Khi bác sĩ từ chối mổ cho bệnh nhân
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 25/03/2015
Theo một số tờ báo, vụ việc xảy ra ngày 20-3, bệnh nhân (phóng viên một tờ báo) đến khám tại phòng khám theo yêu cầu của Bệnh viện Phụ sản trung ương. Bác sĩ Vũ Bá Quyết trực tiếp khám và chỉ định phẫu thuật do chẩn đoán bệnh nhân bị u xơ tử cung. Tuy nhiên, khi xem hồ sơ, biết bệnh nhân là phóng viên nên bác sĩ Vũ Bá Quyết từ chối và cho hay "có thể mổ cho bất cứ ai chứ báo chí thì không". Trong khi đó, một tờ báo khác lại đưa tin bác sĩ Vũ Bá Quyết cho rằng đây không phải là trường hợp mổ cấp cứu và do công việc bận nên từ chối...
Vậy phản hồi của bác sĩ như thế nào? Chiều 24-3, trả lời báo chí về những vấn đề liên quan, bác sĩ Vũ Bá Quyết cho biết đã tư vấn cho bệnh nhân mổ theo bảo hiểm y tế để tiết kiệm chi phí, còn nếu bệnh nhân muốn mổ dịch vụ thì vào khoa Điều trị theo yêu cầu của bệnh viện. Sau đó, bệnh nhân vẫn đề nghị bác sĩ Quyết trực tiếp mổ. Tuy nhiên, bác sĩ Vũ Bá Quyết cho biết công việc bận không trực tiếp mổ mà sẽ có bác sĩ khác thực hiện. Ông cho rằng, đã là bác sĩ thì không được phép từ chối mổ cấp cứu; nhưng trường hợp bệnh nhân đến khám dịch vụ và xin mổ tự nguyện theo yêu cầu và không phải là trường hợp cấp cứu, trong khi đó ông rất bận công việc với cương vị Giám đốc Bệnh viện. Trước đó, ông đã từ chối mổ trước khi biết bệnh nhân là phóng viên, không như thông tin cho rằng ông từ chối sau khi đã xem hồ sơ bệnh nhân và biết bệnh nhân là phóng viên. Sau đó bệnh nhân gọi điện tiếp tục đề nghị bác sĩ Quyết mổ. Qua trao đổi được biết nữ bệnh nhân là phóng viên của tờ báo trước đây đã đăng bài "đánh" ông sau khi cài bẫy mời ông mổ dịch vụ (phóng viên giả làm bệnh nhân mời ông mổ dịch vụ ngoài giờ tại một bệnh viện tư nhưng sau đó đã đăng bài "đánh" ông mổ với chi phí quá cao), ông càng thẳng thắn từ chối. Bác sĩ Vũ Bá Quyết cho hay, ông không phủ nhận là một trong những lý do khiến ông thẳng thắn từ chối mổ là sợ bị "đặt bẫy" một lần nữa.
Vấn đề ở đây là gì? Một bác sĩ có được phép từ chối bệnh nhân, nhất là khi bác sĩ đó đang làm việc tại một bệnh viện công? Trường hợp nào thì bác sĩ được phép nói từ chối chữa trị?.
Theo quy định về khám chữa bệnh, nguyên tắc đầu tiên trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là bình đẳng, công bằng, không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh. Người hành nghề nói chung, bác sĩ nói riêng, được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình nhưng phải báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết. Trong những trường hợp như vậy, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác. Bên cạnh đó, bác sĩ chỉ được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu việc khám bệnh, chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp. Còn trong trường hợp bác sĩ Quyết từ chối không phải là ca cấp cứu. Khi khám bệnh theo yêu cầu (dịch vụ) bệnh nhân B có quyền yêu cầu bác sĩ A khám chữa bệnh cho mình và bác sĩ A cũng có quyền từ chối với lý do chính đáng. Sẽ ra sao khi mà bác sĩ "sợ" bệnh nhân cài bẫy, nếu nhận lời mổ thì bác sĩ có đủ tỉnh táo hoàn thành chuyên môn của mình không hay là sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bệnh nhân? Hơn nữa, với cương vị lãnh đạo một bệnh viện trung ương, bác sĩ Quyết rất bận rộn, không phải có thể thu xếp ngay thời gian để mổ. Từ chối nhưng bác sĩ Quyết có làm đúng chức năng của thầy thuốc không? Ngay tại sổ y bạ, bác sĩ Quyết đã ghi hướng dẫn cụ thể (đưa ra 2 phương án để bệnh nhân chọn lựa) đến phòng nào vào ngày thứ mấy trong tuần sẽ có bác sĩ khác khám và mổ cho bệnh nhân. Vì vậy lý do từ chối mổ trong trường hợp này của bác sĩ Vũ Bá Quyết ở mức độ nào đó là có thể thông cảm được. Ngược lại cũng đặt câu hỏi: Tại sao bác sĩ thường hay "sợ" bệnh nhân là nhà báo? Phải chăng nhiều người đang lạm dùng quyền lực nhà báo để gây sức ép hoặc gieo nỗi sợ hãi cho các bác sĩ?
Việc bác sĩ Vũ Bá Quyết từ chối mổ cho bệnh nhân khám chữa bệnh theo yêu cầu có hợp lý hay không, tới đây sẽ có kết luận chính thức của Bộ Y tế. Chữa bệnh, cứu người là thiên chức cao cả, thiêng liêng của bất cứ ai hành nghề y; Bình đẳng trong khám chữa bệnh là không được phân biệt, kỳ thị bệnh nhân. Thế nhưng, cũng cần hiểu rõ sự bình đẳng trong y tế không chỉ là bình đẳng giữa các đối tượng người bệnh như nhau mà còn phải là sự bình đẳng giữa bác sĩ và bệnh nhân. Do đó bác sĩ không được phép dùng quyền của mình để "hành" bệnh nhân và ngược lại bệnh nhân cũng không được dùng quyền của mình để "hành" bác sĩ, dù bệnh nhân đó là ai!