Chủ tịch UBND TP Hà Nội: “Việc thay thế cây xanh có lộ trình, không phải hàng loạt”

Xã hội - Ngày đăng : 16:37, 19/03/2015

(HNMO) – Ý kiến trên được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đưa ra trong buổi họp tập thể của UBND TP Hà Nội diễn ra ngày 19/3, về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quý I; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II và những tháng cuối năm 2015.

Xã hội hóa thay thế cây xanh, không có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm

Chủ tịch cho biết, việc thông tin không đẩy đủ khiến người dân hiểu rằng TP có một đề án, một chiến dịch chặt hạ hơn 6.000 cây xanh. Trong khi đó không thông tin được rằng đề án đó là từng bước thay thế những cây cỗi, cây đã già, sâu mọt, cong nghiêng, không đúng chủng loại... Theo đó, Chủ tịch đã nghiêm khắc phê bình các đơn vị triển khai do công tác thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Thực tế, trên các tuyến phố như: phố Huế, Hàng Bài, thành phố đã thay thế những cây cong, cây nghiêng, trồng xen cây quy hoạch đô thị vào. TP đã lựa chọn những loại cây to, tươi tốt, không phải loại cây định mức mấy trăm nghìn đồng theo đơn giá như trước.

Trước ý kiến của một số nhân dân bày tỏ với việc không đồng tình chặt bỏ một số cây xanh trong thời gian gần đây. Chủ tịch nêu rõ: “Thành phố cũng sẽ tiếp thu những ý kiến đúng, cái gì có lợi cho người dân thì thành phố sẽ làm không vì một lợi ích cá nhân nào. Những ý kiến nào đóng góp đúng, chúng ta sẽ tiếp thu và khắc phục, điều chỉnh.

Chủ tịch cũng nhấn mạnh, việc thay thế cây xanh có cơ sở pháp lý là Quy hoạch chuyên ngành về hệ thống công viên và cây xanh được Hội đồng nhân dân TP thông qua. Trong đó có lộ trình thay thế tất cả các cây cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêng, không đảm bảo an toàn giao thông. Trên thực tế đã có việc cây đổ gẫy gây tai nạn chết người.

Hơn nữa, trước chủ trương đúng đắn trên, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tư nhân đã ủng hộ, đóng góp những cây có giá trị, đúng chủng loại theo quy hoạch thay thế; ngân sách không phải bỏ ra để thay thế cây xanh. “Hoàn toàn không phải là vụ đấu thầu, chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích”, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khẳng định.

Là đơn vị triển khai đề án Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - Lê Văn Dục cũng giải thích rõ: Với 6.700 cây xanh sẽ được thay thế, đây là số cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng tới giao thông, cây chết và gần chết cũng như nhiều cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị được các Tổ chuyên gia gồm có Ban Dự án duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật của Công ty Công viên cây xanh, của UBND các quận khảo sát và báo cáo. Số lượng cây không đảm bảo nói trên sẽ từng bước được thay thế bằng những cây phù hợp quy hoạch, đảm bảo an toàn, cảnh quan đô thị và môi trường sinh thái.

Việc thay thế lượng cây không đảm bảo nói trên sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Hiện việc thay thế đã triển khai trên địa bàn TP là 9 tuyến phố, trung bình mỗi đơn vị tham gia công tác xã hội hóa này sẽ đóng góp cây xanh cho một tuyến phố. Số cây đã và đang thực hiện thay thế vào khoảng hơn 500 cây.

Dư luận vừa qua cũng băn khoăn, các cây to bị đốn hạ, lượng gỗ thu được sẽ bán và sử dụng khoản tiền này thế nào? Ông Lê Văn Dục cho biết: Lượng gỗ của các cây to sẽ được Công ty Công viên cây xanh thu hồi sau đó tổ chức bán đấu giá thu vào ngân sách, không có lợi ích cá nhân trong việc này.

Trên địa bàn Hà Nội có nhiều cây xà cừ cổ thụ nhưng đây là cây dễ bị bật gốc khi mưa bão, gây mất an toàn nên phải thay thế cây đô thị khác.


Kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, trong quý I/2015, kinh tế Thủ đô tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,6% cao hơn cùng kỳ năm 2014 (6,6%). Các ngành đều có mức tăng cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước.

Các chỉ tiêu thu, chi ngân sách đều đảm bảo. Quí I, tổng thu ngân sách Nhà nước của TP ước đạt 46.318 tỷ đồng. Chi ngân sách địa phương ước đạt 14.020 tỷ đồng, bằng 23,7% dự toán.

Lĩnh vực tài chính tiền tệ cũng có chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát và an sinh xã hội được đảm bảo. Dự kiến chỉ số giá tiêu dùng quý I tăng từ 0,37 - 0,48%. Vốn đầu tư xã hội huy động ở mức khá, ước đạt gần 60 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài được đẩy mạnh.

Tính đến hết ngày 12/3/2015, toàn TP thu hút 74 dự án đầu tư cấp mới và tăng vốn, với 167,2 triệu USD, bằng 2,8 lần so với cùng kỳ 2014. Nguồn huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 1,7% so với thời điểm cuối năm 2014, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và các nhu cầu đầu tư khác. Dư nợ tín dụng có cải thiện, mức tăng đạt 1,8% trong khi cùng kỳ năm 2014 giảm tới 1,74%. Lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7% đối với ngắn hạn và 8,5-11% đối với trung và dài hạn.

Tính đến hết ngày 10/3/2015, toàn TP có 2.733 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 7,51% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 18.960 tỷ đồng, tăng 37,4%. Số doanh nghiệp giải thể bằng cùng kỳ năm 2014, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động giảm 6,46%.

Cùng với đó, việc thực hiện năm trật tự và văn minh đô thị tiếp tục được các cấp, các ngành đẩy mạnh. Thành phố đã tổ chức 3 đợt cao điểm tập trung đảm bảo trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Các điểm đen, nút giao thông có nguy cơ ùn tắc đã được rà soát, tổ chức lại đảm bảo không để xảy ra ùn tắc.

Trong quý I, tai nạn giao thông trên địa bàn giảm cả 3 tiêu chí, lần lượt là 17,1% số vụ; 3,1% số người chết và 3,9% số người bị thương. TP cũng đã tiến hành thanh thải đường dây, cáp đi nổi trên 14 tuyến phố; thanh thải 39km dây thông tin trên 113 cột chiếu sáng. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, TP đang tiếp tục tiến hành thanh thải trên 9 tuyến phố.

Để đẩy mạnh phát triển KTXH trên địa bàn Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nêu rõ: Một trong những nhiệm vụ quan trọng từ nay đến cuối năm là đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, phấn đấu hoàn thành trong tháng 9/2015; đảm bảo vốn đối ứng để triển khai các công trình có vốn đầu tư ODA, đặc biệt không được để nợ xây dựng cơ bản. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện Năm trật tự văn minh đô thị, trong đó chú trọng công tác thông tin tuyên truyền đến tận tổ dân phố để phổ biến, vận động nhân dân tích cực tham gia cũng như tiếp thu các ý kiến, cách làm sáng tạo, hiệu quả từ cơ sở.

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; chú trọng hoàn thiện, kiện toàn các đơn vị mới thành lập như Đại học Thủ đô, Sở Du lịch… Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền gắn với phong trào thi đua, các sự kiện lớn của Thủ đô và đất nước trong năm 2015. Cùng với đó, các cấp, các ngành tập trung khắc phục, giải quyết những vấn đề tồn tại, bức xúc kéo dài; những vấn đề còn chưa nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân…

Lan Hương