Di dời linh vật ngoại lai ra khỏi các di tích: Vì sao chậm trễ?
Văn hóa - Ngày đăng : 06:57, 25/03/2015
Các di tích phải sử dụng linh vật phù hợp. Ảnh: Văn Tuân |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo về việc "di dời hiện vật không phù hợp ra ngoài khuôn viên di tích, cơ quan, đơn vị", ngay từ tháng 9-2014, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND và phòng VH&TT 30 quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện. Tất cả 30 quận, huyện đã tổ chức tập huấn các cán bộ phường, xã về công tác tuyên truyền, vận động tới các di tích cơ sở tại phường, xã, thị trấn, các tiểu ban quản lý di tích, sư trụ trì tại địa bàn quản lý nhằm nhận thức rõ và có ý thức ngăn chặn, đồng thời thực hiện việc di dời các hiện vật ngoại lai đã có ra ngoài khuôn viên di tích. Trong số 30 quận, huyện, thị xã, quận Long Biên đã làm rất tốt công tác di dời linh vật ngoại lai, vận động di dời thành công 30 sư tử đá tại 11 di tích. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, việc di dời hiện vật vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Trưởng ban Quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội Nguyễn Thị Hòa cho biết: "Đây là một công việc không dễ, từ việc nhận diện, việc đánh giá sự phù hợp với di tích đến việc tổ chức di dời, nơi tập kết, việc xử lý sau đó...".
Quả thực, quá trình thực hiện cho thấy có rất nhiều vấn đề khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều di tích nhất cả nước, số lượng linh vật ngoại lai tồn tại trong các di tích cũng khá lớn. Tại hội nghị sơ kết công tác triển khai việc di dời biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi di tích, Phó Giám đốc Sở VH,TT& DL Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết, đã có 146 trong số 538 con sư tử đá không phù hợp với văn hóa Việt được chuyển đi. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tình hình thực hiện di dời hiện vật ngoại lai ra khỏi di tích tại Hà Nội vẫn còn gặp phải rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, việc nhận biết hiện vật để xác định đúng các "hiện vật lạ" phải di dời còn hạn chế do chưa có hướng dẫn của Bộ VH,TT&DL về các chi tiết, tiêu chí nhận diện như: Kiểu dáng, màu sắc, chất liệu... Thứ hai, sau khi phân loại và tổ chức di dời, nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc lựa chọn nơi tập kết những "hiện vật lạ". Thứ ba, do chưa có hướng dẫn, quy định chi tiết về việc tiếp nhận hiện vật công đức, nên việc đưa hiện vật lạ vào di tích do nhân dân công đức tại một số địa phương chưa được giám sát chặt chẽ.
Qua các đợt thanh tra cũng cho thấy, chưa có sự đồng nhất trong xử lý di dời hiện vật ngoại lai. Có nơi tạm cất vào kho, mời tổ chức, cá nhân công đức đến chuyển đi. Có nơi dễ di dời sư tử đá nhưng rất khó thuyết phục di dời tượng Quan Thế âm Bạch y, tượng La Hán bằng sứ vì liên quan đến tâm linh, không thể đập tượng, cũng không vứt bỏ. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là vấn đề liên quan văn hóa tâm linh nên cần thời gian để thực hiện, và quan trọng nhất là giúp người dân hiểu rõ vấn đề để thay đổi nhận thức. Nói như Trưởng BQL Di tích - Danh thắng Nguyễn Thị Hòa: "Có lẽ, BQL Di tích - Danh thắng sẽ chờ thêm hướng dẫn, tập huấn của Bộ về việc này. Phải có những kiến thức cụ thể, hướng dẫn cụ thể mới có thể thuyết phục địa phương được. Rồi tuyên truyền để dân hiểu, vì đây là vấn đề liên quan đến tâm linh, đến cộng đồng dân cư. Việc này không làm nhanh được".
Đúng là việc tuyên truyền, vận động để người dân, đặc biệt là các vị trụ trì nhận thức đầy đủ ý nghĩa, giá trị các hiện vật mang biểu tượng văn hóa Việt Nam, từ đó tự động di dời vật phẩm không có tên trong hồ sơ xếp hạng di tích là vấn đề quan trọng nhất. May mắn là giữa mối bòng bong không dễ gỡ cũng đã xuất hiện những tín hiệu tích cực. Chiều 6-2, một đôi nghê Việt bằng đá, được chế tác theo nguyên mẫu từ tượng nghê gỗ lớn nhất Việt Nam ở đền vua Lê (Thanh Hóa, thế kỷ XVII) đã được rước vào di tích lịch sử văn hóa đình Làng Trạch Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) thay cho sư tử ngoại lai. Đây là mẫu nghê Việt đầu tiên được cấp phép cung tiến vào di tích đã xếp hạng. Việc cộng đồng dân cư và một số tổ chức xã hội tự giác di dời linh vật ngoại lai, tiến hành đồng thời với việc thay thế linh vật phù hợp với văn hóa Việt được coi là một giải pháp trong quá trình di dời hiện vật ngoại lai, đáp ứng tâm linh, tạo được sự đồng thuận trong dân chúng.
Khó khăn sẽ từng bước được tháo gỡ nếu chúng ta có quyết tâm, sự sâu sát trong quản lý, chi tiết trong hướng dẫn, chủ động tìm giải pháp cho từng vụ việc và đặc biệt là sự khéo léo trong vận động, tuyên truyền để tạo được sự đồng thuận. Nhưng rõ ràng "việc này không làm nhanh được", nói như chia sẻ của vị Trưởng BQL Di tích - Danh thắng Hà Nội mà vẫn cần sự thận trọng, cân nhắc. Chính vì vậy, trong các giải pháp được đưa ra, việc tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức chuyên môn về những linh vật phù hợp, không phù hợp với di tích nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm đội ngũ cán bộ văn hóa tại địa phương, các tiểu ban quản lý các di tích tại cơ sở để tiếp thu và góp phần tuyên truyền hiệu quả việc tiếp nhận hiện vật, đồ thờ tại di tích được đặc biệt coi trọng.