Các bên đều có lợi
Kinh tế - Ngày đăng : 06:43, 20/03/2015
Trước đó (phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội), UBND thành phố đã đầu tư xây dựng hàng chục tuyến công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật dùng chung (gồm tuynel, hào, cống, bể kỹ thuật) tại các quận nội thành. Cùng với thành phố, các DN cung cấp dịch vụ viễn thông, như VNPT Hà Nội, Viettel cũng đã đầu tư xây dựng một số tuyến ngầm theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, cũng từ năm 2010 đến nay, do chưa ban hành được khung giá cho thuê sử dụng công trình ngầm dùng chung nên việc thu phí được áp với mức tạm tính, điều này gây khó cho các đơn vị quản lý nhà nước trong việc duy tu bảo dưỡng…, trong đó có DN đã đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Mặt khác, với các công trình ngầm này, sau khi thành phố đầu tư và đưa vào khai thác thì các cơ quan, đơn vị, DN cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình cáp phải thực hiện hạ ngầm dây, cáp thông tin đi nổi… Tuy nhiên, trên thực tế rất ít đơn vị chấp hành. Để bảo đảm cảnh quan cho Thủ đô, giữa năm 2014 Hà Nội đã thực hiện chiến dịch thanh thải dây, cáp thông tin đi nổi tại 90 tuyến phố nội thành. Thậm chí, ngay tại 32 tuyến ngầm kỹ thuật (ước có gần 1.000km cáp) đã khai thác, sử dụng cũng kiểm đếm, thanh thải dây, cáp thừa…
Theo Sở TT-TT Hà Nội - đơn vị được UBND thành phố giao là đơn vị tiếp nhận và quản lý các công trình ngầm kỹ thuật (hiện đã nhận bàn giao 45 công trình) thì đến nay hiệu suất sử dụng các công trình dùng chung này ước đạt 90% công suất thiết kế. Như vậy, có thể thấy rằng các công trình này đã được "lấp đầy". Để việc quản lý thuận tiện, Sở đã thiết lập số điện thoại đường dây nóng 04. 38445566 (vận hành từ tháng 7-2014) để tiếp nhận thông tin về sự cố các công trình hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, Sở đã tiếp nhận 300 cuộc điện thoại phản ánh về sự cố các công trình ngầm này.
Trở lại với vấn đề đơn giá cho thuê công trình ngầm dùng chung, thành phố đưa ra mức giá tạm tính là 2.000 đồng/km và với việc 15 cơ quan, đơn vị, DN đã ký kết hợp đồng thuê lại, ước tính mỗi năm thành phố thu về hơn 1,9 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Theo đánh giá của các DN, mức giá này là thấp và có ý nghĩa lớn trong việc tạo điều kiện, khuyến khích DN phát triển, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay. Lãnh đạo Viettel Hà Nội và Truyền hình Cáp Hà Nội mong muốn, thành phố áp dụng khung giá này kéo dài trong vòng 15-20 năm. Theo Viettel, thực hiện chủ trương của Hà Nội, Viettel cũng sẽ hạ ngầm toàn bộ dây, cáp thông tin đi nổi, trong đó từ năm 2015 đơn vị này triển khai đầu tư hạ ngầm khoảng 300km tại một số quận nội thành. Việc thành phố đưa ra khung giá thuê thấp không chỉ khiến các DN đi thuê phấn khởi và còn là sự động viên để DN bỏ tiền đầu tư xây dựng công trình ngầm.
Cũng theo Sở TT-TT, ở các công trình ngầm dùng chung này đến nay vẫn có những tồn tại là tại hầu hết bể cáp, DN vẫn để lại cuộn cáp thừa, măng xông, không treo thẻ nhận biết của đơn vị mình theo quy định… Vấn đề đặt ra là đã có công trình ngầm dùng chung và đơn giá cho thuê, song để khai thác hiệu quả thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả cơ quan quản lý và các DN cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình cáp. Về vấn đề này, lãnh đạo MobiFone khu vực 1 đề xuất thành phố nên có quy định để DN đầu tư công trình ngầm theo hình thức 1 đổi 1, tránh việc DN cùng đầu tư tuyến ngầm gây lãng phí, hoặc có hình thức "ép" giá nhau khi thuê lại. Các nhà mạng khác cũng kiến nghị Sở TT-TT cần đứng ra "cầm trịch" để các DN cùng hợp tác, hoặc đầu tư công trình ngầm để cho thuê lại…
Trả lời kiến nghị của DN, lãnh đạo Sở TT-TT cho biết sẽ kiến nghị UBND thành phố áp dụng đơn giá cho thuê (2.000 đồng/km) trong vòng 10 năm để tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, DN sản xuất, kinh doanh, đồng thời còn là sự khuyến khích DN tích lũy để đầu tư xây dựng công trình ngầm - vốn khá tốn kém. Sở sẽ thống kê việc các DN có nhu cầu đầu tư xây dựng công trình ngầm, DN thuê sử dụng và công bố để DN biết và triển khai phương án… nhằm bảo đảm từ nay đến năm 2020 Hà Nội đạt tỷ lệ ngầm hóa dây cáp thông tin 90% ở nội thành và 70-80% khu vực ngoại thành.