Hết hồn khi đọc sách, truyện thiếu nhi
Giáo dục - Ngày đăng : 13:37, 23/03/2015
* Sách, từ điển còn sai
Không phải bây giờ vấn đề sai sót trong xuất bản sách mới bị lên tiếng. Từ lâu, vấn nạn sách in sai, in thiếu đã khiến nhiều ông bố, bà mẹ bị “sốc” khi thấy con cái đang học những sản phẩm lệch lạc về tư duy và ngữ nghĩa.
Những sai sót của từ điển Vũ Chất khiến nhiều người choáng váng. |
Điển hình và gây ồn ào nhất là cuốn”Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất, đề tên Nhà xuất bản Trẻ. Cuốn sách đã bây bão khi bị phát hiện nhiềut định nghĩa sai lệch, những lỗi văn bản khi in ấn. Ví dụ như: “Tao đàn là chỗ nằm của tao nhân thi sĩ"; “Tù trưởng là người đứng đầu trông coi tội nhân", “Bồ bịch là bạn bè thân thích”, “Ngồi là đặt đít xuống chỗ nào”… Đáng ngại hơn, cuốn sách này đã từng được lưu trữ trong Thư viện Quốc gia để cho học sinh, sinh viên tra cứu. Mặc dù ngay sau khi bị dư luận lên án, đại diện NXB Trẻ đã chính thức xin lỗi và cho thu hồi sách nhưng dư âm về những sai sót nghiêm trọng của cuốn từ điển dành cho học sinh khiến cho nhiều người đến giờ vẫn chưa hết hoảng hốt.
Một trong những lỗi sai của cuốn từ điển của NXB Bách Khoa |
Sau sai sót của cuốn Từ điển của tác giả Vũ Chất (hiện vẫn chưa rõ là ai?), độc giả tiếp tục”sởn tóc gáy” khi phát hiện ra một loạt từ điển mang danh các NXB khác cũng bị lỗi sai nghiêm trọng. Điển hình là “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 1, 2, 3” và "lớp 4", "lớp 5" do Khắc Trí - Trọng Tấn biên soạn, NXB Đồng Nai phát hành năm 2012 cũng bị cho là biên soạn cẩu thả. Trong cuốn từ điển này, độc giả tìm được hàng loạt định nghĩa từ tối nghĩa, ví như: “Con ếch (dt): Loại nhái mình lớn, thịt ngon”, “Nhái (dt): Loại ếch nhỏ”, “Tao (dt): Lấy vợ từ thuở nghèo hèn”… Tuy nhiên, điều khiến các bậc phụ huynh thấy “kinh dị” nhất ở cuốn từ điển này là không đi giải thích những từ ngữ đơn giản về thế giới quan phù hợp với lứa tuổi của các em lớp 1, 2, 3 mà lại “giới thiệu” những từ kiểu như: Đĩ; Đĩ đực, Bao cao su; Điếm, Trinh tiết; Màng trinh; Bán dâm…
Hay cuốn “Từ điển tiếng Việt” do NXB Bách khoa Hà Nội biên soạn, với đối tác liên kết là Nhà sách Huy Hoàng cũng là một trong những sản phẩm in ấn cẩu thả được tung ra thị trường khiến dư luận bất bình. Trong cuốn từ điển này, không khó khi tìm ra những lỗi giải thích ngớ ngẩn, sai lệch, như: “niết bàn” là “nát bàn”, “bia” là “rượu giải khát”, “Phi tần” là “vợ hầu của vua”, “nữ thi sĩ” là “thi sĩ đàn bà”…
Một loạt lỗi sai trong các cuốn từ điển tiếng Việt như hồi chuông cảnh bảo cho lỗ hổng trong khâu kiểm duyệt sách và xuất bản sách của ta. Mặc dù cuối năm 2014, Cục Xuất bản cho rà soát toàn bộ từ điển trên cả nước, tiến hành đính chính, thu hồi những bản in lỗi, sai sót nhưng độc giả cũng giảm dần sự tin cậy đối với những cuốn sách được ví như là cẩm nang giúp học sinh, sinh viên học tập.
* Đến cổ tích cũng bị “tam sao thất bản”
Gần đây, việc một số câu chuyện cổ tích nổi tiếng Việt Nam khi in vào sách học và sách truyện mang nhiều dị bản khác nhau cũng gây tranh cãi không nhỏ trong dư luận. Cụ thể là đầu tháng 3 vừa qua, một loạt phụ huynh ở Thanh Hóa thắc mắc về chi tiết trong sách hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A “Thánh Gióng sau khi đánh giặc bị thương nặng, vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm...”. Sau này, khi dư luận nảy sinh những tranh cãi trái chiều thì NXB Giáo dục Việt Nam và tác giả chủ biên cuốn sách học này mới cho biết, đây là in phần trích đoạn tác phẩm “Sức sống của dân Việt trong ca dao và cổ tích Việt Nam” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Điều đáng nói ở việc này là chủ biên cuốn sách và NXB khi in trích dẫn đoạn viết của nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã không chú thích rõ ràng khiến cho cả phụ huynh và học sinh hoang mang, gây ra những tranh cãi không đáng có.
Truyện của NXB Giáo dục kể Mã Viện cởi truồng để chiến thắng đội quân Hai Bà Trưng với hình ảnh vẽ bị cho là phản cảm. |
Chưa hết chuyện “Thánh Gióng tắm Hồ Tây” thì dự luận một lần nữa “phát sốt” với câu chuyện Thạch Sanh ở truồng, trăn tinh bị chém ghê rợn trong “Truyện cổ tích Việt Nam” do NXB Kim Đồng – một trong những NXB uy tín trong xuất bản sách của thiếu nhi in ấn và phát hành. Cụ thể, tại trang 40 của cuốn sách “Truyện cổ tích Việt Nam” được NXB Kim Đồng tái bản 10-2014 có đoạn: "Bà (mẹ của Thạch Sanh) cởi chiếc quần độc nhất của mình trao cho con... “Con cũng đã lớn rồi đấy, cởi truồng mãi thế người ta cười cho, hãy giữ lấy cái quần này của mẹ mà mặc”.
Tiếp đó, trong đoạn miêu tả Thạch Sanh giết trăn tinh viết: “Thạch Sanh vung búa đánh nhau với trăn tinh suốt một ngày một đêm không phân thắng bại. Cuối cùng Trăn tinh bị đuối sức, Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu Trăn tinh bổ xuống thật nhanh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”.
Trước vụ việc này, đại diện truyền thông của NXB Kim Đồng cho biết, truyện dân gian được truyền miệng vì thế có nhiều dị bản khác nhau. Đây là một trong những dị bản của truyện Thạch Sanh đã được người chủ biên cân nhắc và tìm hiểu kỹ mới đưa vào sách. Tuy nhiên, trước sự phản ứng của dư luận, NXB Kim Đồng sẽ cho chỉnh sửa lại bản in này.
Cuốn "Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú" cũng có những đoạn viết được cho là không phù hợp với trẻ nhỏ | |
Liên quan đến việc sách thiếu nhi, trên facebook cư dân mạng cũng truyền nhau nhiều sản phẩm có nội dung không phù hợp với tâm lý trẻ nhỏ. Điển hình như trong truyện “Trưng nữ vương khởi nghĩa Mê Linh" do NXB Giáo dục in ấn, phát hành có đoạn kể và vẽ tranh quân Mã Viện cởi truồng để giành chiến thắng trước đội quân của Hai Bà Trưng. Đây cũng là một trong những dị bản khi kể về chiến thắng của quân Mã Viện trước đội quân của Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, theo nhiều người câu chuyện này chưa rõ thực hư đến đâu nhưng để hình thành sách và kể cho trẻ nhỏ nghe về những giai thoại lịch sử nên thận trọng và không nên đưa những hình ảnh phản cảm gây tranh cãi.
Trên trang web chính thức của Bộ Thông tin và truyền thông công bố Việt Nam có 53 NXB trung ương và 12 NXB địa phương (tính đến ngày 11-2-2014). Trong đó nhiều NXB ngoài việc in ấn, xuất bản những sản phẩm sách chuyên ngành còn dành hẳn mảng sách thiếu nhi, bởi đây là mảng có nhiều đội tượng độc giả quan tâm. Trên thị trường sách vì thế có vô vàn sách cho thiếu nhi từ truyện, sách tham khảo, sách học, sách năng khiếu, sách kỹ năng sống… tuy nhiên thực tế chất lượng của những sản phẩm này đến đâu vẫn là câu hỏi lớn.
Chưa kể đến vấn nạn in lậu, làm giả, chỉ tính những số lượng sách in chính thống từ các NXB cũng đã để xảy ra những bất cập, sai sót nghiêm trọng. Khi những nhà làm sách vẫn còn thiếu thận trọng trong khâu biên soạn và in ấn thì những bậc phụ huynh chỉ còn cách là tự kiểm duyệt trước nội dung sách rồi hãy cho con, em mình tiếp cận. Mà điều này, xem chừng vẫn là thách thức đối với cả phụ huynh lẫn con trẻ.