Các binh đoàn chủ lực thần tốc tiến về phía Nam
Chính trị - Ngày đăng : 14:51, 24/03/2015
Được đảng bộ và nhân dân các địa phương giúp đỡ, bộ đội ta đã sửa chữa 8 cầu bị địch đánh hỏng, mở hàng chục km đường quân sự, đưa tốc độ hành quân ngày cao nhất lên tới 185 km. Vừa hành quân, các đơn vị vừa rút kinh nghiệm chiến đấu và học tập cách sử dụng vũ khí, phương tiện thu được của địch. Binh đoàn Tây Nguyên được lệnh hành quân vào miền Đông Nam Bộ.
Sư đoàn 316 bộ binh và Sở chỉ huy nhẹ của binh đoàn từ Buôn Ma Thuột theo đường 14 tiến về phía Nam. Sư đoàn 10 đang truy quét địch ở Nha Trang, Cam Ranh, nhanh chóng thu quân, theo đường liên tỉnh 2 lên đường 20. Hơn 3.000 chuyến xe của Sư đoàn 471 ô tô (đoàn 559) và của binh đoàn được huy động làm nhiệm vụ vận chuyển. Các Trung đoàn 7 và 575 công binh đã được hàng nghìn đồng bào các dân tộc ở căn cứ Bác ái và vùng mới giải phóng giúp đỡ sửa đường, bắc cầu.
Bốn chiến sĩ Binh đoàn Hương Giang mang cờ tiến thẳng vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu |
Cùng thời gian này, Sư đoàn 312 bộ binh, các đơn vị binh chủng và Sở chỉ huy cơ bản của binh đoàn Quyết thắng cũng hành quân cơ giới tiến về phía Nam.
Ngày 7/4/1975: Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lệnh cho các đơn vị: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”
9 giờ 30 phút ngày 7/4/1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi điện số 157-HĐKTK cho các đơn vị mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”.
Cùng ngày, tại căn cứ Tà Thiết (Lộc Ninh), đại diện Bộ Tổng tư lệnh đã họp với Thường vụ Trung ương Cục và Quân ủy miền thông qua kế hoạch tiến công quân sự trên mặt trận Sài Gòn. Hội nghị nhấn mạnh: Trong khi khẩn trương chuẩn bị cho phương án chiến dịch quy mô lớn… nếu địch có hiện tượng tan rã đột biến lớn… bằng lực lượng sẵn có nhanh chóng, táo bạo chọc thẳng vào Sài Gòn, biết kết hợp với đặc công, biệt động và quần chúng nổi dậy từ bên trong để đánh chiếm Sài Gòn, hoặc ít nhất cũng tạo được một ưu thế có lợi cho phương án cơ bản là giải phóng Sài Gòn bằng lực lượng chủ lực, với ưu thế áp đảo địch.
Ngày 8/4/1975: Hình thành thế bao vây, chia cắt Sài Gòn, máy bay ta ném bom dinh Độc Lập
Lúc này, các lực lượng tham gia Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định đã bắt đầu hình thành thế bao vây, chia cắt, áp sát Sài Gòn. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy miền, ngày 8/4/1975, Quân khu 9 đã ra lệnh tiến công sân bay Trà Nóc (Cần Thơ).
Cùng lúc, lực lượng biệt động thành đội Cần Thơ và bộ phận pháo Quân khu đã đánh vào sân bay Trà Nóc và Lộ Tẻ.
Hồi 18 giờ 25 phút cùng ngày, trung úy phi công Nguyễn Thành Trung, một cán bộ của ta hoạt động trong lòng địch đã lái máy bay F5E ném bom xuống dinh Độc Lập, rồi hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên đặc biệt để nghe báo cáo về cuộc tiến công và nổi dậy của quân dân miền Nam từ đầu tháng 3-1975. Ủy ban Thường vụ Quốc hội kêu gọi đồng bào miền Bắc hãy hết sức chi viện cho tiền tuyến miền Nam.
(còn tiếp)