Trước bờ vực xung đột mới: Ukraine sẽ đi về đâu?
Thế giới - Ngày đăng : 06:42, 23/03/2015
Trong khi đó, một báo cáo từ phía Ukraine cho biết, binh lính hai bên vẫn tiếp tục giằng co xung quanh ngôi làng Shyrokyne, gần thành phố cảng chiến lược Mariupol. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng thỏa thuận Minsk II sẽ nhanh chóng bị phá vỡ.
Cuộc sống của người dân miền Đông Ukraine vẫn chưa bình yên. |
Trên thực tế, dù các bên đều cam kết tuân thủ những điều khoản trong thỏa thuận đã cần rất nhiều nỗ lực mới đạt được, song sức nóng ở miền Đông Ukraine chưa khi nào hạ nhiệt. Ngày 21-3, Nga đã lên án chính quyền Kiev triển khai vũ khí hạng nặng tại đường tiếp xúc ở Đông nam Ukraine. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, đây là một sự vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận Minsk, vốn quy định vũ khí hạng nặng phải được rút khỏi đường tiếp xúc. Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết sẽ điều khoảng 300 lính dù tới Ukraine vào cuối tháng 4 tới để huấn luyện các binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia. Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh phe ly khai cảnh báo sẽ tiếp tục cầm súng nếu Chính phủ Ukraine không rút lại quyết định sửa đổi luật về quy chế đặc biệt. Theo đó, quy định một số huyện ở miền Đông chỉ có thể được hưởng quy chế đặc biệt trong 3 năm với điều kiện phải tổ chức bầu cử phù hợp với luật pháp Ukraine và có các quan sát viên quốc tế kiểm soát. Ngoài ra, Kiev cũng đề nghị Liên hợp quốc (LHQ) và Liên minh Châu Âu (EU) triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Donetsk và Luhansk để giám sát thỏa thuận ngừng bắn. Trong khi đó thỏa thuận hòa bình Minsk không có điều khoản sửa đổi luật về quy chế đặc biệt; đồng thời cũng chỉ rõ quân đội nước ngoài không được triển khai ở Ukraine. Tất cả lính đánh thuê và các lực lượng nước ngoài sẽ phải rời lãnh thổ Ukraine, các nhóm vũ trang bất hợp pháp sẽ phải giải giáp và lực lượng dân quân ở Donetsk và Luhansk sẽ được thừa nhận. Hiện tại phe ly khai cho rằng, Kiev đang tìm cách hủy hoại thỏa thuận Minsk II và điều này là không thể chấp nhận.
Giới bình luận quốc tế cho rằng, nếu các bên không tiếp tục lựa chọn đối thoại một cách thiện chí thì cũng đồng nghĩa với việc máu sẽ lại đổ ở miền Đông Ukraine. Theo thống kê của LHQ, kể từ khi cuộc chiến ở miền Đông bùng phát, đã có hơn 6.000 người thiệt mạng, hàng triệu người rơi vào cảnh vô gia cư, điều kiện sống khốn khổ và cơ sở hạ tầng ở khu vực bị tàn phá. Người ta lo sợ rằng, nếu giao tranh bùng phát trở lại thì lần này khó có thể dập tắt bởi đây đã là lần thứ ba lệnh ngừng bắn được thực thi. Hai lệnh ngừng bắn trước đây đều chết yểu vì tình trạng bạo lực tiếp tục diễn ra và các bên tiếp tục đổ lỗi cho nhau. Hiện tại, kịch bản cũ đang tái diễn dù ở mức độ chưa cao.
Điều đáng nói là cuộc khủng hoảng kéo dài đang khiến người dân Ukraine mệt mỏi và chán nản, uy tín dành cho chính quyền của Tổng thống Petro Poroshenko cũng "bốc hơi" nhanh chóng. Theo kết quả khảo sát mới được Công ty nghiên cứu thị trường Research & Branding Group của Ukraine công bố, có tới 58 - 68% số người được hỏi không đồng tình với những chính sách của Tổng thống, Thủ tướng hay Chủ tịch Quốc hội Ukraine. Người dân quốc gia bên bờ Biển Đen không tin tưởng vào chính phủ và tỏ ra quan ngại về tình hình đất nước. 48% người được hỏi cho rằng, Ukraine đang đi sai hướng. Nhiều người nhận định: Ukraine đang phải trả giá cho cái gọi là cuộc cách mạng Maidan, bởi nó đã biến nước này thành sân đấu cho các cường quốc. Hậu quả là nền kinh tế Ukraine đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ sự sụt giảm thê thảm của đồng nội tệ. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đưa ra dự báo, nợ quốc gia của Ukraine sẽ lên tới con số hơn 100 tỷ USD, khiến nước này đứng trước viễn cảnh trở thành con nợ lớn nhất thế giới.
Trong thời gian tới, Kiev cần ít nhất 40 tỷ USD cho các hoạt động bình thường hóa nền kinh tế. Như vậy, khoản cho vay trị giá 17,5 tỷ USD gần đây của IMF như muối bỏ bể. Đó là chưa tính đến trường hợp thỏa thuận Minsk II bị phá vỡ. Nếu các bên tiếp tục lao vào một cuộc xung đột mới, không rõ đất nước hơn 45 triệu dân này sẽ đi về đâu.