Cha con cùng ra sách

Sách - Ngày đăng : 06:53, 21/03/2015

(HNM) - Ngày mai (22-3), Hội Nhà văn Hà Nội sẽ có buổi tọa đàm giới thiệu sách khá đặc biệt về hai tác phẩm của hai cha con nhà văn Nguyễn Vinh Tú và Nguyễn Vinh Huỳnh.

Nhà văn Nguyễn Vinh Tú (sinh năm 1929) là người lính - nhà văn, ông trưởng thành từ quân đội và bước vào nghề văn bắt đầu với Tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông được coi là có đóng góp cho tờ tạp chí "văn nghệ áo lính" nổi tiếng ấy ngay từ thời kỳ sơ khai, cùng với các cây bút như Nguyễn Minh Châu, Từ Bích Hoàng, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Xuân Khánh... Nhưng, thương tật do chiến tranh cùng cuộc sống riêng nhiều khó khăn đã có lúc làm gián đoạn con đường văn chương của tác giả Nguyễn Vinh Tú. Tuy thế, tha thiết với nghiệp văn, ông đã quay trở lại, từ năm 1997 đến nay lần lượt xuất bản các tác phẩm "Phong trần" (tập truyện ngắn, NXB Thanh niên 1997); "Khuất một vầng trăng" (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn 2008); "Vết chân chim" (tập truyện ngắn, NXB Văn học 2012) và mới đây là "Ách giữa đàng" (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn).


Dí dỏm trong cả văn chương lẫn ngoài đời, với "Ách giữa đàng", lão nhà văn Nguyễn Vinh Tú kể một câu chuyện mang đậm âm hưởng, ngôn ngữ, chất liệu đời sống về một đề tài rất thời sự là chống tham nhũng. Thật đáng nể phục người viết ở tuổi gần 90 với dáng vóc nhỏ nhắn, khắc khổ như một lão nông ấy đã kiên trì sáng tạo một tác phẩm gần 500 trang với rất nhiều chi tiết sống động. Nguyễn Vinh Tú có những câu đáng giật mình, như khi ông miêu tả hiện trường mối xông ở một nhà máy bị những kẻ tham nhũng rút ruột hết gỗ để đem bán: "Những hầm nổi ngoằn ngoèo bằng đất màu nâu sẫm chỗ khô, chỗ ướt như dế dũi quanh co... Từng đàn mối màu trắng nhợt bò ra chi chít leo lên cả giày véc-ni bóng lộn".

Con trai út của Nguyễn Vinh Tú là Nguyễn Vinh Huỳnh (sinh năm 1971, từng tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, đã theo học Trường Viết văn Nguyễn Du) dịp này cũng ra mắt tập truyện ngắn "NG" với 15 tác phẩm viết về "vấn đề" của giới trẻ và đời sống đương đại. Trước đó, Vinh Huỳnh từng xuất bản tập truyện ngắn "Người xa lạ" (năm 2000) và "Đồng Đẳng" (năm 2003). Điều thú vị là Vinh Huỳnh cũng có điểm giống cha, văn phong dí dỏm, gần gũi và truyện thì ngồn ngộn chi tiết mang hơi thở đời sống. Nó cho thấy óc quan sát và khả năng ghi nhận, xây dựng nhân vật khá sống động. Nó cũng mang lại cho người đọc cảm giác của sự dấn thân, chịu nghĩ, chịu viết nơi tác giả.

Tuy nhiên, đúng như lão nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng chia sẻ khi nói về tác phẩm của Nguyễn Vinh Tú nhân tọa đàm "Nguyễn Vinh Tú - Văn và đời" năm 2012 thì "viết tiểu thuyết tức là hiện thực giống đời thực nhưng không được thiếu sự bay bổng, khái quát, đấy chính là sự hư cấu". Gọn hơn, chắt lọc hơn và chuyển hóa những chất liệu sống vào văn chương một cách nhuần nhuyễn hơn cũng là mong muốn chung của người đọc tác phẩm của hai cha con Nguyễn Vinh Tú và Nguyễn Vinh Huỳnh.

Buổi tọa đàm thú vị xoay quanh câu chuyện "hai cha con cùng ra sách" chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm của văn giới và bạn đọc.

Hà Dương