85 tuổi, vẫn say mê viết về Bác Hồ

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:38, 23/03/2015

(HNM) - Bước qua tuổi 85, mái tóc đã bạc trắng nhưng Đại tá TS Nguyễn Văn Khoan vẫn miệt mài nghiên cứu, viết lách. Cả đời mình, ông đã dành hết tâm huyết làm công việc đọc, tìm kiếm tư liệu để viết và tham gia biên tập hàng chục cuốn sách về Bác Hồ kính yêu.


Say mê chuyện về Bác

Để có đủ tài liệu phục vụ viết sách, ông Khoan thường đọc và tìm đến các nhân chứng từng may mắn được gặp Bác Hồ. Người dân ở ngõ 23 phố Nguyễn Thị Định ngày nào cũng thấy hình ảnh một ông già tóc bạc trắng, cần mẫn đạp xe đi. Ông Khoan đến các thư viện tìm đọc sách, báo có những mẩu chuyện, tư liệu về Bác Hồ. Sau đó, ông liên hệ với tác giả tìm địa chỉ của nhân chứng kể chuyện về Bác để kiểm chứng thông tin. Có những người ở tận Cao Bằng, Bắc Kạn, lại có những người ở Nghệ An, Thanh Hóa... Dù họ ở đâu, ông cũng đến tận nơi để xác minh và lấy thông tin. Những người ông tìm gặp đủ mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, từ cựu chiến binh, giáo viên đến các cụ già, bà lão...

TS Nguyễn Văn Khoan trọn đời dành tâm huyết nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Đại tá, TS Nguyễn Văn Khoan chia sẻ: "Hầu hết sách viết về Bác với các địa phương như Bác Hồ với Yên Bái, với Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An… thì tôi đã được đọc gần hết. Biết 6 tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên) đều có sách về Bác ở Bảo tàng Thái Nguyên, tôi đã đến tận đây để đọc. Có hàng trăm quyển sách viết về Bác Hồ, tôi đọc bằng hết, cố gắng ghi chép thật đầy đủ. Tôi nhờ chị thủ thư cho xếp sách thành một dang tay để đọc, hết lại xếp thêm một dang như thế nữa. Tôi dành cả tuần trời để ngồi trong bảo tàng để đọc. Đọc đến đâu, thấy có gì hay và thú vị thì tôi ghi chép lại lấy nguồn".

Về sau, khi tuổi đã cao, không thể đi lại nhiều tỉnh xa xôi, ông tìm cách phỏng vấn nhân chứng qua điện thoại. Không chỉ tỉ mỉ tìm hiểu, tra cứu tài liệu trong nước, là người sử dụng được 4 ngoại ngữ (Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc) TS Nguyễn Văn Khoan còn tìm hiểu các tư liệu về Bác qua các nguồn nước ngoài. Cũng vì vậy, nguồn tư liệu mà ông có được càng thêm phong phú.

Sau khi đã có tư liệu đầy đủ về Bác, ông xây dựng đề cương trong đầu. Toàn bộ sách viết về Bác Hồ, ông đều viết bằng tay rồi nhờ người đánh máy. Có sẵn đề cương, ông viết một mạch từ đầu đến cuối, không phải chỉnh sửa gì, có khi một ngày lụi hụi viết đến 20 trang A4. Ông bảo: "Tôi đã quen viết tay như thế từ hồi còn trong bộ đội, cứ ngồi giường rồi đặt giấy lên đùi mà viết".

Hỏi ông, vì sao ông say mê viết sách về Bác, Đại tá, TS Khoan kể về cơ duyên với nghiệp cầm bút của mình. Như bao chàng trai yêu nước khác, năm 1949, ông Nguyễn Văn Khoan rời quê hương, lên đường nhập ngũ. Vào bộ đội, ông học khóa 5 Trường Lục quân rồi công tác ở Cục Thông tin, sau là Phòng Tuyên huấn. Với vai trò một cán bộ tuyên huấn, ngày đêm ông nghiên cứu, học tập, tìm đọc các sách báo về Bác Hồ. Trong những năm tháng bộ đội, ông may mắn có cơ hội được gặp Bác 3 lần. Qua những lần gặp gỡ ngắn ngủi đó, ông càng thêm yêu quý, kính phục Bác, càng muốn tìm hiểu về Bác nhiều hơn. Rồi mong ước cũng thành hiện thực khi năm 1989, sau khi rời bộ đội, ông về công tác ở Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng. Tại đây, ông Khoan cùng với các biên soạn đồng nghiệp đã xuất bản 3 quyển sách về Bác (Hồ Chí Minh toàn tập; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh tiểu sử).

Nguyên vẹn tâm huyết

Đã ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe đã kém nhưng Đại tá, TS Nguyễn Văn Khoan vẫn làm việc không mệt mỏi, vẫn dành trọn thời gian cho tâm huyết của mình: Tìm hiểu, nghiên cứu, viết về Bác.

Du khách tham quan Bảo tàng Thái Nguyên - nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý về Bác Hồ kính yêu.



Cả đời, ông Khoan đã viết, biên tập và chủ biên hàng chục cuốn sách về Bác trong số gần 120 cuốn sách ông đã xuất bản. Sách được in ra, nhà xuất bản trả nhuận bút, ông không lấy. Ông đề nghị quy đổi thành sách để tặng cho những người bạn là đồng đội cũ, những người làm nghề giáo hay những sinh viên, học sinh mà mình quen biết. Có người được biếu sách biếu lại ông mấy củ khoai, vài bó rau quê... Thỉnh thoảng, khi có các cuộc triển lãm sách về Bác Hồ, các nhà xuất bản lại tìm đến ông. Những người nghiên cứu về lịch sử, về Bác; những bạn sinh viên chuyên ngành lịch sử cũng thường tìm đến ông mỗi khi muốn mượn sách. Năm 2008, ông đã tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh 300 cuốn sách "Câu chuyện về chiếc vòng bạc của Bác Hồ" để làm quà tặng đồng bào các dân tộc khi đến thăm bảo tàng. Mục tiêu của Đại tá, TS Nguyễn Văn Khoan là mỗi năm viết được một cuốn sách về Bác.

GS Sử học Đinh Xuân Lâm đã từng nhận xét về người học trò, đồng nghiệp, đồng thời là bạn vong niên của mình như sau: "Theo dõi con đường học tập và nghiên cứu về Bác Hồ của TS Sử học Nguyễn Văn Khoan, người đọc dễ nhận thấy đề tài lớn mà anh theo đuổi với tất cả nhiệt tình là "Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ". Nay tuy tuổi đã cao nhưng vẫn lọc cọc đạp chiếc xe cũ tới cơ quan lưu trữ, gặp các nhân chứng lịch sử để khai thác tư liệu, rồi cho ra đời các tập sách nhỏ, mang tính phổ biến, có chất lượng phục vụ kịp thời cuộc vận động Học tập và làm theo lời Bác hiện nay".

Với những cống hiến của mình, ông được trao giải Bạc cho cuốn "Hồ Chí Minh tiểu sử" năm 2007 do Hội Xuất bản Việt Nam và Hội đồng Giải thưởng sách Việt Nam tặng; giải Nhì cho tác phẩm "Những năm tháng hào hùng sôi nổi" do Binh chủng Thông tin liên lạc tặng nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Thông tin liên lạc (9/9/1945 - 9/9/2005) và rất nhiều giải thưởng khác.

Phạm Nga