Hồi sinh dòng kênh, nhiều người dân “đổi đời”
Đời sống - Ngày đăng : 07:17, 20/03/2015
Tại khu vực cầu Ông Buông 1 kéo dài đến ngã ba giao kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (Quận 6), kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã mang diện mạo hoàn toàn mới. Suốt chiều dài dòng kênh, hàng cây xanh được bố trí thẳng tắp, hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí được lắp đặt xong. Con đường Tân Hóa và Lò Gốm rộng rãi chạy suốt dọc kênh, vỉa hè được lát đá cao cấp cùng với hệ thống rào chắn được trang trí hoa văn rất bắt mắt. Bên dưới dòng kênh, hệ thống cống hộp được kết nối với nhau thông dòng giúp nước lưu thông tốt khiến dòng kênh bắt đầu xanh trở lại, tạo không gian, cảnh quan trên tuyến…
Kênh Tân Hóa - Lò Gốm hồi sinh sẽ góp phần cải thiện diện mạo đô thị TP Hồ Chí Minh. |
Là người gắn bó trọn đời ở khu vực này, bà Phạm Thị Vui (65 tuổi, ngụ đường Tân Hóa, đoạn gần cầu Ông Buông 1, Quận 6) vẫn nhớ như in từng chặng đường lịch sử của dòng kênh. Trước đây, dòng kênh hôi thối đến nỗi nhiều lần gia đình bà muốn bán nhà để đi nơi khác sống nhưng bây giờ đã yên tâm ở lại.
Dự án (DA) cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm thuộc DA nâng cấp đô thị TP Hồ Chí Minh. Tại Việt Nam, DA nâng cấp đô thị được thực hiện tại 4 tỉnh, thành phố gồm: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nam Định và Hải Phòng. DA thực hiện từ năm 2004 đến 2014, với tổng vốn đầu tư 382,5 triệu USD từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và hơn 4.000 tỷ đồng từ vốn đối ứng ngân sách của 4 tỉnh, thành phố trên. Sau 10 năm thực hiện, DA giúp hơn 6 triệu người dân của 4 tỉnh, thành phố được hưởng lợi. |
"Dòng kênh gần như không
còn bốc mùi, đường sá khang trang, từng đoạn vỉa hè đẹp đẽ, ban đêm đèn sáng choang… Người dân hai bên được hưởng lợi mọi mặt! Trước đây, tôi phải đưa cháu đi học rất vất vả và phải đi vòng qua nhiều tuyến đường khoảng 30 phút mới tới trường, nay đi băng băng trên đường rộng thênh thang chưa đầy 10 phút", bà Vui cho biết.
Cùng chung tâm trạng, chị Nguyễn Thị Lệ (bán hàng ăn tại đường Lò Gốm) thổ lộ, trước đây khu vực này không khác gì "ổ chuột", ma túy đầy rẫy, nạn trộm cắp diễn ra thường xuyên. Nay tình trạng trên chẳng những không còn mà đời sống dân cư văn minh hơn hẳn. Buổi sáng người dân đi tập thể dục trên khắp hai bờ, buổi chiều trẻ em vui đùa, thanh niên thả diều trên bờ kênh và công viên. Nếu thời gian tới, cơ quan chức năng lắp thêm dụng cụ tập thể dục, vui chơi nữa thì người dân càng được hưởng lợi về tinh thần.
Gặp chúng tôi, ông Lê Văn Ngà chỉ về từng dãy nhà mới mọc lên hai bên tuyến kênh và cho biết: "Các anh thấy đó, bây giờ nhà nào cũng sửa sang lại, người ít tiền thì quét sơn cho nhà mới hơn, người có tiền thì nâng nền, xây khang trang hơn, thậm chí nhiều người đón đầu bằng cách xây thành các ki ốt rộng rồi quay hướng nhà làm mặt tiền trên hai tuyến đường Tân Hóa và Lò Gốm để tăng thêm giá trị cho nhà đất, đồng thời sẽ mở kinh doanh sau khi tuyến kênh hoàn thành. Có trong mơ những người dân lạc quan nhất cũng không nghĩ có ngày hôm nay".
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Ban quản lý dự án (DA) nâng cấp đô thị TP Hồ Chí Minh (HUUP - chủ đầu tư) Lê Thanh Liêm cho biết, với DA cải tạo tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm được mở rộng, hai bên đường rộng từ 6m đến 20m, với 10 cầu bắc qua kênh, chỉnh trang 4 khu cảnh quan dọc tuyến…, tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Đối với 10 gói thầu xây dựng kênh và đường dọc kênh, xây dựng trạm bơm, trồng cây xanh tiến độ đạt trên 98%. Hiện các đơn vị đang khẩn trương thi công các hạng mục phụ như: nạo vét lòng kênh, xây dựng vỉa hè, trồng cây xanh, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng... để kịp hoàn thành đúng tiến độ. "Lần đầu tiên tại một công trình của thành phố, hệ thống chiếu sáng và trang trí được sử dụng bằng đèn LED, vừa tiết kiệm khoảng 60% điện năng, vừa tô điểm nổi bật cho cảnh quan toàn bộ khu vực", ông Lê Thanh Liêm nói.
Theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, khi hoàn thành, DA không chỉ hình thành nên một trục tuyến đường đô thị khang trang nối liền các quận Tân Bình, Tân Phú, Quận 5, Quận 6 và Quận 11, mà sẽ giúp làm thay đổi toàn diện đời sống của khoảng 1 triệu cư dân thuộc phía tây thành phố. Giá trị đất đai, nhà cửa cũng tăng từ 3 đến 5 lần; đặc biệt, giá trị tinh thần của người dân được nhân lên bội phần khi các khu vui chơi, thể dục thể thao, khu công viên trên dọc hai tuyến kênh dần hình thành. Từ đó, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường sống lành mạnh và văn minh đô thị.