Giữa “trời Tây”, đau đáu làn điệu cổ
Văn hóa - Ngày đăng : 06:51, 23/03/2015
- Là một nghệ sĩ theo học piano cổ điển từ nhỏ nhưng gần đây Thanh Lan được nhiều người biết đến với những dự án âm nhạc thể nghiệm, kết hợp piano, âm nhạc phương Tây và âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ý tưởng đó và động lực thực hiện bắt nguồn từ đâu?
- Càng được học về âm nhạc hàn lâm tôi càng thấy được cái hay, cái riêng của âm nhạc dân tộc ta. Đặc biệt, tôi yêu thích những làn điệu xẩm, ca trù và chầu văn. Có lẽ cũng vì khi ở xứ người, tôi thường nghĩ về quê hương, biết trân trọng cái đẹp của văn hóa nước mình hơn là hồi còn ở trong nước. Tôi muốn bạn bè quốc tế có cơ hội được biết đến và cảm nhận âm nhạc của Việt Nam, để họ thấy văn hóa nước ta độc đáo thế nào và có bề sâu không kém gì văn hóa của nước họ. Tôi cũng có sự tưởng tượng của riêng mình về những làn điệu cổ nhưng trong một thế giới âm thanh khác, với cấu trúc và tạo hình khác, và vì thế có ý tưởng thực hiện dự án có sự kết hợp những yếu tố của âm nhạc đương đại.
Nghệ sĩ Piano Cao Thanh Lan. |
- Dự án gây tiếng vang nhất gần đây bạn thực hiện là "Thẩm thấu", kết hợp ca trù, hát xẩm, hát văn, ngâm thơ với âm nhạc Châu Âu đương đại. Hiện nhóm dự án "Thẩm thấu" hoạt động như thế nào?
- Hiện tại, chúng tôi đang lên kế hoạch biểu diễn tại Berlin (Đức) trong tháng 11 sau hai buổi diễn thành công tại Cologne vừa qua. Vạn sự khởi đầu nan, tuy con đường thể nghiệm mới mẻ và gian nan nhưng tôi và các bạn trong nhóm luôn xác định giữ vững niềm tin để tiếp tục theo đuổi những dự định của mình.
- Tại sao, trong chương trình tới đây ở Việt Nam, Thanh Lan lại chọn chơi âm nhạc cổ điển với các khúc dạo đầu của Debussy và Messiaen chứ không phải những thử nghiệm của mình?
- Tôi vẫn theo đuổi cả âm nhạc cổ điển và âm nhạc đương đại.
Bản thân việc đưa âm nhạc của Messiaen tới khán giả Việt Nam cũng là một sự thử nghiệm, vì âm nhạc của ông còn rất mới mẻ, thậm chí ở chừng mực mà tôi biết thì chưa có nghệ sĩ người Việt nào biểu diễn nhạc của nhạc sĩ thiên tài này ở Việt Nam. Những khúc dạo đầu là những tác phẩm không quá dài nên tôi nghĩ khán giả sẽ cảm nhận được dễ hơn và cũng dễ giữ được sự tập trung hơn. Những tác phẩm này súc tích, cô đọng, sẽ đem đến cho khán giả những gì tinh túy nhất, thể hiện rõ đặc trưng của từng nhạc sĩ. Thêm nữa, những khúc dạo đầu của Debussy và Messiaen thể hiện rất rõ sự tiếp nối và phát triển của truyền thống nhạc Pháp nói chung và âm nhạc Pháp thế kỷ XX nói riêng.
- Thanh Lan có mong muốn được thực hiện một đêm "Thẩm thấu" tại Việt Nam như đã từng ở Châu Âu?
- Tôi rất mong muốn được thực hiện một đêm "Thẩm thấu" tại quê nhà, và nếu được, tôi muốn với sự góp mặt của những nghệ sĩ tài năng trong nước thay vì những nghệ sĩ của nước ngoài.
- Sống, làm việc và thành công ở nước ngoài như thế, Thanh Lan có ý định trở về Việt Nam làm việc và chơi nhạc không?
- Tôi muốn được làm việc ở Việt Nam, đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà. Hiện tại, tôi vẫn đang cố gắng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm cũng như tìm kiếm cơ hội, điều kiện để thực hiện những dự án đào tạo và dự án âm nhạc ở Việt Nam.
- Vậy bạn muốn thành nghệ sĩ biểu diễn thành công hay là một giảng viên âm nhạc?
- Ước mơ của tôi là được biểu diễn âm nhạc. Thế giới âm nhạc rất rộng lớn và phong phú, tôi vẫn muốn khám phá và được làm nhiều dự án với không chỉ một thể loại nhạc. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn truyền lại kinh nghiệm cho thế hệ trẻ vì đây là một việc có ý nghĩa và tầm quan trọng lâu dài.
- Cảm ơn Thanh Lan và chúc bạn thực hiện được ước mơ!