Giảm tải bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh: San sẻ gánh nặng từ tuyến dưới
Xã hội - Ngày đăng : 06:59, 18/03/2015
Cam kết không để bệnh nhân nằm ghép
Mới đây, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh về công tác giảm tải ở các bệnh viện trên địa bàn. Trong cuộc họp này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian qua nhiều bệnh nhân đã gửi hình ảnh, thông tin phải nằm dưới gậm giường để chữa bệnh tại các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh lên trang facebook của bộ trưởng. Trả lời về những phản ánh của bệnh nhân, Phó GĐ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng thừa nhận tình trạng quá tải tại các bệnh viện tại thành phố đã diễn ra trong nhiều năm và đang có xu hướng gia tăng. Quá tải lớn nhất thuộc về 2 bệnh viện chuyên khoa nhi là Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2. Trong năm 2014, mỗi bệnh viện nhi ở đây có hơn 1,8 triệu lượt khám, tương đương tiếp nhận 5.000 bệnh nhân mỗi ngày. Ngoài ra, các bệnh viện khác như Từ Dũ xấp xỉ 1 triệu lượt khám/năm, Hùng Vương có 800.000 lượt khám/năm. Với số lượng bệnh nhân quá lớn như trên, buộc các bệnh viện phải để bệnh nhân nằm ghép và thậm chí nằm cả ngoài hành lang.
Bệnh nhân phải nằm ghép ở Bệnh viện Chợ Rẫy. |
Năm 2015, có 10 bệnh viện đa khoa ở TP Hồ Chí Minh cam kết không để người bệnh nằm ghép. Hai bệnh viện thường xuyên có tình trạng quá tải là Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 đã cam kết không để bệnh nhi nằm ghép trong vòng 24 giờ. Một số bệnh viện chuyên khoa khác như: Nhiệt đới, Phạm Ngọc Thạch, Bình Dân, Truyền máu - Huyết học... cam kết không để người bệnh nằm ghép trong 48 giờ. Tuy nhiên, trong 10 bệnh viện cam kết với Bộ Y tế, chỉ có 2 bệnh viện nhi quá tải thực sự, 8 bệnh viện còn lại không nằm trong tốp báo động. Các bệnh viện nằm ở nhóm quá tải hàng đầu như: Chợ Rẫy, Ung bướu, và Chấn thương chỉnh hình lại không ký cam kết này. Tình trạng quá tải nội trú ở các bệnh viện trên đang dao động từ 140% đến 190% và có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nhiều bệnh viện chưa thể cam kết vì cần một lộ trình dài để giảm tải. Bệnh nhân ở tỉnh vẫn ồ ạt đến bệnh viện TP Hồ Chí Minh, chấp nhận điều trị trái tuyến, còn bệnh viện không thể từ chối khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.
Chú trọng giảm tải ở tuyến quận, huyện
Mặc dù TP Hồ Chí Minh hiện có 107 bệnh viện nhưng tình trạng quá tải vẫn xảy ra. Trong năm 2014, ngành y tế thành phố đã triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp để giảm tải gồm: Tăng thêm giường bệnh, xây thêm bệnh viện mới; phát triển bệnh viện tư nhân; phát huy năng lực bệnh viện quận, huyện chưa sử dụng hết công suất; phát triển mạng lưới khám chữa bệnh ban đầu ở trạm y tế; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho các tỉnh nhằm giảm chuyển tuyến về TP Hồ Chí Minh. Các phương án này dù đã phát huy một phần hiệu quả, song tình trạng giảm tải vẫn còn do lượng người đến khám, chữa bệnh quá đông.
Trong các giải pháp nêu trên, theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh thì giải pháp xây mới bệnh viện và phát triển bệnh viện vệ tinh chưa thể triển khai ngay vì cần thời gian và các thủ tục. Trước mắt, TP Hồ Chí Minh sẽ củng cố và phát huy năng lực khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến quận, huyện để giảm tải một phần.
Trong năm 2014, gần 20 bệnh viện tuyến quận, huyện của thành phố đã thu hút được người dân đến khám, chữa bệnh. Trong đó, điển hình có Bệnh viện quận Bình Thạnh. Trong quý IV-2014, Bệnh viện quận Bình Thạnh có 272.804 người đăng ký khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Số lượng khám BHYT tại tuyến quận này vượt hẳn số lượng bệnh nhân đến khám BHYT tại bệnh viện ở nhiều tỉnh trên cả nước và vượt qua cả số lượng khám BHYT của Bệnh viện trung ương Huế. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đây là dấu hiệu đáng mừng và nếu bệnh viện tuyến quận nào cũng làm được như Bệnh viện Bình Thạnh thì sẽ không còn tình trạng quá tải.
Từ điểm sáng của Bệnh viện Bình Thạnh cho thấy, nếu chúng ta tiếp tục phát huy được công tác khám chữa bệnh cho 23 bệnh viện tuyến quận, huyện còn lại của thành phố thì sẽ góp phần không nhỏ vào công tác giảm tải mang tính bền vững.