Tư duy đúng sẽ có cách làm chuẩn
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 24/03/2015
Lấy ví dụ như việc chi tiêu trong nội bộ một gia đình, với người "trong nhà", đó là chuyện lớn, cần phải có hoạch định rõ ràng, dựa trên những cơ sở cụ thể. Đời người cũng vậy, ai cũng có những dự tính riêng trong từng giai đoạn, và đó cũng là mục tiêu để tạo ra động lực phấn đấu. Rộng ra, với từng đơn vị, doanh nghiệp, từng ngành, lĩnh vực… không thể thiếu hoạch định trong ngắn hạn, dài hạn những việc cần làm. Ấy là những chuyện hết sức bình thường, nhưng vấn đề là để những hoạch định đó trở thành hiện thực, nói cách khác là có tính khả thi cao thì cần phải có lộ trình, sát thực tế, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cũng như tiến trình phát triển…
Trở lại với vấn đề cải tạo, thay thế cây xanh ở Hà Nội, có thể thấy đây là một chủ trương hết sức đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên những hoạch định cụ thể trong ngắn hạn, dài hạn để thực hiện công việc này cần phải phù hợp, đáp ứng mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành đô thị "Xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại" như Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xét trên phương diện đó, chuyện dư luận bức xúc trước việc chặt hạ, thay mới hàng loạt cây xanh trong một khoảng thời gian ngắn vừa qua là hoàn toàn dễ hiểu. Lý do là cách làm của ngành chức năng và các đơn vị liên quan không phù hợp, còn nhiều hạn chế trong công tác tuyên truyền để người dân thấu hiểu và tạo sự đồng thuận về dư luận xã hội, có sự nôn nóng và "đơn giản hóa" một công việc, một vấn đề tưởng chừng là bình thường, là "chuyện nhỏ".
Thực tế, như đã nêu, trong cuộc sống có những câu chuyện, có những vấn đề tưởng chừng rất nhỏ, nhưng có tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống xã hội. Trong bài viết "Cây xanh và thái độ ứng xử!" (Báo Hànộimới ngày 23-3-2015), tác giả Cù Xuân Trường viết: "Cây xanh, một thực thể sống rất nhỏ trong mỗi góc phố, mỗi con đường nhưng ẩn chứa trong đó là những hoài niệm của đời người, là những giá trị cảnh quan, thậm chí cả những giá trị tâm linh nên có ý nghĩa rất lớn và có thể xem là một thứ "di sản" trong trái tim mỗi con người, di sản của một vùng đất". Rõ ràng câu chuyện nêu trên không còn là… chuyện nhỏ. Và mấy ngày qua, những người lãnh đạo cao nhất của thành phố đã quyết liệt vào cuộc với những chỉ đạo cụ thể, sát sao những việc cần làm, cả trước mắt và lâu dài. Điều đó cho thấy tinh thần nghiêm túc, cầu thị, trân trọng và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của dư luận, thẳng thắn, không né tránh, bao biện của những người có trách nhiệm.
Xét cho cùng, mọi công việc trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền đều là nhằm phục vụ lợi ích của người dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh". Trong "Sửa đổi lối làm việc", Người đã phân tích, thực thi nhiệm vụ, không phải việc gì cũng tốt, không có khuyết điểm; cũng không phải việc gì cũng kém, cũng đầy những khuyết điểm. Quan trọng là chúng ta nhìn nhận được những yếu kém, thiếu sót để có cách sửa chữa, khắc phục. Đây là tư duy cần thiết đối với các ngành, các cấp và từng công bộc trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Và như phát biểu của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị tại cuộc họp của Thường trực Thành ủy chiều 23-3-2015: Nhân dân rất nghiêm khắc, nhưng đồng thời cũng rất công bằng nếu chúng ta thực lòng tiếp thu, sửa chữa.