5 “sát thủ” của tế bào não

Sức khỏe - Ngày đăng : 15:03, 23/03/2015

Khi chúng ta trưởng thành, có nhiều yếu tố sẽ cạnh tranh với quá trình sinh thần kinh và sẽ giết chết các tế bào não. Một số yếu tố này hay gặp hơn ta tưởng rất nhiều.


Mất ngủ

Phần lớn người trưởng thành cần ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm. Điều này sẽ cho não của chúng ta đủ thời gian để trải qua các giai đoạn của giấc ngủ, dần dần trở nên sâu hơn và kết thúc ở giấc ngủ REM (giấc ngủ chuyển động mắt nhanh) trước khi bắt đầu lại tất cả.

Việc có được giấc ngủ REM là rất quan trọng vì đây là lúc bộ não vừa tích cực làm việc để giữ cho chúng ta ngủ ngon - ví dụ như bằng cách khiến chân tay “tê liệt” ở trạng thái mơ - đồng thời cũng hoạt hóa các vùng não chịu trách nhiệm cho việc học tập.

Đây là khi trí nhớ được củng cố và lưu giữ, và năng lượng được bù đắp. Do đó không có gì đang ngạc nhiên là những người thường xuyên mất ngủ sẽ khó tập trung, khó ra quyết định và khó tự lôi cuốn mình trong các tình huống học tập và xã hội hơn.

Một nghiên cứu hồi năm ngoái đã cho thấy những hậu quả này phù hợp với tổn thương ở não: các tế bào thần kinh ở vùng sản sinh năng lượng có tên là locus coeruleus (LC) bắt đầu chết khi phải thức kéo dài. Không có những tế bào sản sinh năng lượng này, cơ thể chúng ta không thể hoạt động được bình thường trong ngày tiếp theo.

Một nghiên cứu khác cho thấy thiết ngủ có thể gây teo vỏ não và hồi hải mã, nhất là ở người trên 60 tuổi, cho thấy giấc ngủ càng trở nên quan trọng khi chúng ta già đi.

Hút thuốc lá

Với mỗi điếu thuốc lá, người hút sẽ hít vào trên 7.000 chất độc, trong đó có 69 chất gây ung thư. Hút thuốc lá còn gây ra một loạt những bệnh khác, từ viêm phế quản mạn tới khí phế thũng, bệnh tim và đột quị.

Trong nghiên cứu năm 2002 của Viện Nghiên cứu Y khoa Quốc gia Pháp, các nhà khoa học thấy rằng chuột bị nghiện nicotin tạo ra tế bào thần kinh ở nhân răng của hồi hải mã ít hơn 50%. Những con chuột nhận liều nicotin cao hơn thì tế bào não cũng dễ bị chết hơn. Một nghiên cứu khác của Ấn Độ cho thấy một chất có trong thuốc lá là NNK có thể gây phản ứng mạnh ở các tế bào bạch cầu của não, buộc chúng tấn công cả những tế bào não khỏe mạnh.

Những phát hiện này có thể giải thích tại sao những người nghiện thuốc lá khi cố bỏ thuốc lại bị những vấn đề nhất thời về ý thức. Có thể là do trong khi hút thuốc, tác dụng kích thích của nicotine đã che lấp sự giảm sút tính linh hoạt của thần kinh. Khi cai thuốc, những thiếu hụt này mới lộ rõ.

Mất nước

Quan niệm phổ biến rằng rượu sẽ giết chết tế bào não bắt nguồn từ thực tế là nó khởi động một loạt quá trình trong cơ thể. Một trong số đó là “xả van”: lúc ta phải vào toilet sau một hai vại bia, và còn vào đó liên tục hơn bình thường trong suốt cả đêm. Khi uống nhiều rượu bia, chất cồn sẽ ức chế hoóc môn vasopressin có tác dụng giữ nước trong cơ thể. Điều này khiến cơ thể không thể giữ được nước tiểu, và hậu quả là mất nước - cũng là lý do khiến ta có cảm giác khó chịu sau cơn say.

Nếu biết nước chiếm 75% cấu tạo của não, thì bất kỳ ai khi uống một ly rượu cũng nên uống kèm một cốc nước lớn. Thực ra, chúng ta cần uống nước cả ngày vì mất nước nhẹ có thể xảy ra ngay chỉ sau 4 tiếng. Một khi tình trạng mất nước trở nên nghiêm trọng, nó có thể khiến não bị phù khi cơ thể cố kéo thêm nước vào tế bào – hậu quả là tế bào có thể bị vỡ. Co giật cũng không phải là hiếm gặp, vì mất cân bằng điện giải làm rối loạn truyền đạt thông tin giữa các tế bào thần kinh. Tất cả những nguyên nhân này khiến não phải làm việc vất vả hơn để thực hiện vai trò của mình, dẫn đến kết cục não có thể bị teo nhỏ, theo như nghiên cứu năm 2011.

Stress

Phần lớn chúng ta có thể gặp những ngày hoặc những tuần mà mọi việc đều có vẻ trục trặc. Cố đối phó với quá nhiều vấn đề một lúc sẽ dẫn đến stress. Nhưng vì đây là cách cơ thể đương đầu với thách thức, nên nó sẽ giúp ta bằng cách cải thiện sự tập trung và chú ý. Tuy nhiên, cơ thể chỉ đối phó được phần nào, và sau một điểm ngưỡng nhất định, nó sẽ sụp đổ, khiến bạn mất tập trung, bồn chồn và kiệt sức.

Tất cả những điều này có thể quy cho hoóc môn stress cortisol, được giải phóng từ tuyến thượng thận trong những thời điểm stress. Hoóc môn này hoạt hóa nhiều quá trình sinh học với mục đích đưa năng lượng tới những chỗ cần thiết nhất; ví dụ tiêu hóa sẽ dừng lại trong khi nhịp tim tăng lên.

Tuy nhiên, ở những người bị stress mạn tính, nồng độ cortisol có thể tăng cao đến mức não không sản sinh được thêm các tế bào tạo myelin và ít tế bào thần kinh hơn. Myelin là vật liệu tạo nên chất trắng của não và truyền thông tin giữa các nơ-ron. Nhưng những thay đổi này trong não có thể góp phần vào nguy cơ bệnh tâm thần như tâm thần phân lập và rối loạn lo âu.

Cocaine và các loại ma túy khác

Các loại ma túy như cocaine, methamphetamine, ma túy tổng hợp đều hoạt hóa hệ thống “trao thưởng” của não, kích hoạt giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamine và norepinephrine.

Trong khi việc kích hoạt các chất dẫn truyền thần kinh này có thể gây ra cảm giác hưng phấn và khiến người dùng rất hoạt động, song chúng gây tổn thương các nơ-ron chịu trách nhiệm giải phóng những chất mang lại cảm giác “phê” này. Hậu quả là người dùng có thể dần quen với thuốc, buộc họ phải tăng dần liều để đạt được sự hưng phấn – khiến cho tế bào càng bị tổn hại và thậm chí bị chết.

Trong nghiên cứu năm 2003 về cocaine, các nhà nghiên cứu đã xem xét mẫu não lấy từ 35 người sử dụng cocaine đã chết và so sánh với mẫu của 35 người không sử dụng. Họ thấy nồng độ dopamine thấp hơn nhiều ở những người dùng cocaine, nhất là những người cũng bị trầm cảm, cho thấy họ có ít tế bào thần kinh sản sinh dopamine hơn.

Các nhà nghiên cứu tin rằng tổn thương này ở tế bào não dẫn tới nghiện ma túy, và người nghiện sẽ càng ngày càng khó có cảm giác bình thường nếu thiếu ma túy.

Theo Cẩm Tú