Chuyện về “Người gái đảm”
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:54, 22/03/2015
Sinh ra trên mảnh đất anh hùng, đã không biết bao lần cô gái trẻ Nguyễn Thị Bé cắn răng nuốt nước mắt vào trong khi chứng kiến thực dân Pháp và bè lũ tay sai bóc lột, đánh đập bà con làng xóm. Mới mười sáu tuổi đã hăng hái tham gia kháng chiến chống Pháp với bí danh là Hồng, mười tám tuổi vinh dự được kết nạp vào Đảng. Hình ảnh cô gái nhỏ nhắn, tóc búi tó, hông cài quả lựu đạn, tay chắc khẩu súng lục một thời đã khiến kẻ thù khiếp sợ. Làm giao thông, rải truyền đơn, che giấu cán bộ, đào hầm… tất tần tật, bất cứ công việc nào được giao, "gái đảm" cũng hoàn thành xuất sắc.
Song Phượng hôm nay. Ảnh: Bá Hoạt |
Với bà Nguyễn Thị Bé, ký ức về những năm tháng thanh xuân là bom đạn, là những trận càn, những lần truy đuổi của kẻ thù. Hàng đêm, sau khi đợi mẹ yên giấc, bà cùng với người anh trai của mình hì hục đào hầm. Sợ địch phát hiện, bà bê từng bao đất đổ xuống ven ao. Cứ thế, đêm này nối đêm khác, bà Bé cần mẫn đào từng căn hầm để sẵn sàng đón cán bộ về nằm vùng. Chính bà cũng không nhớ nổi xung quanh ngôi nhà đất xiêu vẹo của gia đình có bao nhiêu "căn hầm cán bộ". Rồi những lần bị Tây vây bắt, bà luôn là người thu xếp chỗ nấp cho anh em vào nơi an toàn rồi mới chịu xuống hầm.
Bị "Hồng dân vận" qua mặt, bọn địch cay cú lắm. Chúng cho người săn lùng bà ráo riết. Thế rồi bà bị bắt, bị giải lên đồn. Địch dùng mọi cách tra tấn hòng làm nhụt ý chí kiên cường của người đảng viên trẻ tuổi, nhưng chúng đã lầm. Mặc kẻ thù đổ mắm, muối lên người, nhét ớt vào mồm, trước sau như một, bà Bé vẫn kiên quyết im lặng. Tra khảo mãi không được, chúng đành phải thả bà về.
Thương con phận gái, lại suốt ngày đi sớm về khuya, mẹ bà nhiều lần khóc khuyên con: "Mày chết đấy con ạ!". Những lần ấy bà chỉ cười rồi động viên lại mẹ: "Con có chết thì cũng vì dân vì nước. Mẹ sinh đông con, chẳng may con chết thì mẹ nhớ đừng quá đau buồn. Cứ coi như không có con!".
Con ngủ để mẹ đi chăn tằm
Năm 1953, bà Bé lập gia đình. Ngay năm sau, hiệp định Giơneve được ký kết. Thế nhưng ước vọng hòa bình không trở thành hiện thực khi đế quốc Mỹ từng bước thế chân thực dân Pháp xâm lược nước ta. Năm 1964, Mỹ đẩy mạnh chiến tranh miền Nam, đồng thời leo thang đánh phá miền Bắc. Đất nước lại chìm trong khói lửa chiến tranh.
Hai năm sau, chồng bà hy sinh trong một lần trực chiến khi bà Bé đang mang thai đứa con út. Đến nay, nhiều người ở Song Phượng vẫn còn nhớ như in hình ảnh người vợ trẻ bụng mang dạ chửa đòi lên bằng được trận địa để tìm xác chồng. Lén lau nước mắt, bà nói với mọi người: "Chồng tôi tết mũ rơm đẹp lắm, ai cũng thích. Buổi trưa hôm đi trực chiến ông ấy còn cắp nách đùm rơm to tướng để tết mũ, vậy mà đến chiều đã hy sinh".
Chồng mất, 5 con nheo nhóc, bao khó khăn chất chồng trên đôi vai người vợ trẻ. Hằng đêm khi những đứa con thơ đã say giấc cũng là lúc người phụ nữ lại lặng lẽ khóc thầm. Thế rồi, gạt nước mắt sang một bên, bà lại gồng mình để tiếp tục sống. Sống để nuôi con và sống để làm trọn vẹn trách nhiệm của người con khi Tổ quốc cần. Được cấp mỳ, gạo nhưng bà luôn từ chối để dành suất đó cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. "Có được đến đâu hay đến đó. Dù khó khăn nhưng sáu mẹ con dựa nhau mà sống, cơm độn sắn qua ngày, quyết không phiền đến ai", bà Bé nhớ lại.
Tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ, bà được bầu vào ban chấp hành đúng thời gian phong trào "Ba đảm đang" sục sôi. Không ngừng trăn trở về trách nhiệm nên mới sinh con được một tháng, bà Bé đã vội vàng trở lại nhận nhiệm vụ. Thương cảnh vợ góa con côi, hội phân công cho bà phụ trách chăn tằm. Hồi ấy, cả xã Song Phượng có đến hơn 70 mẫu dâu. Ngày thì hái dâu, đêm đến lại thức canh tằm đến tận khuya. Luôn chân luôn tay nhưng chị em vẫn lạc quan, yêu đời lắm. Trên cánh đồng bát ngát dâu, những bát cơm độn khoai sắn dễ nuốt trôi hơn khi được chan bởi tiếng hát ngọt ngào của những người gái đảm Song Phượng.
Đi cấy, đi bừa, mang vác nặng nhọc, bà Bé đều "tranh làm". Chiến tranh ngày càng ác liệt, yêu cầu chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam ngày càng lớn, việc động viên thanh niên, trai tráng lên đường chiến đấu trở nên vô cùng cấp thiết. Vì vậy, cả khi đêm xuống đôi chân của người phụ nữ ấy vẫn chưa ngơi nghỉ. Vác túi trên vai, cầm chắc đèn pin trên tay, suốt đêm bà đi động viên hết gia đình này đến gia đình khác. Có những hôm con ốm, khóc quấy đòi mẹ ở nhà, nuốt nước mắt bà lại dỗ dành: Con ngủ ngoan, mẹ còn đi chăn tằm! Mai mẹ về với con!
"Cha mẹ nào cũng xót con, bom đạn nào có chừa một ai. Vì thế càng phải động viên sao cho các cháu vững lòng ra trận, còn những người ở lại cũng yên tâm. Dân ta khổ quá rồi, không đồng lòng thì đến bao giờ mới hết kiếp lầm than?", bà Bé tâm sự.
Thời ấy, người dân Song Phượng vẫn nhớ như in hình ảnh của bà cùng với những đồng chí của mình cầm chiếc nồi gang đi vận động từng gia đình góp tiền nuôi quân. Đứa con trai cả vừa kịp lớn, bà Bé đã động viên con lên đường đánh giặc. Tiễn con ra trận trong những ngày tháng ác liệt năm 1975, bà đinh ninh: Nó đi đợt này chắc chết. Nó mà chết nốt thì đời tôi lận đận quá. Chắc giời thương thân tôi nên cho nó trở về bình an!
Đôi chân không mỏi
Cứ thế, bà Bé âm thầm chịu đựng, cống hiến. Hòa bình lập lại, tuy không còn trẻ nhưng nhiệt huyết trong con người bà Bé chưa bao giờ nguội lạnh. Sau năm 1975, hầu như gia đình nào ở Song Phượng cũng có tới 4-5 người con. Tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn đè nặng trên từng nếp nhà của người dân nơi đây. Vì vậy, bà lại cùng với chị em trong BCH phụ nữ xã tất tả, chạy đôn chạy đáo lo vận động bà con sinh đẻ có kế hoạch. Nhắc lại khoảng thời gian ấy, bà Bé cười: Có người nói vì chồng tôi chết, không đẻ được nữa nên ghen tị, không cho họ đẻ. Những lúc ấy vừa giận, vừa tủi. Nhớ đến 5 đứa con nheo nhóc của mình, tôi bảo: 5 đứa trẻ ăn hết một cân gạo có no được không? Nhưng nếu chỉ có 2 đứa con thì chúng ăn tha hồ no, con bà có phải sướng hơn không? Cũng có người nghe nhưng cũng có nhiều người ghét tôi lắm. Đến giờ thì họ lại biết ơn tôi vì lúc đó đã… "phá" không cho họ đẻ.
Miệt mài với phong trào phụ nữ, năm 1984, bà Bé nghỉ hưu rồi chuyển sang làm thủ quỹ Hội Người cao tuổi. Tuy nghỉ công tác nhưng hễ khi nhà ai con cái, bố mẹ to tiếng cãi vã, bà đều đến khuyên giải. Tưởng như ở chặng cuối cuộc đời, bà sẽ được hưởng cuộc sống an nhàn thì ngờ đâu hai người con gái của bà lần lượt qua đời vì bệnh tật. Nước mắt của người mẹ già lại lặng lẽ rơi…
Đã 85 mùa xuân trôi qua, đến nay nhiều đêm "người gái đảm" ấy vẫn mơ thấy mình hì hục đào hầm, giấu cán bộ, rồi lại tất tả chạy đi canh từng buồng tằm trong đêm. "Có cứng mới đứng đầu gió", đi qua chặng đường đầy giông bão nhưng ở bà Bé vẫn luôn thấy sự lạc quan, yêu đời! Cả cuộc đời cống hiến cho đất nước, cho xã hội, bà bảo cái được lớn nhất là tình cảm của bà con, xóm làng, con cháu ngoan ngoãn, hiếu thảo. Với "gái đảm" Nguyễn Thị Bé, có lẽ thế là mãn nguyện lắm rồi!