Mua sắm tập trung: Tiết kiệm ngân sách, chống lãng phí

Kinh tế - Ngày đăng : 06:51, 24/03/2015

(HNM) - Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, cần sớm ban hành quy định mới về mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức MSTT nhằm tiết kiệm chi phí và dễ dàng phát hiện những hành vi tham nhũng.


Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, cần sớm ban hành quy định mới về mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức MSTT nhằm tiết kiệm chi phí và dễ dàng phát hiện những hành vi tham nhũng.

Mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức mua sắm tập trung góp phần tiết kiệm hiệu quả ngân sách. Ảnh: Khánh Nguyên


Năm năm, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng

Thống kê của Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, sau gần 7 năm triển khai thí điểm tại 24 bộ, ngành, địa phương, hình thức MSTT đã chứng tỏ rõ những điểm ưu việt phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam. Trong 5 năm thực hiện MSTT, chênh lệch giữa dự toán và số thực tế mua sắm của các bộ, ngành, địa phương tham gia thí điểm là hơn 467 tỷ đồng. Hiệu quả của hình thức MSTT không chỉ thể hiện ở số tiền giảm chi do mua sắm theo lô lớn mà còn được thể hiện ở chỗ chất lượng đầu vào tốt, giá mua thống nhất, tương đồng về kỹ thuật. Nếu mở rộng phạm vi áp dụng thì số tiền chênh lệch và hiệu quả mua sắm công sẽ lớn hơn rất nhiều.

Quá trình triển khai thí điểm không những làm rõ những lợi ích do MSTT mang lại mà còn chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Trên thực tế phương thức MSTT đang được áp dụng dựa trên tinh thần tự nguyện của các bộ, ngành, địa phương đăng ký tham gia thí điểm. Danh mục hàng hóa, tài sản mua sắm chủ yếu do các bộ, ngành, địa phương quyết định và chưa có quy định bắt buộc áp dụng. Vì vậy, phạm vi triển khai MSTT còn hẹp, chưa đồng nhất. Trong khi đó, nhận thức của các cấp, ngành về phương thức MSTT với vị trí là công cụ hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài chính, tài sản công còn chưa đầy đủ. Tại một số bộ, ngành, địa phương, vẫn còn có tâm lý e ngại, chưa chủ động và tích cực khi áp dụng phương thức này. Thêm vào đó, nhiều đơn vị có số lượng tài sản mua sắm lớn lại chưa tham gia thí điểm.

Một rào cản nữa hạn chế hiệu quả của hình thức MSTT là mô hình tổ chức của đơn vị thực hiện quy trình này. Ở hầu hết các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện thí điểm, việc thực hiện MSTT được giao cho Vụ Kế hoạch - Tài chính, cục quản lý chuyên ngành, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế… thực hiện. Cán bộ làm nhiệm vụ MSTT hoạt động kiêm nhiệm đã khiến các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, dẫn đến hiệu quả không cao. Đặc biệt, khi thực hiện MSTT, hợp đồng mua sắm do chủ đầu tư ký với các nhà thầu, các đơn vị nhận hàng hóa, tài sản không được tham gia các điều khoản trong hợp đồng, nên có những điều khoản trong hợp đồng khó thực hiện, nhất là về bảo hành, bảo trì.

Phát hiện sớm tham nhũng, lãng phí

Tại cuộc họp đóng góp ý kiến vào dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hình thức MSTT vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ Tài chính cho biết, nếu triển khai tốt phương thức MSTT trên phạm vi toàn quốc, số tiền NSNN tiết kiệm được chiếm khoảng 15% tổng giá trị mua sắm, tương đương 30.200 tỷ đồng/năm. Trong đó, có cả việc giảm chi cho bộ máy và biên chế trong mua sắm công. Hiện cả nước có hơn 100.000 đầu mối MSTT sẽ giảm còn 107 đầu mối gồm 2 đơn vị mua sắm cấp quốc gia, 42 đầu mối thuộc các bộ, ngành trung ương và 63 đầu mối của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, việc MSTT chưa áp dụng bắt buộc nên mới chỉ có 33 bộ, cơ quan trung ương và địa phương tham gia thực hiện. Chủng loại tài sản, hàng hóa MSTT còn hạn chế, cách thức, quy trình MSTT cũng chưa phù hợp, trong khi đó các đơn vị và cán bộ thực hiện lại chưa được chuyên nghiệp hóa.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ sớm ban hành quy định MSTT tài sản nhà nước, cũng như áp dụng thống nhất quy định này trên phạm vi cả nước. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, dự thảo quyết định của Thủ tướng về MSTT thay thế cho Quyết định 179 sẽ quy định đơn vị MSTT cơ bản chỉ thực hiện nhiệm vụ tổng hợp nhu cầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng khung với nhà thầu về số lượng, chất lượng và giá cả hàng hóa dịch vụ. Đơn vị sử dụng tài sản sẽ trực tiếp ký hợp đồng mua sắm và thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản. Cách thức trên đã áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới. Dự thảo cũng quy định về mô hình đơn vị MSTT ở các cấp. Theo đó, đơn vị MSTT quốc gia hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập không vì mục tiêu lợi nhuận.

Kết luận tại cuộc họp góp ý cho dự thảo MSTT, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý với đánh giá của các bộ, ngành về tính cần thiết phải ban hành quy định mới về mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung. Việc làm này sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân lực thực hiện cho các cơ quan nhà nước, đồng thời dễ kiểm soát, phát hiện các hành vi tham nhũng trong mua sắm công sản. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng tiếp tục rà soát văn bản pháp luật có liên quan, nhằm bảo đảm tính chặt chẽ và hiệu quả khi triển khai trong thực tế.

Hương Ly