Trách nhiệm và tinh thần cầu thị
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 21/03/2015
Nói ngắn gọn theo lời của lái xe taxi thì anh ủng hộ việc thay thế những cây trên phố nếu điều đó cần thiết. Tôi hỏi: "Theo anh, thế nào là cần thiết?". Câu trả lời là: “Cây nghiêng ngả, cây sâu mọt, cây già cỗi…”. Tôi cũng trao đổi tiếp: "Thế việc chặt để thay thế cây như hiện nay thì sao?". "Em ủng hộ cần thì phải làm. Có nhiều cây như ở phố Đội Cấn hay ngay phố Tràng Thi này đã nghiêng ngả, người đi xe máy bất cẩn sẽ bị những cái "u bướu" của cây xà cừ "táng" vào đầu. Có người nói đang yên lành sao phải chặt, nhưng sao mọi người không nghĩ đến những vụ cây gãy đổ đè xuống xe taxi...".
Rõ ràng, sự kiện "chặt hạ cây" vẫn rất nóng đối với người dân Hà Nội. Cũng đúng thôi, với nhiều thế hệ, cả những người không có gốc gác Hà Nội nhưng có nhiều năm gắn bó với đất này thì việc mất đi những hình ảnh thân thuộc chẳng phải là điều dễ chịu. Vấn đề là ở chỗ đó! Thay thế cây xanh đô thị là việc không phải của riêng Hà Nội, mà là chuyện thường tình ở bất cứ thành phố nào, bất cứ quốc gia nào. Vấn đề chỉ ở cách làm.
Thực tế, không phải đến thời điểm này người dân mới nghe đến chuyện đốn cây. Vài năm trước, thành phố đã thay toàn bộ cây trên phố Quang Trung thuộc quận Hà Đông, gần đây là bỏ toàn bộ cây trên phố Nguyễn Trãi. Việc này không chỉ là chuyện cảnh quan mà còn cả vấn đề an toàn, vấn đề môi sinh môi trường và sâu xa hơn chính là vì sự phát triển của thành phố. Chẳng hạn với tuyến phố Nguyễn Trãi, khi hai hàng cây chiếm giữ một phần khá lớn diện tích lòng đường khiến cho tình trạng giao thông trở nên phức tạp thì việc di chuyển vị trí trồng cây sang hai bên là cần thiết. Những người ngày hai buổi sớm chiều "bò" từng tí một, mất cả tiếng đồng hồ mới vượt qua được đoạn đường mươi cây số để đến nơi làm việc chắc sẽ hiểu hơn ai hết việc bỏ cây mở rộng đường có ý nghĩa thế nào.
Chuyện cần thay là vậy! Nhưng, thay như thế nào? Tiếng nói của người dân trong những chuyện hệ trọng này sẽ ra sao?...
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội thì "việc thay thế cây xanh có lộ trình, không phải hàng loạt". Người đứng đầu thành phố cho rằng, việc thông tin không đầy đủ khiến người dân hiểu rằng TP Hà Nội có một đề án, một chiến dịch chặt hạ hơn sáu nghìn cây xanh. Trong khi sự thực theo đề án, sẽ từng bước thay thế những cây cỗi, già, sâu mọt, cong nghiêng, không đúng chủng loại... theo quy hoạch chuyên ngành về hệ thống công viên và cây xanh được HĐND thành phố thông qua. Lãnh đạo thành phố sẵn sàng lắng nghe ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân sĩ, đông đảo người dân với mục tiêu chung là xây dựng thành phố đẹp hơn, khang trang hơn và cái gì có lợi cho người dân thì sẽ làm, không vì một lợi ích cá nhân nào.
Tuy nhiên, việc góp ý cho các chính sách có lẽ cũng cần được bàn thảo một cách thấu đáo. Trong chuyện này không ít người đang bị cuốn theo "cơn lốc" truyền thông. Thậm chí, có những nhà khoa học phát ngôn trên báo chí cho rằng việc trồng cây vàng tâm thay thế là không phù hợp vì cây này giá trị ngang cây sưa… Thế nhưng thực tế lại khác. Cây sưa, loại cây thuộc nhóm 1, hiện giá lên đến tiền tỷ, trong khi cây vàng tâm thuộc nhóm 4, giá thấp hơn rất nhiều.
Tiếp thu ý kiến người dân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu các đơn vị tạm dừng việc chặt cây, rà soát lộ trình thực hiện; đồng thời thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai minh bạch và tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học… tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện. Các cơ quan chức năng của thành phố cũng luôn cầu thị những đóng góp của người dân.
Trong cuộc gặp báo chí chiều 20-3, nhiều câu hỏi đã được đặt ra: Bao nhiêu cây xanh đã bị chặt, kinh phí thế nào, ai chịu trách nhiệm về vấn đề này? Tỷ lệ đồng thuận của người dân trong việc chặt cây là bao nhiêu? DN được hưởng lợi gì không?... Dĩ nhiên, TP Hà Nội sẽ trả lời những vấn đề này trước khi tiếp tục triển khai dự án!