Việc xử lý tồn tại về đất đai tại xã Liên Châu: Vướng mắc vẫn còn nhiều

Đời sống - Ngày đăng : 07:03, 21/03/2015

(HNM) - Có thể thấy, nhiều huyện trên địa bàn TP Hà Nội hiện đang tồn tại hàng chục nghìn thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận vì đất có nguồn gốc mua bán trái thẩm quyền, đất lấn chiếm…

Vừa qua, xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) là một trong những địa phương mạnh dạn thực hiện xử lý tồn tại đối với các trường hợp nêu trên. Chủ trương này được người dân đồng tình ủng hộ, song cũng còn rất nhiều vướng mắc chưa được giải quyết…

Nhiều công trình xây dựng trên đất đang chờ được xử lý ở xã Liên Châu.


Công khai diện tích vi phạm, số tiền thu…

Cách đây khoảng 20 năm, Hội Người cao tuổi xã Liên Châu đã bán nhiều diện tích đất là ao, chuôm… để người dân sử dụng làm nhà ở. Trong số này, nhiều hộ đã xây nhà, chuyển nhượng… nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) khiến việc quản lý đất đai và trật tự xây dựng gặp nhiều khó khăn. Sau quá trình kiểm tra, ngày 7-7-2008, UBND huyện Thanh Oai ban hành Quyết định 910/QĐ-UBND (viết tắt là QĐ 910), phê duyệt việc xử lý tồn tại về đất đối với 182 trường hợp ở xã Liên Châu theo Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ. Tuy nhiên, các hộ dân không nộp tiền sử dụng đất nên việc xử lý không được thực hiện. Nhiều hộ lại tiếp tục lấn chiếm ao, hồ, đất công... Điều này gây bức xúc cho người dân địa phương nên việc cấp GCNQSDĐ là đòi hỏi bức thiết cho cả người dân và chính quyền sở tại. Chính vì vậy, UBND xã Liên Châu đã đăng ký với UBND huyện Thanh Oai là đơn vị làm điểm về công tác xử lý tồn tại về đất đai để cấp giấy chứng nhận, trong đó xác định hoàn thiện dứt điểm việc lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cho 182 trường hợp được cho phép hợp thức theo QĐ 910. Song, đến năm 2014, diện tích đất của các hộ đang sử dụng trên thực tế đã thay đổi so với thời điểm UBND huyện ban hành QĐ 910.

Liền kề phía sau đất của 182 hộ nêu trên còn một diện tích là đất mương nên nhiều hộ đã lấn chiếm, xây dựng công trình trên đó. Vì thế, hầu hết các hộ đều có diện tích tăng thêm so với thời điểm được phép hợp thức theo QĐ 910. Trong khi đó, theo QĐ 910 thì chỉ diện tích đo đạc vào thời điểm UBND huyện ban hành QĐ 910 mới được hợp thức; còn diện tích lấn chiếm mới chưa có quyết định cho hợp thức. Vì vậy, nếu chỉ dừng lại ở việc hợp thức diện tích đất cho 182 hộ theo QĐ 910 thì phần đất lấn chiếm phía sau vẫn không được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, UBND xã cũng nhận được nhiều ý kiến của người dân địa phương đề xuất, nếu xã và huyện không có biện pháp và cơ chế để bổ sung phần diện tích đất lấn chiếm phía sau thì diện tích này sẽ bị chiếm dụng hoàn toàn, Nhà nước có nguy cơ mất nguồn thu…

Được sự đồng tình của người dân, các hộ có diện tích tăng thêm so với QĐ 910 đã viết đơn xin tự nguyện nộp tiền đóng góp kinh phí xây dựng nông thôn mới. Mức nộp tiền này bằng biểu giá đất do UBND thành phố quy định trên địa bàn xã Liên Châu năm 2014. Kết quả, đã có 100% hộ gia đình tự nguyện nộp với tổng số tiền thu được trên địa bàn toàn xã hơn 2 tỷ đồng và gửi vào Kho bạc Nhà nước. Số tiền này chỉ được lấy ra khỏi Kho bạc Nhà nước khi có sự phê duyệt của UBND huyện và sử dụng vào mục đích xây dựng nông thôn mới. Còn phần diện tích xử lý theo QĐ 910 thì nộp theo quy định do Chi cục Thuế huyện Thanh Oai thu… Tính đến tháng 7-2014, UBND xã Liên Châu đã công khai và lập tờ trình gửi Văn phòng đăng ký đất đai huyện Thanh Oai 37 bộ hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ và đến nay đã có 33/182 trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận đối với phần diện tích được hợp thức theo QĐ 910. Còn với phần diện tích lấn chiếm thêm, xã sẽ tiếp tục thực hiện khi có hướng dẫn của cấp có thẩm quyền…

Khó khăn mới nảy sinh

Những tưởng việc cấp GCN QSDĐ sẽ theo đúng kế hoạch mà xã Liên Châu xây dựng. Tuy nhiên, khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đã nảy sinh thêm một số vướng mắc mới. Theo quy định tại Khoản 5 Điều 19 Quyết định 24/2014 ngày 2-6-2014 của UBND TP Hà Nội thì việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nguồn gốc do lấn, chiếm từ ngày 1-7-2004 đến trước 1-7-2014 chỉ được xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể sau khi đã thanh tra, kiểm tra làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân lấn chiếm và để xảy ra lấn chiếm. Như vậy, với hàng trăm trường hợp vi phạm ở Liên Châu sẽ chỉ được xem xét cấp giấy chứng nhận khi được cấp thẩm quyền thanh tra, kiểm tra... Bên cạnh đó, còn phải tiến hành xử lý trách nhiệm của người lấn chiếm và người để xảy ra lấn chiếm. Điều này đồng nghĩa với việc, mọi quy trình cấp giấy chứng nhận cho các hộ có nguồn gốc đất lấn chiếm, được giao trái thẩm quyền ở xã Liên Châu đều phải dừng lại để chờ. Chưa kể, theo Điều 16 của Quyết định 24/QĐ-UBND của UBND thành phố thì UBND huyện chỉ có thẩm quyền thanh, kiểm tra, kết luận với các trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc do lấn chiếm, được giao trái thẩm quyền khi khu vực bị lấn chiếm, giao trái thẩm quyền có dưới 5 hộ dân. Còn những khu vực có từ 5 hộ trở lên do Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra, kết luận báo cáo UBND thành phố chỉ đạo xử lý… Với ràng buộc này, 149/182 trường hợp còn lại đang chờ xử lý theo QĐ 910 chắc chắn lại vướng mắc…

Ông Hoàng Như Dã, Phó Trưởng thôn Châu Mai, đại biểu HĐND xã Liên Châu cho rằng, đây là bất cập vì với hàng nghìn trường hợp đang chờ được hợp thức trên toàn địa bàn thành phố thì đến bao giờ Sở Tài nguyên và Môi trường mới thanh, kiểm tra xong? Chưa kể, xử lý thế nào với các hộ dân và với những người có thẩm quyền để xảy ra việc lấn chiếm vì nhiều người trong số này hiện đã không ở địa phương, thậm chí đã mất từ lâu, người vi phạm đã chuyển nhượng đất cho người khác? Vậy, người dân chúng tôi chờ đến bao giờ? Cùng chung suy nghĩ với người dân, ông Nguyễn Đăng Việt, Chủ tịch UBND xã Liên Châu cũng băn khoăn: Sau khi rà soát, trên địa bàn toàn xã có 600 hồ sơ trích đo, chờ cấp giấy chứng nhận, trong đó có 300 trường hợp có nguồn gốc là đất lấn chiếm, mua bán trái thẩm quyền. Nhưng với quy định tại Quyết định 24/QĐ-UBND thì không biết đến bao giờ chúng tôi mới có thể "gỡ" được, trong khi người dân lại nóng lòng mong được tiếp tục thực hiện theo kế hoạch xử lý tồn tại mà xã đang làm dở dang…

Hiện nay, công trình của các hộ dân đã lấp đầy một đoạn đường khá dài ở xã Liên Châu và họ đang ngóng chờ sổ đỏ từng ngày. Nhưng với thực tế nêu trên thì không dễ gì gỡ được trong một sớm, một chiều. Việc xử lý các tồn tại về đất đai ở xã Liên Châu cần được các cấp, các ngành hướng dẫn kịp thời nhằm đưa công tác quản lý đất đai đi vào trật tự.

Bài, ảnh: Thiện Mỹ