Hơn 55ha đất trước nguy cơ bỏ hoang

Xã hội - Ngày đăng : 06:15, 24/03/2015

(HNM) - Mặc dù thời tiết gieo cấy vụ xuân 2015 đã hết nhưng nhiều hộ dân xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai cho rằng chính quyền địa phương không minh bạch khi thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) nên vẫn chưa nhận ruộng gieo cấy. Đến ngày 20-3, toàn xã vẫn còn 55ha đất sản xuất nông nghiệp bỏ hoang.

Hàng chục héc ta mạ xuân ở xã Cộng Hòa vẫn chưa được mang đi cấy.


Cộng Hòa là xã thuần nông với hơn 1.840 hộ dân sinh sống ở 11 đội sản xuất. Nhìn chung, đời sống của nhân dân ở đây còn nhiều khó khăn. Toàn xã có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 300,8ha, trong đó diện tích thực hiện DĐĐT là 258ha. Tháng 8-2014, UBND xã Cộng Hòa triển khai công tác dồn đổi ruộng và đến cuối năm 2014, có 7/11 đội sản xuất nhất trí với phương án DĐĐT. Tuy nhiên, khi triển khai công việc ngoài thực địa lại gặp những vướng mắc do một số kiến nghị của người dân đưa ra.

Ông Nguyễn Hồng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai: Hiện nay, huyện đã chỉ đạo xã Cộng Hòa tạm dừng công tác DĐĐT, tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động nhân dân ra đồng cấy vụ xuân. Trên cơ sở diện tích đất của từng hộ trước đây, xã sẽ giao ruộng tạm thời để nhân dân cấy cho kịp thời vụ. Trong trường hợp nhân dân không cấy, xã sẽ giao cho các đoàn thể trong thôn cấy.

Theo ông Vương Đắc Lợi (thôn 1), về cơ bản nhân dân rất ủng hộ chủ trương DĐĐT. Tuy nhiên, không ít người băn khoăn bởi khi triển khai, tiểu ban DĐĐT chưa thực hiện đúng với phương án ban đầu, như: Cho máy xúc khoét sâu, lấy hết đất màu để làm đường giao thông và không hoàn trả mặt ruộng, đào đắp một số tuyến mương, đường nội đồng không phù hợp, gây khó khăn cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ngoài ra, người dân cho rằng diện tích đất công ích được giữ lại (5%) chỉ khoảng 15ha nhưng UBND xã hiện đang quản lý 38,9ha. "Diện tích dôi dư này, UBND xã cho một số người dân thuê sử dụng sai mục đích. Thậm chí, trong quá trình DĐĐT, tiểu ban giữ lại 43.500m2 đất nông nghiệp mà không có sự giải thích rõ ràng..." - ông Lợi cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hoàn, chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai, để xảy ra sự việc này, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền xã chưa kịp thời tuyên truyền, giải thích thấu tình đạt lý cho nhân dân về chủ trương, chính sách DĐĐT. Thậm chí, ngay từ khâu thành lập tiểu ban DĐĐT ở các thôn, chính quyền xã thực hiện không chặt chẽ. Những kiến nghị của nhân dân không được xã giải quyết sớm dẫn đến hơn 200ha lúa xuân cấy muộn so với lịch thời vụ một tháng và 55ha có nguy cơ không kịp cấy, phải bỏ hoang.

Theo ông Vương Đắc Thủy, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa, do một số kiến nghị của người dân vượt quá thẩm quyền giải quyết của thôn và UBND xã như: Yêu cầu xử lý dứt điểm những vi phạm đất đai rồi mới DĐĐT; một số ý kiến yêu cầu giao đất thành 3 thửa (có thêm một thửa đất phần trăm gần làng) và chia hết phần đất công dôi dư... Mặc dù xã đã nhiều lần giải thích chủ trương DĐĐT là dồn đổi các ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn để thuận lợi canh tác, đưa cơ giới hóa vào sản xuất chứ không phải chia lại ruộng đất nhưng một số người vẫn không đồng tình. Sự việc nhùng nhằng nên đến ngày 20-3, xã Cộng Hòa mới chia ruộng xong cho nhân dân các đội 3, 4, 5, 7, 8, 9 và 10 để cấy lúa xuân. Người dân đội 1, 2, 6 và 11 vẫn chưa thống nhất được cách thức chia ruộng.

Giải thích thêm về quỹ đất công ích dôi dư tăng nhiều so với quy định (38,9ha), ông Thủy cho biết: Năm 1992, UBND xã chia lại ruộng cho nhân dân đã để lại diện tích đất công ích theo quy định là 5% (khoảng 15ha), còn lại là quỹ đất 2 và đất hành lang thủy lợi... khó canh tác (khoảng 24ha), hiện đang được giao thầu cho một số hộ dân. UBND xã sẽ lấy diện tích này phục vụ công tác DĐĐT như: Dành 17ha làm giao thông thủy lợi nội đồng, gần 7ha để chia cho những khẩu phát sinh từ ngày 2-10-1992 đến 15-10-1993 (vì xã chia ruộng trước ngày 1-10-1992). Số diện tích 43.500m2 nhân dân yêu cầu chia đều sẽ được UBND xã gộp vào để chia cho số khẩu phát sinh. "Còn những sai phạm trong quản lý đất đai, chúng tôi đã xin ý kiến của huyện cho xử lý sau để tập trung thời gian triển khai dứt điểm công tác DĐĐT" - ông Thủy nhấn mạnh.

Thiết nghĩ, DĐĐT gắn với xây dựng nông thôn mới tạo điều kiện cho sản xuất, đem lại thu nhập cao hơn và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Mặc dù việc đề nghị nhanh chóng giải quyết những tồn tại là chính đáng và cần thiết nhưng không nên đánh đồng với việc dừng cấy lúa xuân. Vì vậy, trong khi chờ chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm sai phạm về công tác quản lý đất đai và vướng mắc trong DĐĐT ở địa phương, nhân dân các đội sản xuất 1, 2, 6 và 11 không nên bỏ ruộng hoang để ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của các hộ.

Bài, ảnh: Đức Duy