Tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong đời sống xã hội

Chính trị - Ngày đăng : 06:22, 21/03/2015

(HNM) - Công tác dân nguyện (tiếp xúc cử tri, tiếp nhận giải quyết đơn thư) của HĐND các cấp những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực.

Rõ trách nhiệm trước cử tri

Theo Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh, hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) của HĐND đã được chuẩn bị chu đáo hơn, các ý kiến kiến nghị của cử tri được tổ đại biểu tiếp thu, phân loại theo thẩm quyền, từng ngành, lĩnh vực. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp huyện, xã được lãnh đạo địa phương giải đáp cơ bản tại hội nghị tiếp xúc, điều này được nhân dân phấn khởi, vì thế nên số cử tri tham dự các buổi TXCT ngày càng tăng. Theo đánh giá của HĐND tỉnh Bắc Ninh, bình quân tại mỗi điểm tiếp xúc, các đại biểu đã trả lời kiến nghị của cử tri đạt 80%, đồng thời tổng hợp những vấn đề vượt thẩm quyền chuyển đến cơ quan chức năng trả lời theo quy định, đã tạo nên sự hài lòng của cử tri đối với các vị đại biểu do mình bầu ra.

Người dân phát biểu ý kiến đóng góp tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: Bảo Lâm


Đối với TP Hà Nội, công tác phối hợp tổ chức để đại biểu HĐND thành phố TXCT trước và sau kỳ họp, TXCT chuyên đề, TXCT nơi cư trú, nơi công tác đã có nhiều đổi mới, đạt hiệu quả ngày càng cao. Thời gian, địa điểm TXCT, nội dung trả lời của UBND thành phố và các bộ, ngành TƯ đối với kiến nghị của cử tri Thủ đô được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của thành phố, có sự giám sát chặt chẽ của MTTQ thành phố. Ngoài các thành phần bắt buộc theo luật định (đại biểu HĐND, đại diện Ủy ban MTTQ thành phố, chính quyền cơ sở), Thường trực HĐND TP Hà Nội đã phối hợp với UBND thành phố phân công các sở, ngành, các cơ quan chức năng cùng tham dự TXCT để có thể trả lời ngay tại hội nghị một số kiến nghị bức xúc của cử tri. Bên cạnh đó, việc giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngày càng được coi trọng, các cơ quan đã thể hiện ngày càng rõ hơn trách nhiệm của mình trước cử tri.

Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt, chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri ngày càng được nâng cao, nhiều kiến nghị của cử tri đã được giải quyết kịp thời, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh trong đời sống xã hội. Phần lớn những kiến nghị cụ thể đều đã được các ngành xem xét, giải quyết, trả lời, trong đó đã đưa ra giải pháp và chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Đối với những kiến nghị mà việc giải quyết liên quan đến chính sách, pháp luật, trong văn bản trả lời các ngành cũng đã nêu rõ những khó khăn vướng mắc của mình để cử tri hiểu và các địa phương cũng thấy rõ trách nhiệm phối hợp trong việc giải quyết.

Tăng tính giám sát

Theo các đại biểu HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng, công tác tiếp dân, nhận và xử lý đơn thư của công dân chính là việc tăng tính giám sát của đại biểu đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Công tác này được HĐND các địa phương thực hiện khá hiệu quả với số lượng trung bình ban hành gần 1.000 văn bản/địa phương trong chuyển đơn, thư gửi UBND các cấp, các sở, đôn đốc giải quyết.

Tại Hà Nội, ngay sau khi có Đề án số 04/ĐA-TU ngày 19-10-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội", Thường trực HĐND TP Hà Nội đã xây dựng Đề án 531/ĐA-HĐND ngày 26-12-2012 về "Đổi mới công tác tiếp công dân của đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XIV, nhiệm kỳ 2011-2016". Trên cơ sở đó, đại biểu HĐND thành phố tiếp công dân định kỳ hằng tháng vào tuần cuối tháng theo tổ đại biểu tại trụ sở HĐND và UBND 30 quận, huyện, thị xã nơi đại biểu trúng cử. Đối với Thường trực HĐND thành phố, ngoài việc thực hiện trách nhiệm chung của đại biểu HĐND tiếp dân theo tổ đại biểu, từ tháng 12-2013 đến nay, định kỳ hằng tháng tiếp công dân theo vụ việc cụ thể, có sự tham dự của lãnh đạo các ngành chức năng tại trụ sở tiếp công dân của thành phố nhằm đôn đốc, giải quyết dứt điểm, triệt để đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân đối với những vụ tồn đọng.

HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng là đơn vị có nhiều đổi mới trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư. Xác định công tác giám sát về lĩnh vực này khó khăn, phức tạp, Thường trực HĐND tỉnh đã giao cho Văn phòng HĐND chủ động thu thập tài liệu, hồ sơ liên quan, tham mưu xây dựng đề cương chi tiết, cụ thể tập trung vào trình tự, thủ tục và những nội dung của cơ quan có thẩm quyền chưa bảo đảm đúng quy trình, yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ, lý do, nguyên nhân. Cũng chính từ việc sâu sát này, năm 2014, tỉnh Quảng Ninh xử lý hơn 1.000 đơn thư, trong đó giám sát 21 vụ việc có đơn khiếu nại liên quan đến các lĩnh vực, tạo niềm tin cho nhân dân trong vai trò cơ quan dân cử.

Dù có nhiều chuyển biến tích cực, song qua ý kiến của đại diện thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực cho thấy, công tác dân nguyện vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Một số địa phương, thành phần tham gia các buổi TXCT hay có sự thay đổi, nên việc theo dõi, đôn đốc giải quyết ý kiến, kiến nghị chưa quyết liệt, thường xuyên, thậm chí có vụ việc chưa theo tới cùng nội dung vấn đề. Công tác tiếp công dân chủ yếu do một số đại biểu chuyên trách đảm nhiệm tiếp theo lịch, đại biểu kiêm nhiệm chưa thực hiện sâu sát vấn đề này. Nguyên nhân chủ yếu do cơ sở pháp lý về công tác dân nguyện của HĐND có nội dung còn chưa rõ ràng, chưa có chế tài cụ thể. Bên cạnh đó, hầu hết các đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, trình độ, lĩnh vực hoạt động của đại biểu khác nhau, công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động của đại biểu chưa được quan tâm thường xuyên. Thiết nghĩ, ngoài trách nhiệm trước cử tri, thì mỗi đại biểu phải tâm huyết, tự trang bị kiến thức chuyên sâu để thực hiện chức năng giám sát của mình trên các lĩnh vực, ngày càng tạo niềm tin trong mỗi cử tri.

Việt Tuấn