban đầu, ổn định các chỉ số sinh tồn để bảo đảm điều kiện an toàn khi cần chuyển lên tuyến y tế cao hơn. "Đa số người nhà bệnh nhân đều chưa đến kịp bệnh viện nên nhân viên các khoa, phòng trực tiếp chăm sóc bệnh nhân như người thân. Ngoài chăm sóc y tế, bệnh viện tổ chức nấu cháo và mua sữa uống cho bệnh nhân" - Bác sĩ Liễu cho biết thêm.
Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi nhận thấy, công tác ứng cứu được tập trung cao độ. Toàn thể bác sĩ, nhân viên bệnh viện đều được huy động. Mỗi bệnh nhân đến đều được nhân viên bệnh viện đón từ cổng và đưa vào làm ngay những kỹ thuật cần làm. Mọi công tác đều được tiến hành nhanh chóng, khẩn trương, liên tục. Bà Trần Thùy Dung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết: Bệnh viện tiếp nhận 21 bệnh nhân và trong đêm, chúng tôi đã huy động lực lượng tối đa để phục vụ cho công tác cứu chữa. Công tác hậu cần thuốc men, trang thiết bị y tế, dụng cụ đã được chuẩn bị sẵn sàng. Trong đêm, chúng tôi đã tiến hành thành công 13 ca phẫu thuật. Sáng 26-3, cùng với các bác sĩ ở Bệnh viện Việt - Đức, chúng tôi đã tiến hành mổ cho 3 trường hợp nữa. Các bệnh nhân sức khỏe đang dần ổn định. Cùng với đội ngũ y bác sĩ ở đây, chúng tôi cam kết chăm sóc, điều trị các nạn nhân ở mức cao nhất.
Được biết, trước đó, huyện Kỳ Anh và đại diện Công ty Samsung T&C Comporation tiến hành họp bàn về vấn đề hỗ trợ cho các nạn nhân gặp nạn và chi phí mai táng cho các nạn nhân tử vong. Trước mắt, phía Công ty Samsung T&C Comporation đồng ý mức hỗ trợ ban đầu số tiền 30 triệu đồng cho mỗi gia đình nạn nhân tử vong.
Dự án Formosa là tổ hợp dự án bao gồm các hạng mục chính là nhà máy luyện gang thép, hệ thống cảng biển nước sâu có năng lực cập tàu 30.000 tấn và nhà máy nhiệt điện công suất 2.100MW, trong đó quy mô nhà máy thép giai đoạn 1 đạt trên 7 triệu tấn phôi thép/năm. Formosa đã cam kết sẽ huy động tối đa nguồn lực, phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành 3 lò cao với công suất 10,5 triệu tấn thép/năm, có 13 cầu cảng đi vào hoạt động và năm 2017 sẽ hoàn chỉnh 32 cầu cảng, đáp ứng yêu cầu vận chuyển, xuất khẩu thành phẩm của nhà máy gang thép này. |