Vang mãi bản hùng ca

Chính trị - Ngày đăng : 06:41, 26/03/2015

(HNM) - Cách đây 40 năm, trên mặt trận Trị Thiên khói lửa, quân và dân ta đã đồng cam, cộng khổ, mưu trí, sáng tạo, anh dũng chiến đấu đập tan hệ thống phòng ngự và bộ máy chính quyền của địch, giải phóng Trị Thiên - Huế.



Thắng lợi trên đã góp phần tạo thế và lực mới để quân và dân ta chớp thời cơ mở Chiến dịch Hồ Chí Minh đi đến toàn thắng. Trở về sau cuộc chiến, những cựu chiến binh làm nên chiến thắng năm xưa vẫn thắp sáng ngọn lửa truyền thống, hào khí anh hùng của dân tộc…

Trước diễn biến của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Quân khu Trị Thiên (B4) vào tháng 4-1966 và Bộ Tư lệnh Đường 9 (B5) vào tháng 6-1966. Đây là một quyết định chính xác và kịp thời nhằm kéo quân Mỹ ra chiến trường Trị Thiên, nhất là ra Đường 9 để ta thuận lợi trong việc đưa quân chủ lực từ miền Bắc vào tác chiến ở chiến trường Trị Thiên.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức - Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên cho biết: Tiếp nối chiến thắng tại mặt trận Tây Nguyên, Quân ủy Trung ương chỉ đạo Quân khu Trị Thiên tiến hành một chiến dịch tổng hợp cả quân sự, chính trị bằng lực lượng chủ lực của Bộ và của Quân khu, phối hợp chặt chẽ 3 thứ quân, 3 mũi giáp công tiêu diệt địch. Đêm 18 rạng sáng 19-3-1975, quân ta tiến công mạnh, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Đến 10h30 ngày 25-3-1975, lá cờ giải phóng tung bay trên đỉnh cột cờ Phú Văn Lâu, cố đô Huế.

Trong lúc tháo chạy địch đã để lại nhiều xe quân sự và các phương tiện chiến tranh khác ở Huế. Ảnh : Hoàng Thiểm - TTXVN.


40 năm đã trôi qua nhưng trong ký ức của cựu chiến binh Hồ Phấn (từng là trinh sát Tiểu đoàn 11A, Quân khu Trị Thiên), những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Quân khu Trị Thiên không thể nào phai nhạt. "Tôi từng tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 nhưng ở chiến trường Quân khu Trị Thiên ác liệt hơn gấp bội, bởi cả ta và địch đều xác định đây là địa bàn chiến lược, có giành giữ được mới tạo đà tiến công. Có hôm, cơm đã dọn ra nhưng B52 của địch đến đánh phá, đơn vị trinh sát của chúng tôi phải chấp hành lệnh xuống hầm trú ẩn. Vừa đi khỏi, bom nổ tung cày xới cả khu rừng, mọi người thoát chết trong gang tấc…" - cựu chiến binh Hồ Phấn cho biết.

Với Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, đã 40 năm trôi qua nhưng trong tâm trí ông vẫn hằn sâu từng trận đánh. Trong chiến dịch này, Sư đoàn 325 có nhiệm vụ tiến công về Đường 14, Nam Thừa Thiên - Huế tiêu diệt 2 cụm cứ điểm của địch trên dãy Hoàng Kim Sắt và các cao điểm 494, 520, 560, sau đó thọc xuống cắt đứt đường số 1 từ Huế đi Đà Nẵng. Đây là trận then chốt và mở đầu của chiến thuật hợp vây, tiêu diệt lớn quân địch, do đó, sư đoàn phải làm một con đường mới dài gần 20 cây số để đưa hơn 20 khẩu pháo bắn thẳng từ chân núi Hoàng Kim Sắt lên dãy núi cao hơn 800m, chi viện trực tiếp cho bộ binh chiến đấu, đồng thời dùng pháo cắt đường số 1. Theo kế hoạch tác chiến của Sư đoàn 325, Trung đoàn 18 tiến công đánh chiếm các cao điểm, sau đó thọc xuống cắt đường số 1. 5h40 ngày 21-3-1975, Trung đoàn 18 được lệnh nổ súng và ngay từ giờ đầu đã tiêu diệt được các cao điểm 494, 520. Đến 15h cùng ngày, các đơn vị bạn cùng phối hợp tiêu diệt được cao điểm 860…

Sau chiến công này, Sư đoàn 325 lại nhận được chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Phải khẩn trương chặn không cho địch rút; phải chia cắt và tiêu diệt toàn bộ lực lượng của Sư đoàn 1 địch và các lực lượng khác để giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên - Huế... Sư đoàn 325 lại nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu, đến 10h25 ngày 25-3-1975, Trung đoàn 18 vinh dự là đơn vị đầu tiên tiến vào Đại Nội thành Huế, cắm lá cờ giải phóng trên đỉnh Phú Văn Lâu, chính thức báo tin vui: Cố đô Huế hoàn toàn giải phóng.

Sau 21 ngày đêm chiến đấu liên tục, ta diệt, bắt và làm tan rã phần lớn lực lượng địch (gồm Sư đoàn 1 bộ binh, Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến, 2 liên đoàn biệt động quân 14 và 15, Lữ đoàn 1 kỵ binh thiết giáp, 3 thiết đoàn, 8 tiểu đoàn pháo binh, 15 tiểu đoàn và 21 tiểu đội bảo an, 319 trung đội dân vệ, 7.000 tên cảnh sát cùng các đơn vị bảo vệ…) và bộ máy chính quyền địch ở Quảng Trị, Huế, thu toàn bộ vũ khí, trang bị gồm: 140 xe tăng, thiết giáp, 800 xe tải, một vạn tấn đạn... Thắng lợi của chiến dịch Trị Thiên - Huế là một trong những thắng lợi triệt để nhất, có ý nghĩa chiến lược và chính trị rất quan trọng, góp phần to lớn vào thắng lợi trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Hiền Phương