Không để bệnh lao trở thành gánh nặng
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:43, 24/03/2015
Giảm số mắc và tử vong
Đánh giá kết quả một năm triển khai chiến lược quốc gia phòng, chống lao trên địa bàn thành phố, Giám đốc Bệnh viện (BV) Phổi Hà Nội Phạm Hữu Thường cho biết, thành công lớn nhất phải kể đến là việc đã giảm được 2,6% số bệnh nhân mới mắc lao mỗi năm và giảm 4,4% số chết do lao mỗi năm (giai đoạn 1990 - 2010). Để tiếp tục thực hiện được các mục tiêu của chương trình, từ năm 2014, chương trình chống lao (CTCL) Hà Nội đã mở rộng việc khám sàng lọc bệnh lao tại các BV đa khoa tham gia mạng lưới khám phát hiện, điều trị và quản lý bệnh lao. Đơn cử như tại BV Xanh Pôn, BV Đống Đa trong năm qua đã khám và xét nghiệm đờm cho 572 người nghi lao, chẩn đoán và chuyển về các tuyến điều trị 68 bệnh nhân lao các thể. Còn tại các BV: Hà Đông, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ba Vì, Sơn Tây, Đan Phượng, Thạch Thất, Chương Mỹ và Quốc Oai đã thực hiện mô hình xét nghiệm chẩn đoán điều trị và quản lý bệnh lao. Nhờ sự tham gia của các BV đã góp phần tăng lượng người nghi lao được khám phát hiện sớm và kịp thời chẩn đoán bệnh lao đưa vào điều trị theo chương trình.
Điều trị bệnh bằng kỹ thuật hiện đại tại Bệnh viện Phổi Hà Nội. |
Thành công nữa là, trong năm qua việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 tại thành phố, đồng thời kiện toàn mạng lưới phòng, chống lao tại các tuyến góp phần mang lại nhiều hiệu quả. Cụ thể, củng cố và tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, tủ an toàn sinh học cho các cơ sở y tế từ thành phố đến tuyến quận, huyện trong việc tham gia phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh lao. Nhờ đó, tất cả các cơ sở xét nghiệm từ thành phố đến 30 quận, huyện đều được tổ chức trang bị hợp lý, bảo đảm kỹ thuật và an toàn cho kỹ thuật viên. CTCL thành phố đã hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác phòng, chống lao năm 2014, đưa màng lưới CTCL tại 30 quận, huyện đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả. Năm 2014 đã khám cho 92.801 người nghi lao tại các tuyến (đạt 128,9% chỉ tiêu năm).
Từ năm 2014, CTCL TP Hà Nội đã áp dụng việc xét nghiệm đờm phát hiện 2 mẫu cho người nghi lao (thay thế cho việc xét nghiệm 3 mẫu cho người nghi lao trước đây) đã tạo nhiều thuận lợi cho người bệnh, đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thiện quy trình xét nghiệm phát hiện 2 mẫu đờm mới. Nhằm phát hiện sớm bệnh nhân lao, bệnh nhân lao kháng thuốc, CTCL TP Hà Nội còn áp dụng kỹ thuật GeneXpert hiện đại, chẩn đoán sớm và chính xác cho bệnh nhân lao, nâng cao lượng người bệnh được chẩn đoán tại các tuyến. Còn với việc điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc, từ năm 2011 đã triển khai mô hình quản lý điều trị từ tuyến thành phố và giám sát điều trị trực tiếp tại tuyến xã, phường (giám sát trực tiếp từng liều thuốc 6 ngày/tuần trong cả liệu trình điều trị), hỗ trợ bệnh nhân 100% thuốc điều trị lao kháng thuốc, các xét nghiệm hỗ trợ... Ông Phạm Hữu Thường cho biết, mặc dù phần lớn bệnh nhân có nhiều triệu chứng phức tạp, thời gian điều trị kéo dài (ít nhất 19 tháng) xong sau 3 năm triển khai đã có nhiều bệnh nhân khỏi và hoàn thành điều trị, tiên lượng khả quan.
Tăng cường khám chủ động
Trong năm qua, kinh phí dành cho CTCL từ trung ương bị cắt giảm so với năm 2013. Dù vậy, CTCL của thành phố vẫn nỗ lực tổ chức thực hiện nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó có việc xây dựng, đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh lao phù hợp với đặc thù của người dân sinh sống ở các vùng xa trung tâm thành phố, người dân di cư, người nhiễm HIV… để mọi tầng lớp nhân dân hiểu và chủ động tiếp cận sử dụng dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao do ngành y tế Hà Nội cung cấp.
Năm qua, toàn thành phố đã xét nghiệm phát hiện cho 31.079 người nghi lao đến khám (109,1% chỉ tiêu năm), trong đó có kết quả dương tính 1.865 người. BV Phổi Hà Nội, Trung tâm Phòng, chống lao và bệnh phổi Hà Đông đã tổ chức nhiều đợt khám phát hiện chủ động tại các Trung tâm GDLĐXH của thành phố, trại giam, trại tạm giam; một số quận, huyện, nhằm nâng cao tỷ lệ người dân thành phố được khám phát hiện bệnh lao. Mặt khác, triển khai giám sát trọng điểm đối với các huyện xa trung tâm Hà Nội, khó khăn trong hoạt động chống lao.
Để tăng cường năng lực CTCL các tuyến, ông Phạm Hữu Thường cho rằng, việc phải làm trước mắt là cải thiện điều kiện làm việc tại các tuyến. Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cần xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho CTCL, tập trung vào việc tuyển dụng và giữ cán bộ trẻ, đáp ứng nhu cầu triển khai các chương trình hoạt động. Mặt khác, tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ mới tuyển dụng và cán bộ đang công tác trong CTCL, bảo đảm 100% cán bộ làm công tác phòng, chống lao từ tuyến quận, huyện trở lên được đào tạo về các hoạt động công tác phòng, chống bệnh lao; 100% cán bộ chuyên trách xã được cập nhật nâng cao kiến thức hàng năm.
Bệnh lao đang trở thành gánh nặng đối với cộng đồng xã hội, do vậy, theo ông Phạm Hữu Thường, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời người mắc lao càng có ý nghĩa quan trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác tích cực với các đơn vị y tế để thực hiện hiệu quả hoạt động khám sàng lọc bệnh nhân lao.