Sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước cho phát triển bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 06:50, 26/03/2015
Theo báo cáo của chuyên gia tài nguyên nước Nguyễn Thị Phương Lâm, nếu tính tài nguyên nước của Việt Nam theo tổng lượng nước, trung bình hằng năm mỗi người Việt Nam có 9.600m3, cao hơn trung bình của thế giới (7.400m3/người). Nhưng, nếu chỉ tính lượng nước sản sinh nội tại thì tài nguyên nước của Việt Nam chỉ đạt 4.400m3/người, thấp hơn trung bình của thế giới nhiều. Sở dĩ tính theo tài nguyên nước nội sinh vì 2/3 tổng lượng nước ngoại sinh, chủ yếu trên đất Trung Quốc (sông Hồng, sông Mê Công), Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar (sông Mê Công). Thượng nguồn sông Cả hay sông Mã cũng nằm trên đất Lào. Lượng nước này không thể kiểm soát được cả số lượng và chất lượng.
Sản xuất nước sạch tại Nhà máy Nước Nam Dư. Ảnh: Trung Kiên |
Ngoài ra, Việt Nam còn có đặc điểm mùa khô quá dài, từ 6 đến 8 tháng, trong khi nhu cầu sử dụng nước giai đoạn này chiếm tới 75-80%. Các dòng sông lớn đều đã xây dựng hồ chứa thủy điện và thủy lợi, chủ yếu hoạt động với mục tiêu hiệu quả kinh tế mà chưa chú ý đến bảo vệ môi trường do được xây dựng trước khi có khái niệm phát triển bền vững. Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước thách thức lớn khi các nguồn nước thượng nguồn đã, đang có kế hoạch xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công. Nếu các đập này cũng vận hành với mục đích chủ yếu là kinh tế và các yếu tố phát triển bền vững không được đề cập thì hạ lưu sông Mê Công phải gánh chịu hậu quả không lường trước.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Phương Lâm, suy thoái chất lượng nước cũng đồng nghĩa với phát triển thiếu bền vững. Ngoài ô nhiễm do phát triển công nghiệp, đô thị hóa, vệ sinh môi trường thì phát triển của các ngành sử dụng nước thiếu đồng bộ, bền vững cũng dẫn đến hậu quả là các dòng sông bị suy thoái. Sông Cà Lồ, sông Tô Lịch, sông Đáy, sông Tích, sông Thị Nghè… là những ví dụ cho sự suy thoái khi từ sông nội địa trở thành nơi chứa nước thải.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, nhiều thách thức mà tài nguyên nước của Việt Nam đang phải đối mặt, khó có thể giải quyết được trong một sớm một chiều, đòi hỏi mất nhiều nguồn lực cũng như sự tham gia của toàn xã hội. Một trong những thách thức đó là 2/3 lượng nước trên hệ thống sông Việt Nam hình thành ngoài lãnh thổ, trong khi cơ chế, chính sách hợp tác chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia chưa hiệu quả. Cùng với đó, tình trạng sử dụng nước lãng phí phổ biến, dẫn đến cạn kiệt dần nguồn tài nguyên quý giá, quan trọng này.
Hà Nội, nơi có tỷ lệ 100% dân số đô thị sử dụng nước sạch sinh hoạt, đang phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt dần nguồn nước khai thác. Theo Công ty Nước sạch Hà Nội, bình quân mỗi năm, nguồn nước ngầm suy giảm 1-2%, trong khi nhu cầu sử dụng nước tăng 2-3% (đặc biệt dịp nắng nóng nhu cầu sử dụng tăng 10-15%), dẫn đến tình trạng nguồn nước thiếu hụt 60.000-70.000m3/ngày đêm cần tìm nguồn bổ sung, thay thế. Chưa kể, tỷ lệ thất thu, thất thoát ở những khu vực đường ống cũ khá cao, thường hơn 25%. Làm phép tính đơn giản, nếu mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 1 triệu mét khối nước thì có tới ¼ số đó bị mất không thu được kinh phí. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển mạng lưới đồng bộ từ nguồn đến hệ thống cấp nước, chống thất thu, thất thoát đang gặp nhiều khó khăn.
Một chuyên gia về nước đã so sánh giá thành sản xuất một mét khối nước sạch hiện không bằng giá một chai nước tinh khiết, dẫn đến hiệu quả đầu tư nhà máy nước và kinh doanh nước không cao, nếu không muốn nói thu không đủ bù chi phí. Hà Nội nghiên cứu hai dự án nhà máy nước mặt sông Hồng và sông Đuống nhằm bổ sung nguồn cho thành phố giai đoạn sau năm 2015, song nhiều nhà đầu tư nước ngoài sau khi tính toán chi phí và giá thành đã rút không thực hiện dự án. Thực tế, hầu hết các nhà máy nước đều đầu tư bằng ngân sách hoặc vốn vay được thành phố hỗ trợ giá bán.
Tại lễ mít tinh nhân “Ngày nước thế giới 2015” (22-3 hằng năm), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, nước cần được nhìn nhận không chỉ ở khía cạnh nguồn tài nguyên mà còn là chìa khóa bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội; là nền tảng xóa đói giảm nghèo, tác động đến sinh kế của hàng tỷ người. Vì vậy, nước cần được quản lý, khai thác, sử dụng phù hợp, hiệu quả, phát huy mặt lợi, hạn chế mặt hại; mỗi địa phương, mỗi ngành, cá nhân sử dụng nước tiết kiệm, cùng nhau hợp tác khai thác nguồn tài nguyên nước hiệu quả. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đặt vấn đề, Việt Nam là quốc gia đông dân số, nhu cầu sử dụng nước không ngừng tăng, vì vậy một mặt cần đầu tư phát triển nguồn nước mặt khác phải đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, Bộ đang thiết lập quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, rừng đầu nguồn và các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước ngầm; kết hợp giữa quy hoạch và thanh tra, xử lý vi phạm tài nguyên nước; triển khai sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả thông qua cơ chế, chính sách về tài chính; xây dựng hệ thống giám sát xử lý ô nhiễm, trước hết ở khu miền Trung, Tây Nguyên và dòng sông xuyên biên giới.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwaka cho rằng, bảo đảm an ninh nước là một trong những thách thức nhất đối với thế giới hiện nay. Tại Việt Nam, khai thác nước ngọt tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua. Chất lượng nước mặt ngày càng kém khiến người dân chuyển sang khai thác nước ngầm, nhưng khai thác nước ngầm nhiều lại dẫn đến ngấm mặn và sụt lở. Người nghèo vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu an ninh nước không bảo đảm. Muốn giải quyết vấn đề này cần sự hợp tác đa ngành, từ cấp độ quốc tế, quốc gia đến địa phương. |