Hệ lụy từ thiếu chú trọng giáo dục đạo đức

Giáo dục - Ngày đăng : 06:19, 19/03/2015

LTS: Gần một tuần nay, cả không gian ảo và không gian thực dường như sôi sùng sục bởi liên tiếp xuất hiện những clip học sinh đánh nhau được đẩy lên mạng internet.

LTS: Gần một tuần nay, cả không gian ảo và không gian thực dường như sôi sùng sục bởi liên tiếp xuất hiện những clip học sinh (HS) đánh nhau được đẩy lên mạng internet. Những hình ảnh bạo lực học đường (BLHĐ) trở đi trở lại trong lòng người, gióng lên tiếng chuông cảnh báo về công tác giáo dục đạo đức cho HS. BLHĐ không còn là chuyện xích mích, đánh nhau thường tình của học trò, mà có nguy cơ trở thành mầm mống của những hiện tượng tiêu cực trong xã hội nếu không kịp thời có giải pháp hữu hiệu. Hànộimới giới thiệu loạt bài viết về nguyên nhân gây ra BLHĐ, giải pháp cốt lõi để giải quyết tận gốc tình trạng này.

Bài đầu: Hệ lụy từ thiếu chú trọng giáo dục đạo đức

Kết quả khảo sát tại một số tỉnh, thành phố của Văn phòng Chủ tịch nước về công tác giáo dục đạo đức vào cuối năm 2013 cho thấy, ở hầu hết địa phương, tỷ lệ HS được xếp loại hạnh kiểm tốt, khá chiếm trên 90%, số ít còn lại cũng đạt khoảng 85%. Nhưng thực tế cho thấy phía sau những con số nói trên là không ít vấn đề bởi tình trạng HS đánh nhau, cả ở nam và nữ giờ đang gia tăng ở mức đáng lo ngại.

Nghiện game online là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường. Ảnh: Như Ý


Nặng về dạy chữ

Từ tình trạng BLHĐ, dư luận xã hội chỉ trích nhà trường chú ý "dạy chữ" nhưng chưa chú ý "dạy người". Trong bốn trụ cột mà UNESCO khuyến cáo đối với giáo dục các nước trong thế kỷ XXI, Việt Nam mới chỉ làm được một nội dung là học để biết. Thực tế thì sao?

Nội dung chương trình, sách giáo khoa phổ thông nặng, nhiều kiến thức hàn lâm, ít gắn với cuộc sống thực tế là điều đã được các chuyên gia, nhà khoa học thẳng thắn chỉ ra từ khá lâu, ngành giáo dục thừa nhận và đang từng bước khắc phục. Việc coi trọng dạy HS kiến thức nhiều hơn là truyền đạt kỹ năng, rèn thói quen tích cực trong cuộc sống từng là hiện tượng khá phổ biến, nay đã có chiều hướng giảm, song chưa được là bao và khó bền vững. Lý do căn bản là đa số phụ huynh đều coi các môn văn hóa như toán, ngữ văn, ngoại ngữ… quan trọng hơn một vài môn học khác. Thực tế, có rất ít bậc phụ huynh tỏ ra tức giận khi con em mình bị điểm 5 môn thể dục hay âm nhạc, nhưng lại vô cùng lo lắng nếu con nhận điểm 6 ở môn toán.

Giáo dục đạo đức cho HS là nội dung được xác định vô cùng quan trọng trong mỗi nhà trường, song, ngoài việc được dạy lồng ghép với các môn học khác, hiện nay, việc giáo dục đạo đức hằng tuần chỉ trông chờ ở 1 tiết dạy môn đạo đức (với cấp tiểu học), hoặc giáo dục công dân (cấp THCS, THPT) và 1 tiết sinh hoạt lớp. Dù được xếp là một môn học chính thức trong chương trình giáo dục hiện hành, kết quả khảo sát của Văn phòng Chủ tịch nước cho thấy môn học này chưa được coi trọng. Có 39% số giáo viên được hỏi coi môn giáo dục công dân là môn phụ, 52% cho rằng môn học này chưa được quan tâm đúng mức.

Thời lượng chung của môn đạo đức/giáo dục công dân được quy định là 1 tiết/tuần ở cả ba cấp học, chiếm 4-5% tổng thời lượng của toàn chương trình giáo dục, tỷ lệ thấp nhất trong tất cả các môn học. Giáo viên dạy môn này đa phần là kiêm nhiệm. Đã vậy, ở các nhà trường vẫn còn tư tưởng học để thi, không thi không học. Trong khi đó, giáo dục công dân thì chưa khi nào có trong danh mục các môn thi.

Mới chỉ "chặt ngọn"?


Điều dễ thấy là cứ mỗi khi xảy ra BLHĐ, hầu hết các nhà trường, gia đình, xã hội, cơ quan truyền thông lại tập trung mổ xẻ nguyên nhân, tìm giải pháp cho vấn đề vốn đang gây lo ngại sâu sắc này. Thế nhưng, những sự việc tương tự vẫn tái diễn, thậm chí ngày càng gia tăng các vụ việc BLHĐ mang tính tập thể và có tính chất phức tạp hơn. Vấn đề đặt ra là phải xử lý như thế nào đối với các vụ BLHĐ để ngăn tái phạm?

Ngày 16-3, Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh đã công bố quyết định đình chỉ học tập một tuần đối với một số HS nữ tham gia đánh hội đồng một bạn nữ, sự việc đã được lan truyền trên mạng qua một đoạn clip đủ sức gây sốc cho những người xem. Theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT thì đó là mức kỷ luật cao nhất sau các mức nhắc nhở - phê bình - cảnh cáo. Đã có nhiều ý kiến tranh luận về điều này, người cho rằng đối với hành vi như vậy, cần phải đưa HS vi phạm vào trại giáo dưỡng, có ý kiến bày tỏ sự lo lắng bởi mức xử lý kỷ luật chưa đủ sức răn đe, khó ngăn HS tái phạm, cần đưa ra mức xử phạt nặng hơn. Về điều này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: Việc đưa ra mức xử phạt nghiêm khắc là cần thiết, song, mấu chốt của vấn đề là phải làm thế nào để những HS này nhận thức được rõ hành vi của mình làm là sai, và biết tự sửa chữa.

Nhiều trường hợp HS bị nhà trường đuổi học vì mắc sai phạm nghiêm trọng, nhưng cũng có trường vì không muốn làm ảnh hưởng đến thành tích chung nên gợi ý để những HS "có vấn đề" buộc phải làm đơn xin chuyển trường. Xét về lý, việc đình chỉ học không thời hạn đối với HS có sai phạm là không sai, nhưng về tình, rõ ràng, việc đẩy một HS ra khỏi môi trường giáo dục nhà trường là điều khó chấp nhận; thậm chí đã có ý kiến cho rằng điều đó còn tạo mầm mống cho những tiêu cực ngoài xã hội. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, tại Hà Nội, hơn 20 năm trước, có một nhà giáo, nguyên là Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội, đã khởi xướng thành lập một ngôi trường dành riêng cho HS "có cá tính". Đây là một ngôi trường không từ chối bất kỳ một HS nào, luôn sẵn sàng đón nhận tất cả những HS "có vấn đề" ở các trường khác chuyển về, với phương châm "làm tất cả để mỗi HS đều có tiến bộ, thành người khi ra trường". Cho đến nay, đây vẫn là một địa chỉ được nhiều phụ huynh tin tưởng trao gửi con em mình.

Rõ ràng, nếu không làm cho HS có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, biết nhận sai để tự điều chỉnh hành vi của mình trong các mối quan hệ thì có lẽ, việc áp dụng các hình thức xử phạt cũng chỉ là "chặt ngọn" mà thôi.

Thống Nhất