Di dời “Hiện vật lạ” ra khỏi di tích đình làng Hồi Quan, Bắc Ninh

Văn hóa - Ngày đăng : 10:44, 23/03/2015

(HNMO)- Nhân dịp lễ hội đình Hồi Quan, xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, ngày 22/3/2015 (tức ngày 3/2 âm lịch) nhân dân địa phương tổ chức di dời các hiện vật như đèn đá, nhang án, lư hương đặc biệt là đôi sư tử kiểu Trung Quốc ra khỏi di tích, trả lại cảnh quan di tích được nguyên trạng....


Các đồ thờ gồm hương án đá, đèn đá, lư hương, tượng sư tử kiểu Trung Quốc được hội đồng niên sinh năm 1979 và 1982 do không biết đã phát tâm công đức cúng tiền vào bày đặt trước đình làng từ năm 2011, 2012.

Tiến hành di dời sư tử đá ngoại ra khỏi di tích đình làng Hồi Quan, Bắc Ninh.


Sau khi có công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL của Bộ VH,TT&DL người dân địa phương cũng rất muốn di dời các đồ cúng tiến này ra khỏi đình nhưng vì lo ngại vấn đề tâm linh và không biết di dời đi đâu, nên việc di dời chưa được triển khai. Đây là vấn đề mà nhiều địa phương bị vướng mắc.

Sau khi nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân Hồi Quan, các nhà nghiên cứu, họa sỹ, nhà điêu khắc, nhà báo và những người hưởng ứng công văn 2662 của Bộ VHTTDL là thành viên trang mạng facebook Linh vật và cổ vật truyền thống Việt Nam đã tiến hành thực vận động hiện xã hội hóa di dời các sản phẩm “lạ” ra khỏi di tích, giúp người dân Hồi Quan trả lại cảnh quan đình làng, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Di sản văn hóa.

Trong khi chưa tìm được nơi tập kết xử lý các tượng sư tử ngoại lai thì cặp tượng này được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ nhận trách nhiệm tạm mang cặp tượng này về xưởng để nghiên cứu chuyển đổi sang các sản phẩm thủ công khác.


Theo ông Dương Đình Lực, trưởng thôn Tương Giang, cặp sư tử kiểu Trung Quốc cùng các hiện vật này được hội đồng niên sinh năm 1979 và 1982 phát tâm công đức cúng tiến vào bày đặt trước đình làng từ năm 2011, 2012. Tuy nhiên, nhận thấy đó là những hiện vật ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam sau khi được phổ biến công văn 2662, người dân địa phương rất muốn di dời các đồ cúng tiến này ra khỏi đình, nhưng vì lo ngại vấn đề tâm linh và không biết di dời đi đâu, nên việc này vẫn chưa được triển khai.

“Địa phương nhiều lần triệu tập, mời những người cung tiến, hội đồng niên, họp bàn nhân dân, họp chi bộ để tìm hướng giải quyết cho những hiện vật này. Địa phương ghi nhận tấm lòng công đức của những người cung tiến, nhưng việc di chuyển các hiện vật ra khỏi di tích là cần thiết. Tuy nhiên, gặp phải khó khăn ở vấn đề kinh phí, cũng như không biết di dời đi đâu”, ông Lực cho biết.

Trước khi buổi Lễ di dời được diễn ra, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế đại diện cho 2 nhóm trên facebook tài trợ di dời là Linh vật và cổ vật truyền thống và Đình làng Việt phát biểu trước lãnh đạo xã Tương Giang, thông Hồi Quan, hội đồng niên và các cháu thanh niên trong xã về những vấn đề liên quan đến Công văn 2662, Luật Di sản văn hóa, những vấn đề liên quan tới giá trị di sản kiến trúc đình Hồi Quan, nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc gìn giữ và phát huy những di sản vốn có mà làng Hồi Quan đã có từ hàng trăm năm. Thành viên nhóm Đình làng Việt đã lắng nghe nguyện vọng và tâm tư của người dân Hồi Quan trong việc xử lý những hiện vật mới đã được đưa vào di tích.


Không chỉ riêng đình Hồi Quan ở xã Tương Giang, Bắc Ninh, đây cũng là vấn đề mà nhiều địa phương bị vướng mắc. Nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân Hồi Quan, các nhà nghiên cứu, họa sỹ, nhà điêu khắc, những thành viên trang mạng Facebook Linh vật và cổ vật truyền thống Việt Nam và Đình làng Việt đã tiến hành thực hiện cuộc vận động hiện xã hội hóa di dời các "hiện vật lạ” ra khỏi di tích. Trong khi chưa tìm được nơi tập kết xử lý các tượng sư tử ngoại lai thì cặp tượng này được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ nhận mang cặp tượng này về xưởng để nghiên cứu chuyển đổi sang các sản phẩm thủ công khác.

Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, đình Hồi Quan là một trong những ngôi đình Việt tiêu biểu cho giai đoạn hoàng kim của các ngôi đình làng mà người Việt xây dựng trong suốt các thế kỷ 16, 17, 18. Khi đến Hồi Quan, các hệ thống hoành phi câu đối mách bảo anh rằng ngôi đình này thuộc một khu dân cư có truyền thống văn hóa, đời sống tinh thần cao. Sau rất nhiều biến động của chiến tranh, loạn lạc, ngôi đình đến nay vẫn khang trang, vẫn là nơi sinh hoạt của bà con trong làng.


Tuy nhiên, đáng tiếc là ở đây lại xuất hiện cặp sư tử đá Trung Quốc, cùng một số hiện vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Anh cũng cho biết, không phải chỉ riêng đình Hồi Quan, mà ở nhiều địa phương ở khắp 3 miền Bắc - Trung – Nam xuất hiện tràn lan sư tử đá kiểu Trung Quốc. Việc di chuyển sư tử đá Trung Quốc ra khỏi di tích ngày hôm nay đã thể hiện được truyền thống, thẩm mỹ của dân tộc, thể hiện đúng tinh thần của công văn 2662 của Bộ VHTT&DL, với một ý nghĩa làm cho truyền thống văn hóa của chúng ta ngày một sáng sủa.

Việc di dời sư tử đá Trung Quốc cùng các hiện vật không phù hợp nhận được sự đồng thuận của người dân và chính quyền địa phương. Tuy vậy, người dân cũng bày tỏ mong muốn được hướng dẫn cụ thể về vấn đề công đức để không làm ảnh hưởng đến di tích mà vẫn thỏa mãn được nhu cầu muốn đóng góp cho di tích.

Trả lại nguyên trạng cảnh quan cho di tích đình Hồi Quan, Từ Sơn, Bắc Ninh.


Đại diện hội đồng niên 1979 cung tiến cặp sư tử đá Trung Quốc vào đình Hồi Quan, anh Phan Viết Điền chia sẻ: “Khi cung tiến, cá nhân tôi, cũng như mỗi thành viên trong hội đồng niên đều nghĩ đơn giản là muốn đóng góp để cải thiện cảnh quan của đình trông khang trang, đẹp đẽ hơn. Mặc dù việc di dời là đúng đắn, tuy nhiên, chúng tôi vẫn cảm thấy tiếc vì hiện vật công đức không được ở lại đình. Thiết nghĩ, Nhà nước cần làm tốt hơn nữa công tác vận động tuyên truyền, hướng dẫn để người dân công đức sao cho hợp lý”.

T.Minh