Giá xăng dầu tăng nhưng không gây sốc cho thị trường
Kinh tế - Ngày đăng : 15:34, 18/03/2015
Hơn nữa, mặc dù công thức, biên độ, thời gian điều chỉnh được quy định rõ trong Nghị định số 83/NĐ-CP nhưng khi điều hành xăng dầu, cơ quan quản lý vẫn tính toán đến lợi ích người tiêu dùng, đảm bảo không gây sốc cho thị trường.
Điển hình như việc, giá xăng dầu bán lẻ trong nước có thể tăng từ trong dịp Tết Nguyên đán (mùng 6 Tết, ngày 24/2), song nhằm tránh xáo trộn tâm lý người dân và thị trường, liên Bộ Công thương – Tài chính đã quyết định sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì thế, giá bán lẻ xăng dầu được giữ ổn định.
Theo đúng tính toán mức giá cơ sở, tại đợt điều chỉnh gần đây nhất, ngày 11/3/2015, giá xăng bán lẻ đã phải tăng tới 3.500 đồng/lít, tuy nhiên nhằm tránh “sốc” cho thị trường, cơ quan quản lý chỉ điều chỉnh tăng 1.600 đồng/lít đối với giá xăng, 900 đồng/lít đối với giá dầu. Mức giá cơ sở chênh so với giá bán còn lại, 1.900 đồng/lít liên Bộ đã tiếp tục xả Quỹ bình ổn giá để cân bằng.
Tính chung từ kỳ điều hành tháng 7/2014, sau 15 lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, trong đó 14 lần điều chỉnh giảm với tổng mức giảm khoảng 10.000 đồng/lít, tổng chung xu hướng giảm vẫn là chủ yếu với tổng mức giảm giá lớn. Điều đó khẳng định, giá xăng dầu đang trong xu hướng có lợi cho người tiêu dùng, đồng thời có những tác động tích cực vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống người dân.
Ông Võ Văn Quyền cũng cho biết, lạm phát và CPI tăng thường do chi phi đầu vào (chi phí đẩy) và cầu tăng khiến giá tăng. Xăng dầu là đầu vào của tiêu dùng, việc tăng hay giảm giá trực tiếp sẽ tác động tới giá tiêu dùng đầu cuối hoặc khâu trung gian. Vì vậy, giá xăng tăng chắc chắn có ảnh hưởng nhưng không thể nhìn vào sự điều chỉnh ngắn hạn qua 1-2 lần, mà phải nhìn cả quá trình điều hành của liên Bộ, cũng như chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian dài. Mặt khác, trong trường hợp cần thiết, nhà nước sẽ có những biện pháp để cân đối cung cầu, tránh tình trạng tăng giá tâm lý.