Cắt giảm thủ tục thuế, hải quan: Minh bạch hóa môi trường kinh doanh

Kinh tế - Ngày đăng : 06:45, 21/03/2015

(HNM) - Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), giảm thời gian, chi phí thực hiện TTHC và ngay trong năm 2015, phấn đấu các chỉ tiêu về MTKD của nước ta đạt, vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6.



Đó là những nỗ lực cải thiện TTHC của Chính phủ, trong đó có việc cắt giảm thủ tục thuế, hải quan đã được các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Điều này khiến nhiều DN đã quyết định lựa chọn Việt Nam như một điểm đến quan trọng trong chiến lược kinh doanh trung và dài hạn.

Hướng dẫn làm thủ tục cho người dân tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Nội Bài. Ảnh: Huyền Linh


Nỗ lực cải cách hành chính

Trung tuần tháng 3 vừa qua, Tập đoàn IHI, một trong những tập đoàn kinh tế lớn trong lĩnh vực công nghiệp nặng của Nhật Bản đã khánh thành nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Sadao Degawa, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn này cho biết, nhà máy mới tại Hải Phòng sẽ được IHI đầu tư, trang bị các thiết bị công nghiệp nặng tiên tiến nhằm cung cấp những sản phẩm chất lượng cao, theo tiêu chuẩn quốc tế cho các dự án của Tập đoàn IHI trên toàn cầu, trong đó có các dự án tại Việt Nam. Chia sẻ thêm về lý do lựa chọn Việt Nam là "điểm đến" của Tập đoàn IHI, ông Sadao Degawa cho biết, từ năm 2002 IHI đã khởi động dự án xây dựng cầu Bính (Hải Phòng) và gần đây nhất là tham gia dự án xây dựng cầu Nhật Tân. Sau hơn 10 năm hoạt động tại Việt Nam, đại diện IHI đánh giá cao những chính sách ưu đãi cũng như nỗ lực cải cách TTHC, trong đó có thủ tục thuế, hải quan mà Chính phủ Việt Nam đã, đang thực hiện. Đây cũng chính là lý do Việt Nam trở thành một trong bốn quốc gia mà IHI quyết định xây dựng nhà máy sản xuất cùng với các nhà máy tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Quyết định xây dựng nhà máy trị giá 36 triệu USD tại Hải Phòng từ năm 2013, Công ty Fuji Xerox (Nhật Bản) cũng coi Việt Nam là một "điểm đến" quan trọng trong chiến lược kinh doanh trung và dài hạn. Ông Tadahito Yamamoto, Chủ tịch, Trưởng đại diện Fuji Xerox, Giám đốc Tập đoàn Fuji Film cho biết, cùng với các nhà máy sản xuất của công ty tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, nhà máy tại Việt Nam sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất của Fuji Xerox trên toàn cầu. Nhận xét về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đại diện Fuji Xerox cho rằng, Việt Nam đã đạt đến độ chín muồi về việc xây dựng hành lang pháp lý nhằm thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản. Đặc biệt, chính sách ưu đãi về thuế, trong đó có việc áp dụng thuế suất 0% với linh kiện nhập khẩu là một trong những lý do chính tạo nên sự hấp dẫn với các DN.

Trên thực tế, các DN trong và ngoài nước đã, đang được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi, nỗ lực cắt giảm, cải cách TTHC của Chính phủ cũng như các bộ, ngành. Song, tại các cuộc đối thoại với DN mới đây, nhiều DN đã phản ánh, vẫn còn nhiều vướng mắc khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ còn gặp nhiều khó khăn. Đại diện nhiều DN cũng góp ý, thủ tục thuế, hải quan tại nhiều khâu vẫn còn rườm rà và tiêu tốn thời gian của DN. Mong muốn của đa số các DN là tới đây những thủ tục này sẽ được thu gọn và tinh giản hơn nữa nhằm giúp DN tiết giảm thời gian, chi phí cho hoạt động này.

Đo thời gian giải phóng hàng hóa

Tại nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016 do Chính phủ vừa ban hành đầu tháng 3, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là cắt giảm mạnh TTHC, trong đó có thủ tục thuế, hải quan. Trong hai năm 2015-2016, Chính phủ đặt mục tiêu tập trung cải thiện MTKD, đẩy mạnh cải cách, giảm thời gian và chi phí thực hiện TTHC. Bên cạnh đó, sẽ cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu cho phù hợp với thông lệ quốc tế và chuyển mạnh việc thực hiện thủ tục hải quan từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Chính phủ cũng nêu rõ mục tiêu, ngay trong năm 2015, phấn đấu các chỉ tiêu về MTKD của nước ta đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6. Trong đó, rút ngắn thời gian nộp thuế còn không quá 121,5 giờ/năm, tỷ lệ DN kê khai thuế điện tử đạt trên 95%; tỷ lệ DN nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%; xây dựng và công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm ít nhất 90% DN hoàn thuế theo đúng thời gian quy định… Đến năm 2016, phấn đấu chỉ số MTKD của Việt Nam tối thiểu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu chủ yếu theo thông lệ quốc tế. Cùng với đó, sẽ thực hiện rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các TTHC không cần thiết, tạo mọi thuận lợi và giảm thời gian, chi phí cho DN, người dân.

Thông điệp của Chính phủ được phát đi trong tháng 3 đã trở thành tâm điểm chú ý của các DN trong và ngoài nước. Điều này cũng đã được các ngành thuế, hải quan hiện thực hóa thông qua việc đẩy mạnh việc kê khai thuế điện tử, phối hợp thu ngân sách nhà nước qua hệ thống ngân hàng và triển khai mở rộng hệ thống thông quan hàng hóa tự động... Việc đo thời gian giải phóng hàng hóa nhằm tìm ra những "điểm nghẽn" làm tăng thời gian, chi phí khi làm thủ tục hải quan cũng sẽ được thực hiện tại 11 chi cục hải quan ngay trong năm nay nhằm đáp ứng những yêu cầu của cộng đồng DN trong quá trình hội nhập. Nỗ lực mà Chính phủ đã, đang thực hiện sẽ góp phần minh bạch hóa MTKD tại Việt Nam, tạo điều kiện cho cộng đồng DN mở rộng sản xuất, từ đó đóng góp tích cực trở lại vào ngân sách nhà nước.

Hương Ly