3 vụ kêu oan đặc biệt nghiêm trọng cần phải giải quyết dứt điểm

Pháp luật - Ngày đăng : 12:19, 21/03/2015

Đó là các vụ án liên quan đến Hồ Duy Hải (tỉnh Long An), Nguyễn Văn Chưởng (tỉnh Hải Phòng) và Vi Văn Phượng (tỉnh Bắc Giang).

Các cơ quan tư pháp Trung ương khẩn trương giải quyết dứt điểm 3 vụ án đặc biệt nghiêm trọng đang có đơn kêu oan mà dư luận quan tâm, gồm các vụ: Hồ Duy Hải (Long An), Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) và Vi Văn Phượng (Bắc Giang).

Đây là một trong những kiến nghị được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ (UBTV QH) nêu ra trong phiên họp ngày 20/3 về tình hình oan, sai trong áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại.

Duy Hải khi xét xử tại tòa sơ thẩm - Ảnh: Hoàng Phương


24 vụ kéo dài trên 5 năm
Trình bày Dự thảo báo cáo kết quả giám sát (kỳ giám sát từ 1/10/2011 - 30/9/2014), ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH, cho biết kiến nghị về việc khẩn trương giải quyết dứt điểm 24 vụ án đã kéo dài trên 5 năm; xem xét giải quyết dứt điểm đối với các vụ án đang có khiếu nại bức xúc kéo dài cho rằng bị oan và các vụ án khác.

Trong đó, kiến nghị các cơ quan tư pháp T.Ư khẩn trương xem xét và có biện pháp phù hợp theo quy định pháp luật để giải quyết dứt điểm 3 vụ án đặc biệt nghiêm trọng đang có đơn kêu oan mà dư luận quan tâm, gồm vụ Hồ Duy Hải (Long An) bị kết án tử hình về “tội giết người” và “tội cướp tài sản”, làm rõ động cơ gây án, thời gian chết của nạn nhân, việc sử dụng thời gian của Hải trong ngày xảy ra vụ án và loại bỏ các mâu thuẫn, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong hồ sơ vụ án; vụ Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) bị kết án tử hình về “tội giết người” và “tội cướp tài sản”, làm rõ vị trí, vai trò của bị án trong tội giết người; vụ Vi Văn Phượng (Bắc Giang) bị kết án tử hình về “tội giết người”, làm rõ động cơ gây án và loại bỏ những mâu thuẫn trong hồ sơ, bảo đảm không oan và quyết định hình phạt đúng.

Ông Đỗ Văn Đương cũng nêu kiến nghị về việc giao Cơ quan điều tra Bộ Công an trực Tập trung điều tra, khẩn trương kết thúc điều tra để đưa ra truy tố, xét xử lại 3 vụ án: Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị kết án tử hình về tội “giết người” và “cướp tài sản”, Hàn Đức Long (Bắc Giang) bị kết án tử hình về tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”, Đỗ Minh Đức (Hải Phòng) bị kết án chung thân về tội “giết người”. Viện KSND tối cao chỉ đạo Viện KSND các địa phương phối hợp cơ quan điều tra rà soát, kiểm tra các trường hợp đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án có dấu hiệu oan sai; khẩn trương giải quyết dứt điểm một số vụ án có dấu hiệu bị oan và đang có đơn kêu oan như vụ: Trần Văn Đề (Bình Phước), Ban quản lý chợ Đồng Xoài (Bình Phước) và vụ Trần Thị Bích Liên (Lâm Đồng). tiếp điều tra tất cả các vụ án mà Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử hay giám đốc tuyên hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật kết án chung thân hoặc tử hình đối với bị cáo để điều tra lại.


Bên cạnh đó, đoàn giám sát còn đưa yêu cầu trong năm 2015, Cơ quan điều tra, Viện KSND và TAND có liên quan trong phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền phải giải quyết bồi thường dứt điểm vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), ông Phan Văn Lá (Long An), ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) và các trường hợp bị oan khác đã có đơn yêu cầu bồi thường trước 1.1.2015.

Nhục hình gây bức xúc dư luận
Dự thảo báo cáo cũng cho biết có 46 đơn tố cáo về bức cung nhục hình trong hoạt động điều tra, trong đó đã giải quyết 40 đơn. Có 26/40 vụ bị can nguyên là cán bộ công an bị tố cáo về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có 12 vụ/26 bị can về tội dùng nhục hình.

Đáng lưu ý, đã xảy ra một số vụ dùng nhục hình gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người, gây bức xúc trong dư luận như các vụ: điều tra viên (Sóc Trăng) dùng nhục hình ép bị can Trần Văn Đở và 6 bị can khác phải khai là đồng phạm trong vụ giết người, cướp tài sản dẫn đến việc khởi tố, bắt giam oan 7 người; 5 công an ở Tuy Hòa (Phú Yên) dùng nhục hình với 70 vết thương dẫn đến cái chết của đối tượng trộm cắp Ngô Thanh Kiều; điều tra viên (Bắc Giang) dùng nhục hình nghiêm trọng đối với bị can Nguyệt Nga. Cả ba vụ dùng nhục hình trên đều được khởi tố, điều tra hình sự…

Các hành vi bức cung, dùng nhục hình thường diễn ra ngay sau khi tạm giữ hoặc bắt người phạm tội quả tang, lấy lời khai, nhưng việc tố giác và điều tra chứng minh gặp nhiều khó khăn do hành vi phạm tội xảy ra tại địa điểm, bối cảnh đặc biệt, khép kín. Do vậy, nhiều trường hợp khi ra tòa bị cáo mới khai được.

Đoàn giám sát cho rằng, việc giải quyết các đơn tố cáo về bức cung nhục hình trong quá trình điều tra còn chậm, tiềm ẩn nguy cơ oan sai. Việc xử lý đối với cán bộ vi phạm có biểu hiện nương nhẹ, kể cả một số trường hợp xử lý hình sự cũng thiếu nghiêm minh, chưa tương xứng với tính chất mức độ hành vi vi phạm và hậu quả.

Chậm bồi thường do các cơ quan đùn đẩy
Báo cáo cho biết trong kỳ giám sát có 71 trường hợp bị oan và được bồi thường, 34 trường hợp có đơn yêu cầu bồi thường đang được xem xét. Cụ thể, cơ quan điều tra thụ lý 15 đơn, đã giải quyết 5 trường hợp với số tiền hơn 452 triệu đồng; Viện KSND các cấp thụ lý 78 đơn, đã bồi thường 51 trường hợp với số tiền hơn 6,7 tỉ đồng; TAND các cấp thụ lý 22 đơn yêu cầu bồi thường, 6 đơn khởi kiện, đã giải quyết 19 trường hợp với số tiền gần 27,8 tỉ đồng .

Báo cáo đánh giá một số trường hợp bồi thường còn chậm, người bị oan chưa được tạo điều kiện về thủ tục, xác nhận giấy tờ làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Có vụ đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết như vụ ông Phan Văn Lá (Long An) đã 21 năm làm “bị can”, vụ Lương Ngọc Phi (Thái Bình) đã 9 năm có kết luận bị oan đến nay chưa quyết định xong việc bồi thường. Theo đoàn giám sát, tình trạng chậm bồi thường cho người bị oan và số trường hợp phải bồi thường không nhiều có phần nguyên nhân do các cơ quan tố tụng đùn đẩy trách nhiệm, việc lập hồ sơ bồi thường không chặt chẽ; kinh phí bồi thường còn chậm, thủ tục rườm rà, phức tạp...

Theo Thanh niên