Quảng Ngãi tự hào tiếp bước

Chính trị - Ngày đăng : 13:47, 22/03/2015

Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 của Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ngãi góp phần giải phóng quê hương, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta. 40 năm tự hào, 40 xây dựng,


* Những trang sử hào hùng

Cuối tháng 1/1975, quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị và chủ trương của Khu ủy V về việc "tiến công địch trong năm 1975, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam", Tỉnh ủy Quảng Ngãi ra Nghị quyết, quyết tâm đánh bại hoàn toàn kế hoạch bình định của địch, tiến lên giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Ngãi.

Dự án VSIP Quảng Ngãi là dự án thứ năm của VSIP tại Việt Nam và cũng là dự án VSIP đầu tiên tại miền Trung. (Nguồn: vsip.com.vn)


Ở Quảng Ngãi, sau thắng lợi quân sự của ta năm 1974, địch bị thất bại nặng nề, chúng buộc phải chuyển trọng tâm phản kích vào tây nam Nghĩa Hành, tây bắc Mộ Đức, cố chiếm lại các điểm cao, nhằm đẩy lùi và tiêu diệt quân giải phóng, giành lại thế trận, chuẩn bị lực lượng để lấn chiếm Minh Long, chặn đứng kế hoạch mùa khô của ta. Đồng thời, chúng ra sức củng cố, lập lại tuyến bảo vệ sườn phía tây nam và đông bắc thị xã Quảng Ngãi nhưng kế hoạch của chúng không thành.
Sau khi địch thất thủ ở Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên, theo mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy tiền phương Quân khu V và Ban Chỉ huy chiến dịch của tỉnh, đêm 15, rạng sáng ngày 16/3/1975, ta chính thức nổ súng, đồng loạt tiến công vào các vị trí trọng điểm của địch. Trước sự bao vây, tiến công mạnh mẽ từ nhiều hướng của quân giải phóng, đêm 16 rạng sáng ngày 17/3/1975, địch ở Sơn Hà hốt hoảng tháo chạy. Đến ngày 18/3/1975, địch ở Trà Bồng cũng vội vàng tháo chạy.

Như vậy, sau ba ngày đêm, ở khu vực trọng điểm phía bắc Quảng Ngãi, ta đã tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch và giải phóng một phần phía tây và đông huyện Bình Sơn, chia cắt đoạn quốc lộ 1 từ Châu Ổ đi Dốc Sỏi, tạo ra thế bao vây, uy hiếp chi khu quận lị Bình Sơn. Ngày 23/3/1975, Tỉnh ủy Quảng Ngãi ra Chỉ thị: “Đẩy mạnh công kích và khởi nghĩa toàn tỉnh, đánh đổ toàn bộ địch, giải phóng toàn bộ nông thôn, giải phóng thị trấn, thị xã, giành chính quyền về tay nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử giải phóng toàn tỉnh”.

Theo kế hoạch đã định, đúng 7 giờ 40 phút ngày 24/3/1975, ta bắt đầu bắn pháo vào tiểu khu, ga Ông Bố, Xóm Xiếc (Nghĩa Hành), chi khu Sơn Tịnh, Nghĩa Hành. Các lực lượng vũ trang của ta chiếm lĩnh, chia cắt các chốt, điểm đã định và đoạn Quốc lộ 1 từ thị xã đi Chu Lai (Quảng Nam). Trước sức tấn công của quân giải phóng, địch phải bỏ cứ điểm, chốt đèo Bình Trung (Nghĩa Kỳ) rút chạy về thị xã. Kết hợp với tiến công của các lực lượng vũ trang, quần chúng nổi dậy diệt ác, phá các khu dồn Xóm Xiếc, Phú Bình, Phước Hậu (Nghĩa Hành), khu Bàu Giang, Đá Chẻ (Tư Nghĩa). Đến chiều 24/3/1975, tiểu đoàn 406 và lực lượng vũ trang huyện Tư Nghĩa đánh chiếm quận lỵ Tư Nghĩa, sườn bảo vệ phía tây và nam thị xã bị hở. Địch ở thị xã, quận lỵ Sơn Tịnh hoang mang, rối loạn tháo chạy ra biển nhưng bị các lực lượng vũ trang của ta chặn đường ra cửa Cổ Luỹ, buộc chúng phải quay về thị xã tiếp tục tìm đường thoát thân.

Sau khi kêu cứu Quân đoàn I chi viện không được, 12 giờ ngày 24/3/1975, chuẩn tướng Trần Văn Nhật cùng lực lượng chỉ huy tiểu khu Quảng Ngãi chạy trốn khỏi thị xã Quảng Ngãi bằng máy bay trực thăng. Đến chiều, ngụy quân, ngụy quyền ở các huyện Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa đều chạy về thị xã và đến 20 giờ ngày 24/3/1975 địch bắt đầu rút chạy khỏi thị xã. úng như dự định từ trước, khi phát hiện địch sắp tháo chạy về hướng Chu Lai, vào lúc 23 giờ ngày 24/3, ta kịp thời bố trí trận địa dài 15km, bao vây, chia cắt địch,tiêu diệt gần 600 tên và bắt sống trên 2.000 tên.

Như vậy, trong chiến dịch Xuân 1975, nhất là đợt ra quân thần tốc từ 7 giờ 40 phút đến 20 giờ ngày 24/3/1975, quân và dân tỉnh Quảng Ngãi đã liên tục tiến công, nổi dậy tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ nguỵ quân, nguỵ quyền, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. Cờ giải phóng đã tung bay trước Tòa hành chính tỉnh. Trên khắp các địa phương trong tỉnh, từ vùng núi đến đồng bằng ven biển, từ nam ra bắc đều rợp bóng cờ giải phóng tung bay trước niềm vui đại thắng của quân và dân Quảng Ngãi trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tỉnh Quảng Ngãi đã được hoàn toàn giải phóng.

* Vững vàng tiếp bước đi lên


40 năm sau ngày giải phóng, quãng thời gian không dài so với chiều dài văn hóa lịch sử, nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ngãi có thể tự hào về những thành tựu to lớn đã đạt được: tổng sản phẩm kinh tế trên địa bàn tỉnh (GDP) tăng gần 200 lần, tốc độ tăng bình quân hàng năm trên 10%; thu ngân sách tăng gấp 4.000 lần, năm 2014 đạt trên 28.000 tỷ đồng, (xếp trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có số thu ngân sách cao nhất); thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 25 lần, đạt gần 42 triệu đồng/người; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh chóng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 64%. Môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch, thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013, 2014 vươn lên nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc.

Tỉnh Quảng Ngãi xác định phát triển công nghiệp là một trong những ngành mũi nhọn, xem đây là động lực để đưa Quảng Ngãi đi lên. Nhờ đó, nền công nghiệp Quảng Ngãi đã có bước bứt phá ngoạn mục, trở thành điểm sáng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Khởi điểm ban đầu chỉ là các cơ sở sản xuất các sản phẩm công nghiệp mía đường, mang tính chất thủ công, sử dụng nhiều lao động, công nghệ lạc hậu…, đến nay giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng gấp 300 lần so với năm 1975, tại tỉnh đã có những nhà máy, cơ sở sản xuất có quy mô lớn, sử dụng lao động trình độ cao, công nghệ, thiết bị hiện đại, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, cung ứng không chỉ cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu… Đặc biệt, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động ổn định, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội về tăng trưởng kinh tế công nghiệp và thu ngân sách mà còn minh chứng cho sự đúng đắn của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ khi quyết định chọn Dung Quất để xây dựng Nhà máy lọc dầu đầu tiên của cả nước. Nhà máy lọc dầu Dung Quất như một quyết sách sáng suốt, táo bạo của Đảng và Nhà nước để đi đến quyết định có tính chiến lược về đầu tư năng lượng dầu khí, gắn liền với một tư duy chính trị tầm vĩ mô về phát triển kinh tế vùng duyên hải miền Trung mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Quảng Ngãi đã nhận thức và dồn hết sức lực, trí tuệ cùng với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức thực thi nghiêm túc chủ trương của Đảng và Nhà nước đi đến thành công.

Từ chỗ hạ tầng công nghiệp lạc hậu, đến nay Quảng Ngãi đã có Khu kinh tế Dung Quất, các Khu công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong được đầu tư hạ tầng tương đối đồng bộ, sẵn sàng phục vụ các dự án có quy mô lớn. Khu Công nghiệp, đô thị và dịch vụ Việt Nam – Singapore – Quảng Ngãi (VSIP Quảng Ngãi) gắn liền với sự kiện trọng đại mang ý nghĩa kinh tế, chính trị, đối ngoại với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Singapore Lý Hiển Long trong lễ khởi công vào tháng 9/2013.

Ngoài với những bước phát triển công nghiệp khá vững chắc, Quảng Ngãi còn chú trọng phát triển nông nghiệp. Sản xuất nông lâm thủy sản phát triển cả về quy mô, sản lượng theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện Chương trình nông thôn mới, chính sách dồn điền đổi thửa, đóng tàu công xuất lớn và mở rộng ngư trường đánh bắt… đã tạo điều kiện nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất nông, lâm thủy sản lên gấp 30 lần so với ngày đầu giải phóng. Quảng Ngãi cũng chú trọng phát triển h ạ tầng đô thị, hệ thống giao thông cơ sở hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Cùng với kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, thông tin truyền thông và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được chăm lo, phát triển.

Với những thành tựu to lớn đã đạt được, sau 40 năm giải phóng, tỉnh Quảng Ngãi đã mang một diện mạo mới đầy sức sống, trở thành tâm điểm về phát triển công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm duyên hải miền Trung và hành lang kinh tế Đông Tây. Điều này đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận thông qua việc tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho nhân dân và cán bộ tỉnh Quảng Ngãi; nhiều tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Đây là sự phấn đấu, nỗ lực xuyên suốt không ngừng của cả hệ thống chính trị, quân và dân tỉnh từ năm 1975 đến nay./.

Theo Sỹ Thắng/TTXVN