Chuyến công du nhọc nhằn!

Thế giới - Ngày đăng : 06:25, 24/03/2015

(HNM) - Ngày 23-3, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã tới Berlin bắt đầu chuyến thăm Đức theo lời mời của Thủ tướng Angela Merkel. Chuyến thăm của nhân vật không mặn mà với chính sách


Sự kiện này cũng được nhìn nhận là nỗ lực cuối cùng của Đức nhằm giữ chân Hy Lạp trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), đặc biệt khi quan hệ giữa hai nước đang đi vào "vùng thời tiết xấu" do kế hoạch chống "thắt lưng buộc bụng" và tham vọng tái cơ cấu nợ của nội các Athens.

Thủ tướng Hy Lạp A.Tsipras (trái) sẽ phải thuyết phục người đồng cấp Đức A.Merkel về khoản cứu trợ.


Kể từ khi lên nắm quyền tại Hy Lạp, Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras đã liên tục có những bước đi khiến các đối tác Châu Âu, đặc biệt là Đức "đứng ngồi không yên". Trước hết là tuyên bố chấm dứt các chương trình "thắt lưng buộc bụng" hà khắc (nước Đức là kiến trúc sư trưởng) mà người Hy lạp đã chán ngấy để đổi lấy gói cứu trợ từ các thể chế quốc tế. Gần đây, Athens đã cảnh báo sẽ thu giữ tài sản của Đức tại Hy Lạp. Đây được xem như khoản đền bù mà Đức phải trả cho Hy Lạp sau Chiến tranh thế giới thứ II. Đỉnh điểm, tạp chí Syriza của Thủ tướng A.Tsipras còn đăng biếm họa Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble mặc đồng phục Đức quốc xã, một vấn đề được xem là khá nhạy cảm đối với nước Đức. Những động thái nói trên khiến Hy Lạp trở thành hình ảnh khó gần trong cái nhìn của người Đức hiện nay. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận công bố mới đây, có tới 52% số người được hỏi muốn Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng Eurozone, tăng hơn 11% so với 3 tuần trước đây và tới 80% người Đức không còn muốn giúp đỡ Hy Lạp.

Trước khi cuộc bầu cử Hy Lạp diễn ra đã có nhiều ý kiến từ Châu Âu cho rằng nếu đảng Syriza chiến thắng và thực thi các bước đi chống "thắt lưng buộc bụng" ở xứ sở Các vị thần, EU sẽ xem xét khai trừ Hy Lạp ra khỏi Eurozone. Nếu vậy, chắc chắn sẽ mang lại nhiều thiệt hại cho cả đôi bên. Hy Lạp sẽ nhanh chóng phá sản nếu không còn được sự bao bọc của đồng euro ổn định. Trong khi đó, EU sẽ nhận một món quà không muốn. Đó sẽ là cơn địa chấn lớn về uy tín, độ bảo đảm của nguồn vốn đầu tư, an ninh, địa - chính trị... Đây là lý do vì sao EU và Hy Lạp vẫn cố gắng duy trì đàm phán về giảm nợ, giảm các biện pháp kham khổ, tiết kiệm để đi đến thống nhất chung, để không ai phải thiệt hại do sự ra đi khỏi khu vực Eurozone của Hy Lạp. Vấn đề cốt yếu được đặt ra là, nếu Hy Lạp rời bỏ EU sẽ tạo một tiền lệ cho các quốc gia ở khu vực. Vì, "không trả nợ - khai trừ" sẽ là công thức dự báo sự sụp đổ, tan rã nhanh chóng EU. Đó là lý do vì sao Châu Âu vẫn kiên trì đàm phán, bàn bạc và xem xét nguyện vọng của các nhà cầm quyền ở Athens. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Hy Lạp sẽ được hưởng một quy chế đặc biệt. Thủ tướng Đức A.Merkel vẫn kiên định lập trường không giảm nợ cho Hy Lạp. Vì thế, trong cuộc đàm phán với các chủ nợ ngày 20-3, nước này đã buộc phải chấp thuận đệ trình danh sách các cải cách mới trong thời gian sớm nhất để có thể nhận được số tiền còn lại trong gói cứu trợ.

Đúng ra, Athens muốn 7 tỷ euro còn lại trong gói cứu trợ sẽ được giải ngân cho Hy Lạp ngay lập tức để tránh nguy cơ phá sản nền kinh tế trong vài ngày tới. Đây cũng là mục tiêu mà Thủ tướng A.Tsipras dự định thuyết phục người đồng nhiệm Đức trong chuyến thăm. Thế nhưng, đây lại là nhiệm vụ khó khả thi với ông A.Tsipras, bởi lẽ điều mà Berlin và hầu hết các nước trong EU mong muốn là Hy Lạp phải thực hiện là quay lại "lộ trình" khắc khổ với các chính sách của chính phủ tiền nhiệm để cứu vãn nền kinh tế. Đó là tăng thuế, cắt giảm chi tiêu công và phúc lợi xã hội... để có thể bước vào con đường tăng trưởng. Nhưng đây lại là những vấn đề khó đối với chính phủ mới của Athens bởi họ không dễ nuốt lời trước cử tri.

Quỳnh Chi