"Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân"
Sách - Ngày đăng : 13:41, 18/03/2015
Cuốn sách “Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân”. |
Cuốn sách “Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân” giúp bạn đọc tìm hiểu về cuộc sống đời thường của 15 vị tướng được thụ phong thời kỳ chiến tranh giải phóng. Những câu chuyện được kể thông qua người thân là những kỷ niệm không quên, ấn tượng sâu sắc, tình cảm thân thương.
Cuốn sách được tập trung khai thác sâu về thân thế, sự nghiệp, có điểm nhấn trong quá trình cống hiến của các tướng lĩnh, giúp người đọc thấy được vai trò lãnh đạo, chỉ huy và những công lao đóng góp của các vị tướng lĩnh Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Tư liệu về quá trình hoạt động cách mạng, công tác và trong cuộc sống đời thường của các vị tướng rất phong phú, sâu sắc.
Tại buổi giao lưu ra mắt sách có sự tham gia của nhiều người thân của 15 vị tướng đến để chia sẻ cùng bạn đọc. Bà Cao Bảo Vân, Viện phó Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, con gái Trung tướng Cao Văn Khánh xúc động kể: Lúc 3 tuổi tôi đã sơ tán khỏi Hà Nội, đến khi lên 5 tuổi thì được bố tôi lên thăm. Lúc bố con chia tay, tôi đã chạy theo ông để xin về cùng bố mẹ, nhưng bố tôi thì lại hét lên dặn mẹ không được quay đầu lại. Lúc đó, tôi đã rất đau khổ, nghĩ bố mẹ ruồng bỏ mình. Sau này, lớn lên, mới biết vì nhiệm vụ của đất nước, tôi mới không nhận được nhiều tình cảm từ bố của mình như bao đứa trẻ khác.
Còn với ông Trần Kiến Quốc - con trai của Thiếu tướng Trần Tử Bình cho biết dù bố mất cách đây gần 50 năm, nhưng ông vẫn mãi nhớ lời dặn dò của cha dành cho 8 người con của gia đình: “Chỉ có lao động sáng tạo mới là tự do chân chính”. Câu nói này của cha sau này được em trai tôi, là Trần Thành Công, giám đốc một công ty may lấy làm khẩu hiệu treo ở công ty cho hàng ngàn cán bộ, công nhân làm theo.