Học hàng ngày, qua mỗi bộ phim

Văn hóa - Ngày đăng : 06:41, 18/03/2015

(HNM) - Ngày 17-3, hội thảo làm phim

Nhà sản xuất phim Jon Kuyper.



Jon Kuyper là nhà sản xuất, giám sát cho khoảng 60 bộ phim, trong đó có những "bom tấn" như "Gatsby vĩ đại"; "The Hobbit", "Max Điên cuồng"... Có thể nói, ông sống trong lòng điện ảnh Hollywood - nền điện ảnh vẫn đang thống trị các phòng vé trên thế giới. Nhưng, chia sẻ ấn tượng nhất của Jon Kuyper là bản thân ông chưa từng được đào tạo bài bản về nghề làm phim. Ông từng ước mơ làm nhà văn, đã học triết học, văn học và đến với nghề làm phim bắt đầu như mọi người. Nghĩa là làm "chân chạy" ở trường quay, từ nhặt tàn thuốc lá, truyền lệnh đạo diễn tới trợ lý đạo diễn, quản lý... Ông khẳng định mình đã nhìn người đi trước để xem cách họ làm việc, học mỗi ngày khi tham gia làm phim và giờ đây ông vẫn tiếp tục học.

Chuyện tưởng cũ, nhưng chia sẻ của Jon Kuyber vẫn đáng được coi là bài học đầu tiên đối với những người làm điện ảnh trẻ ở Việt Nam. Rằng, làm phim không phải là thứ nghề chỉ cần "son phấn", một thứ lao động nhàn hạ, nhanh giàu, chóng nổi tiếng... Theo Jon Kuyper: Nghề làm phim liên quan tới văn học, nhạc, lịch sử, khoa học và các lĩnh vực khác mà ta nên học ở trường cũng như ở mọi nơi ta sống và làm việc, bởi lẽ sự hiểu biết đa dạng sẽ cho ta sức mạnh khi theo đuổi điện ảnh.

Một quan điểm có tính chất bao quát khác của nhà sản xuất dày dạn kinh nghiệm này là làm phim bằng những gì riêng có của mình, nhưng thông điệp chung cho mọi nền điện ảnh trên thế giới thì không có gì đáng giá hơn là những vấn đề liên quan đến con người.

Qua theo dõi một số phim độc lập của Việt Nam, nhà sản xuất phim Hollywood nhận xét: Hình ảnh đẹp, bối cảnh độc đáo và đặc biệt là âm nhạc tuyệt vời mà bản thân ông chưa từng được nghe. Có lẽ không cần phải nói thêm nhiều nữa, qua chia sẻ của Jon Kuyper, các nhà điện ảnh trẻ của Việt Nam nói chung, các nhà làm phim độc lập nói riêng đều tự nhận ra những giá trị nền tảng cho điện ảnh mà chúng ta đang sở hữu. Lợi thế không nhỏ, vấn đề là cách thức khai thác thế nào mà thôi.

Cùng với quan điểm chung về điện ảnh, nhà làm phim Mỹ không ngần ngại chia sẻ chuyện bếp núc của nghề sản xuất phim trong nền công nghệ điện ảnh hàng đầu thế giới. Trong đó, sự cân bằng giữa tính nghệ thuật và giá trị thương mại không phải là chuyện gây tranh cãi ở Việt Nam, chúng luôn là bài toán khó đối với nhà làm phim Hollywood. Ông cho rằng, làm phim là để kinh doanh, nhưng cũng không phải vì thế mà làm nô lệ cho yếu tố thương mại. Đôi khi, việc có sẵn tiền lại không thúc đẩy được sự sáng tạo. Những hạn chế về tiền nong nhiều khi đòi hỏi con người phải có những ý tưởng thay thế độc đáo, góp phần tạo nên thành công cho phim. Bởi lẽ "Kẻ thù của nghệ thuật là sự vắng mặt của những giới hạn", như ông nói.

Liên quan đến tiền, Jon Kuyper cũng cho rằng, bộ ba yếu tố liên quan đến ngân sách và tạo thành vòng tròn chặt chẽ, đó là: Có tiền để thuê diễn viên nổi tiếng; diễn viên sẽ chi phối phát hành; phát hành sẽ quyết định doanh thu. Như vậy, khi kinh phí hạn hẹp thì phải làm gì để không rơi vào vòng luẩn quẩn? Kể một câu chuyện thực tế từ việc làm phim độc lập của một bác sĩ - đạo diễn, nhà sản xuất phim cho biết: Có thể bắt đầu từ phim có nguồn kinh phí nhỏ, có ý tưởng độc đáo, gây tiếng vang, rồi từ đó thu hút sự hỗ trợ tiếp tục đầu tư cho phim lớn hơn.

Cùng với nhiều thông tin bổ ích nêu trên, Jon Kuyper cũng chia sẻ cụ thể về công việc làm giám sát cho những phim lớn, nào là bảo đảm nhịp độ thời gian, sự an toàn cho đoàn phim, rồi thương lượng bản quyền, bảo hiểm, lương cho diễn viên... Chắc chắn, với điện ảnh Việt Nam, đây cũng là những vấn đề khá mới mẻ nằm trong mong ước "chuyên nghiệp hóa" nền điện ảnh nước nhà.

Hải Giang