Hà Nội: Treo biển lấy ý kiến người dân về việc thay thế cây xanh
Xã hội - Ngày đăng : 09:14, 20/03/2015
Đó là những cây sâu mục, chết khô, cong nghiêng không đảm bảo an toàn, nhất là khi mùa mưa bão sắp đến. Bên cạnh đó là cả những cây không đúng chủng loại đô thị, cần được thay thế, sau khi công ty đã rà soát và được Sở Xây dựng cấp phép chặt hạ. Thực tế, đây là việc làm thường xuyên của công ty, nhưng trước dư luận của nhân dân về việc cần phải bảo vệ 6.700 cây xanh trong lộ trình thay thế nên việc treo biển đã bắt đầu diễn ra từ chiều qua (19/3) với 30 biển cây và sẽ còn tiếp tục trong những ngày tới.
Công nhân Công ty công viên cây xanh đang treo biển để trưng cầu ý kiến nhân dân. Ảnh VNE |
Việc treo biển đang diễn ra tập trung ở 4 quận nội thành với những tuyến phố như: Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Lương Ngọc Quyến, Trần Phú, Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương, Lý Nam Đế, Trịnh Hoài Đức, Đê La Thành…
Tấm biển kích thước 30x20 cm, chất liệu bằng tôn, có ghi rõ: cây dự kiến đánh chuyển, cây trồng mới. Sau khi treo biển một tuần, Công ty sẽ tiếp nhận thông tin 24/24h phản hồi của người dân qua số máy (04)39764540.
Một cây xà cừ dự kiến đánh chuyển. |
Nếu có cây xanh đổ hoặc gây nguy hiểm, công ty sẽ cử nhân viên đến giải quyết ngay. Nếu người dân góp ý về việc nên chặt hạ cây xanh này, chưa nên chặt cây xanh kia, công ty sẽ cử nhân viên đến gặp trực tiếp, xin thông tin. Sau đó sẽ khảo sát, nghiên cứu và trả lời kết quả cho người dân. Nguyên do là có nhiều cây theo mắt thường thấy vẫn xanh tốt nhưng qua đánh giá của người có chuyên môn cây có thể đang sâu mục bên trong, ảnh hưởng đến an toàn...
Trong trường hợp không có ý kiến phản đối của người dân, cây sẽ được đánh chuyển, thay thế bằng một cây đúng chủng loại, kích thước theo quy định.
Theo kế hoạch, năm 2015, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội sẽ thay thế, cắt, tỉa, chặt hạ, dự kiến 4.340 cây/63 tuyến phố.
Chiều nay 20/3, UBND TP. Hà Nội sẽ tổ chức cuộc gặp, trao đổi với báo chí để giải đáp thêm thông tin, lộ trình về việc chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên địa bàn TP.
Theo thông tin từ UBND TP, qua rà soát, trên địa bàn thành phố có khoảng 6.700 cây (tỷ lệ 5,58%) già cỗi, sâu mục, cong nghiêng, ảnh hưởng giao thông, cây chết và gần chết, nhiều cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị... Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất thành phố cho thay thế 6.700 cây, thời gian thực hiện trong 3 năm (2015-2017), dự tính kinh phí xấp xỉ 60 tỷ đồng. Năm 2015, TP chưa bố trí kinh phí cho việc cải tạo, thay thế cây xanh. Tuy nhiên, tranh thủ thời tiết mùa xuân thuận lợi cho việc thay thế cây và tránh mùa mưa bão, đồng thời, huy động các nguồn lực đóng góp xây dựng Thủ đô, TP có chủ trương kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ thay thế cây xanh trên các tuyến phố. Sau khi các đơn vị thực hiện thay thế cây xanh trên các tuyến phố, thành phố giao Sở Xây dựng, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh tiếp nhận quản lý, duy trì, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Trước ý kiến của một số nhân dân bày tỏ với việc không đồng tình chặt bỏ một số cây xanh trong thời gian gần đây, trong cuộc họp ngày 19/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nêu rõ: “Thành phố cũng sẽ tiếp thu những ý kiến đúng, cái gì có lợi cho người dân thì thành phố sẽ làm không vì một lợi ích cá nhân nào. Những ý kiến nào đóng góp đúng, chúng ta sẽ tiếp thu và khắc phục, điều chỉnh". Việc thay thế cây xanh có cơ sở pháp lý là Quy hoạch chuyên ngành về hệ thống công viên và cây xanh được Hội đồng nhân dân TP thông qua. Trước chủ trươngtrên, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tư nhân đã ủng hộ, đóng góp những cây có giá trị, đúng chủng loại theo quy hoạch thay thế; ngân sách không phải bỏ ra để thay thế cây xanh. “Hoàn toàn không phải là vụ đấu thầu, chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích”, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khẳng định. |