USD liên tục tăng giá: Doanh nghiệp “đứng ngồi” không yên
Tài chính - Ngày đăng : 06:40, 24/03/2015
Vẫn tưởng đồng USD sẽ yên vị lâu hơn sau lần điều chỉnh của NHNN ngay từ những ngày đầu năm 2015, bởi nếu nhìn lại thị trường ngoại tệ năm 2014 có thể thấy đồng USD đã giữ ổn định trong thời gian khá dài.
Thế nhưng, "cơn bão" của đồng USD không dừng lại ở lần điều chỉnh thứ nhất từ NHNN, trong hơn 1 tuần qua, đồng tiền này lại tăng giá, có những ngày tăng tới 125 VND/USD, mức tăng mạnh nhất trong gần 2 năm qua. Ngày 19-3, USD niêm yết ở các ngân hàng thương mại (NHTM) khá cao. Cụ thể, tại Vietcombank, giao dịch với giá 21.440 VND/USD (mua vào) - 21.510 VND/USD (bán ra); VietinBank: 21.445 VND/USD (mua vào) - 21.515 VND/USD (bán ra). Hầu hết các ngân hàng khác cũng niêm yết với tỷ giá tương đương, nếu có chênh lệch cũng không đáng kể. Còn tại NHNN, tỷ giá bình quân liên ngân hàng trong ngày 19-3 dừng ở 21.458 VND/USD, có nghĩa là các ngân hàng có thể giao dịch USD với mức giá tối đa là 21.694 VND/USD. Nếu tính theo trần NHNN cho phép, có vẻ như tỷ giá tại các NHTM chưa phải là đáng ngại, nhưng nếu so sánh với những thời điểm trước, đồng USD đang biến động với tốc độ nhanh.
Ảnh minh họa từ internet |
Nhận định về sự tăng tốc của đồng tiền này, nhiều chuyên gia cho rằng, đồng USD tăng quá cao không hoàn toàn do bị chi phối bởi những kẻ đầu cơ, mà chủ yếu do sự sụt giảm của đồng EUR. Cũng giống như những nhà đầu tư nước ngoài, khi đồng EUR tụt dốc, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến kênh trú ẩn là USD để bảo toàn cho nguồn vốn. Mặc dù từ trước đến nay đồng EUR không được chuộng, nhưng nhà đầu tư trong nước thường mua - bán theo tâm lý đám đông, nên chỉ cần có một tác động nhỏ, nhiều người không ngại tìm đủ mọi cách để mua USD tích trữ. Chính sự nôn nóng của nhà đầu tư trong nước đã khiến USD tăng khá nhanh, tạo cơ hội cho thị trường tự do náo loạn sau một thời gian dài trầm lắng, mang đến cơ hội kiếm lời cho những kẻ đầu cơ. Khi cầu vượt cung, đồng USD khó tránh khỏi xu hướng tăng giá.
Trên thị trường thế giới, đồng USD đã tăng giá rất mạnh so với EUR, có thời điểm được giao dịch ở mức 1,05 USD đổi 1 EUR - mức cao nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây. Tỷ giá này cũng có những lúc hồi phục lên 1,1 USD đổi 1 EUR, nhưng chỉ sau một vài phiên, đồng EUR thậm chí được giao dịch bằng đồng USD. Nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới dự báo, tỷ giá EUR/USD có thể xuống 0,95 trong vòng một năm tới. Tuy nhiên, đồng EUR suy giảm lại tạo điều kiện cho đồng USD có cơ hội tăng giá sau nhiều tháng chật vật cạnh tranh với những kênh đầu tư khác là EUR, vàng và chứng khoán. Nền kinh tế Mỹ hồi phục mạnh, những quốc gia trong khối EU lại chật vật trong khủng hoảng, đã giúp đồng USD tăng giá, còn EUR rớt giá thảm hại. Trong bối cảnh vàng không nhiều biến động, EUR không còn duy trì ở thời kỳ đỉnh cao, chứng khoán thiếu sóng, USD được coi là lựa chọn được ưu tiên. Dự báo, USD sẽ tiếp tục tăng so với nhiều ngoại tệ mạnh khác trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ trong khi những quốc gia khác trong khối EU và Châu Á mở rộng gói kích thích nền kinh tế, bơm thêm tiền ra thị trường. Đồng USD trong nước thay đổi khiến không ít người nghĩ đến giải pháp của NHNN là điều chỉnh tỷ giá theo mức tăng cho phù hợp với tình hình thực tế. Nhưng nếu đúng như kịch bản này diễn ra, cơ quan này sẽ không dễ dàng trong việc thực hiện mục tiêu đã được đưa ra từ đầu năm 2015 là chỉ điều chỉnh tỷ giá trong biên độ 2%.
Đồng USD tăng khiến "kẻ khóc, người cười": Với những DN xuất khẩu, USD tăng mang lại không ít lợi nhuận cho họ; với các DN nhập khẩu thì ngược lại. Rõ ràng là, 1% hay 2%, với những người dân chỉ có thói quen tích trữ USD không phải là việc quá bận tâm, nhưng với DN thường có những hợp đồng với đối tác nước ngoài, điều chỉnh tỷ giá sẽ khiến không ít DN phải "dở khóc, dở cười". Bởi lẽ, hợp đồng đã ký kết từ trước, DN phải cam kết trả bằng USD, nếu USD không ngừng leo thang, chi phí cho sự biến động này không nhỏ. Vì vậy, tại thời điểm này, nhiều DN "đứng ngồi" không yên khi chứng kiến đường đi của đồng USD.
Câu chuyện về bất ngờ từ tỷ giá đã được nhắc nhiều từ những năm trước và giờ đây lại có thêm cơ hội khuấy động. Sự biến động tỷ giá trong những tháng đầu năm 2015 này một lần nữa khiến DN phải nhìn lại một bài học cho việc tính toán đến sự tăng, giảm của đồng USD. Hơn lúc nào hết, cơ quan quản lý cần có động thái cho đồng tiền này để DN không còn phải chịu quá nhiều rủi ro vì tốc độ tăng nhanh của USD.