Ngăn chặn bạo lực học đường: Cần có giải pháp tổng thể
Giáo dục - Ngày đăng : 06:15, 19/03/2015
Bà Hoàng Thị Hoa, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng: Cần tìm rõ căn nguyên để xử lý triệt để
Chúng ta nghĩ gì khi trên một số chương trình truyền hình hiện nay (cả Việt Nam và nước ngoài) xuất hiện nhiều diễn viên, người mẫu nam, thậm chí cả MC nam đeo khuyên tai, khuyên mũi, tóc năm bảy màu và nhiều người đẹp xuất hiện với thân hình "bốc lửa" lại thiếu vải? Nghĩ gì khi trên một số tờ báo dày đặc các vụ án giết người, cướp của, hiếp dâm? Nghĩ gì khi nhiều cuốn truyện tranh sặc "mùi" đánh chém??? Có một thực tế là nhiều thiếu niên, học sinh hiện nay đang bị lệch chuẩn do tiếp cận quá nhiều với "phông" văn hóa như vậy. Đó là chưa kể một bộ phận phụ huynh phó mặc, đổ dồn trách nhiệm giáo dục cho nhà trường? Theo tôi, các nhà quản lý cần phải nhìn nhận khách quan, nhiều chiều để đưa ra được các giải pháp điều chỉnh tổng thể.
Chị Nguyễn Thùy Linh, phường Trung Liệt, quận Đống Đa: Xin đừng dừng lại ở việc lên án
Chỉ cần gõ dòng chữ "học sinh đánh nhau" trên mạng tìm kiếm Google, màn hình sẽ xuất hiện dày đặc các video clip, đặc biệt các clip quay học sinh nữ đánh nhau. Khi xuất hiện các clip này, dư luận thổi bùng sự kiện lên trong một thời gian ngắn sau đó lại lắng xuống và không được quan tâm, tìm giải pháp xử lý tận gốc. Tôi thấy nhiều người chỉ muốn biết danh tính của các em, bàn luận về mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau mà không mấy người suy nghĩ sâu xa vì sao hiện nay lại có nhiều hành động bạo lực như thế ở tuổi học trò. Phải chăng việc dạy và học đạo đức trong nhà trường đang có "vấn đề" hay do tác động của "thế giới mạng"? Với thực tế này, rất khó để quy trách nhiệm vì mối liên kết, phối hợp quản lý, giáo dục con trẻ giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương chưa thật sự chặt chẽ. Theo tôi, nếu chỉ đua nhau lên án mà không có hành động cần thiết để chung tay giải quyết thì sẽ khó có thể thay đổi được vấn nạn nhức nhối này.
Anh Nguyễn Văn Điện, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm: Tăng cường xử phạt các vi phạm hành chính
Hiện có một thực tế là nhiều bậc phụ huynh quá quan tâm đến việc kiếm tiền, không dành thời gian thích đáng cho việc quan tâm, dạy dỗ con cái. Bên cạnh đó, tỷ lệ ly hôn ngày càng cao kéo theo nhiều đứa trẻ không được quan tâm đầy đủ, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, trong khi sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường đến với các em rất lớn. Với những trường hợp này, ai là người bảo vệ, nâng đỡ các em? Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tham mưu để giúp Nhà nước ban hành, thực hiện các cơ chế, chính sách mang tính tổng thể về môi trường lao động, môi trường giáo dục và các cơ chế hỗ trợ xã hội khác. Với những học sinh cá biệt thì nhà trường, gia đình cũng phải phối hợp chặt chẽ để chung tay giáo dục. Các biện pháp xử lý hành chính cũng phải được tăng cường áp dụng để ngăn chặn sai phạm, làm gương cho các trường hợp khác.
Bà Nguyễn Thị Minh, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì: Phải có chế tài xử lý bệnh "vô cảm"?
Rất nhiều người xót xa, phẫn nộ khi xem video clip cảnh các em học sinh ẩu đả giữa chốn đông người, song như thế chưa đủ. Chúng ta chỉ lên án suông mà không có chế tài xử lý với những người tham gia đánh nhau và người quay clip liệu có hợp lý? Việc cả đám đông đứng quanh mà không ai can ngăn cũng là điều không thể chấp nhận nhưng không có chế tài nào xử lý hành vi "vô cảm" nên họ là nguời vô can? Trong những trường hợp ấy, phải chăng nội quy nhà trường, các quy định trong ngành giáo dục chưa "chạm", chưa điều chỉnh được hiện tượng này? Bạo lực học đường diễn ra trong thời gian qua đã làm tổn thương nhiều tâm hồn trong sáng, non nớt của học trò, làm méo mó, lệch lạc môi trường sư phạm… không lẽ các ban ngành chức năng vẫn bàng quan, không có giải pháp?