Một thời 'thành phố trong vườn cây' của Hà Nội
Xã hội - Ngày đăng : 07:32, 21/03/2015
Trước những năm 1980, Hà Nội – với nhiều thiếu thốn nhưng vẫn tìm giữ được nét đẹp kiêu hãnh của mình và “thành phố cây xanh” được nhiều người Hà Nội bằng lòng và bạn bè quốc tế nhắc đến. Lùi xa hơn, vào những năm 1925-1935, Hà Nội là một trong 3 thành phố đẹp nhất châu Á thời đó (Hà Nội, Tokyo và Thượng Hải)… Đó là một Hà Nội được xây dựng theo chỉ đạo của những nhà quy hoạch tài hoa bậc nhất đến từ nước Pháp – họ kế thừa những thành tựu rực rỡ canh tân đô thị Paris nửa cuối TK19 do Georges Eugene Haussmann khởi xướng.
Quy hoạch khu vườn Bách Thảo và chung quanh 1896 : vị trí vườn ươm , cây trồng và thảm cỏ |
Cộng sự của ông là kỹ sư cấp và thoát nước; thiết kế cảnh quan; và nhà làm vườn phụ trách về cây xanh. Họ là những nhà chuyên môn hàng đầu của thời đại ấy và lưu danh đến tận bây giờ.Các KTS từ nước Pháp đến Đông Dương với nhiều ý tưởng canh tân và chọn Hà Nội là mảnh đất thực nghiệm “Thành phố - vườn cây” của mình: Các bản vẽ quy hoạch Hà Nội đầu TK20 cho thấy điều đó.
Từ năm 1884 Hà Nội đã có những bản thiết kế đường phố đầu tiên do các Kỹ sư công chính lập ra thay đổi diện mạo của kinh thành hoang phế phương Đông sau những biến cố lịch sử … chỉ còn lại làng quê với nhiều ngôi nhà mái tranh và đường đất.
Cây đầu tiên được trồng theo chỉ dẫn tại Hà Nội là cây phượng vĩ trên phố Tràng Tiền - Hàng Khay, đồng thời với việc làm vỉa hè và xây nhà gạch theo quy hoạch, loại cây này có nhiều muỗi và ve sầu kêu đinh tai vào mùa hè đã sớm bị thay thế.
Để tìm kiếm các loại cây, hoa trồng trong đô thị thích hợp hơn, năm 1888, người Pháp lập “Jardin d'essal” (Vườn thí nghiệm thực vật) rộng 33ha, ta thường gọi là vườn Bách Thảo.
Trồng cây quanh Hồ Gươm đầu TK20 (Triển lãm “ Nơi mảnh đất hóa tâm hồn “ của John Ramsden- HN 2014) |
Vườn chia thành hai khu: khu cao (bên đường Hoàng Hoa Thám) là vườn cây, nuôi thú là nơi đi dạo, giải trí… Khu thấp (bên đường Thụy Khuê) làm vườn ươm – có tên là Laforge, ươm các giống cây bản địa, giống nhập từ Châu Phi, Châu Mỹ và Châu Âu.
Năm 1897, Hà Nội có văn bản xóa bỏ nhà lá quanh các phố quanh Hồ Gươm, phải xây nhà gạch thẳng hàng, có rãnh thoát nước...Năm 1902, Thành phố treo biển tên phố, đánh số nhà. Năm 1903, Thành phố quy định cây xanh chỉ trồng trên các phố có vỉa hè rộng hơn 3 mét trở lên và phải tuân theo tiêu chí: có bóng mát, bảo đảm mỹ quan, không có nhựa và khí độc hại, không đổ trước các trận bão vừa phải… Phạt tiền người nào phá hoại cây trên phố và phải trồng lại đúng giống cây đó. Ở các phố lớn, TP lát vỉa hè, và trồng cây lấy bóng mát. Ban đầu, trồng thử xà cừ ở Bách thảo và chỗ đất trống chung quanh.
Xà cừ (lim xanh) lớn nhanh, bóng mát rộng …Tuy vậy, các nhà thực vật phát hiện ra giống cây này có nhược điểm là không chịu được ở khu vực đất trũng, rễ cây ăn ngang gây nguy hiểm cho các nhà mặt phố, đồng thời rễ nông, dễ đổ khi mưa bão lớn.
Lá xà cừ rụng rải rác trong các mùa làm cho công nhân vệ sinh phải quét lá quanh năm. Trong khi các giống bản địa: sấu, sao, muồng, cơm nguội, sưa... lại có ưu điểm là rễ cọc, tán gọn, thân thẳng, chống chọi được với gió.
Các nhà thực vật vẫn cho trồng xà cừ với số lượng hạn chế ở những nơi xa các công trình, nhà cửa để lấy bóng mát. Thành phố cho trồng mỗi phố một loài để tạo kiến trúc phong cảnh.
Cây trên phố Lý Thường Kiệt 1983 (Triển lãm “ Nơi mảnh đất hóa tâm hồn “ của John Ramsden- HN 2014) |
Ở các phố phía nam hồ Gươm và các phố lớn quận Ba Đình, hay các phố Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông, đầu phố Bà Triệu, cuối phố Đinh Tiên Hoàng... chỉ trồng sấu, Lý Thường Kiệt trồng cơm nguội, nửa trên phố Lò Đúc trồng cây sao đen. Các vườn hoa Lý Thái Tổ trồng sưa, vườn hoa Lênin, vườn Cửa Nam trồng cọ Châu Phi, muồng; các công thự trồng hoàng lan, cọ.
Cây sấu tuy phát triển chậm nhưng có nhiều ưu điểm: lá đẹp, lại chỉ rụng vào một mùa. Rất lãng mạn khi hoa rụng trắng vỉa hè tỏa mùi thơm dịu. Quả sấu còn được dùng làm thức ăn, nước giải khát.
Giống cây sao có rễ cọc và nhìn hàng sao thẳng tắp nom khỏe khoắn và uy nghi vô cùng. Cây cơm nguội chân chất, cọ Châu Phi vươn cao lên trời, khát khao tự do, còn hoàng lan sang trọng và gần gũi.
Cây hoa sữa được trồng để át mùi hôi do thu thùng nhà vệ sinh vào giờ ăn cơm tối (ngày trước chưa có xí máy trên nhiều phố) được thơ ca làm nên mùi hương lãng mạn. Nhưng nếu ngửi thường xuyên thì là cực hình và thu hút nhiều muỗi, sâu bọ. Có ý kiến cho rằng: các nhà khoa học đã nghiên cứu trồng cây sấu xen kẽ để trung hòa mùi hoa sữa).
Tính đến năm 1954, Hà Nội có 1.512 cây sấu, chiếm tới 60% trong tổng số cây xanh ở bốn quận nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Song có một điều khó hiểu là cây xà cừ có nhiều nhược điểm lại được trồng khá phổ biến sau 1954.
Trận bão lớn năm 1967 và năm 1969 cho thấy các cây bị đổ trong hai trận bão này chủ yếu vẫn là xà cừ, phượng. Cuối thời bao cấp, lấy lý do giống cơm nguội hay bị sâu bên trong thân gây nguy hiểm nên họ đã chặt gần hết để thay vào đó là phượng. Cây này hay trong các kỷ niệm ngày hè thửa học trò nhưng rất giòn và hay gãy khi mùa mưa bão, cành ròn dễ gãy gây nguy hiểm cho người và xe cộ.
Cây xanh đường phố đã từng làm nên nét đẹp Hà Nội, nhưng để có duy trì tiếng thơm ấy, Hà Nội còn nhiều việc dang dở để viết tiếp câu chuyện 'Thành phố Cây Xanh'.