Bài cuối: Vướng trần lãi suất
Kinh tế - Ngày đăng : 06:50, 17/03/2015
Quy định trần lãi suất hiện chưa phản ánh sát quy luật cung - cầu của thị trường. Ảnh: Tuấn Nguyễn |
Không phù hợp, thiếu chặt chẽ
Trong thực tế thời gian qua, quy định lãi suất trên đã trở thành "rào cản" đối với các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Bởi theo quy luật thị trường, khi các ngân hàng phải huy động vốn với lãi suất cao thì bắt buộc phải ấn định lãi suất cho vay tương ứng. Do đó, nhiều trường hợp tổ chức tín dụng vẫn ấn định lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản cho phù hợp với lãi suất huy động. Cơ sở pháp lý được các đơn vị này vận dụng là Thông tư 01/2009/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành năm 2009 hướng dẫn về lãi suất thỏa thuận của tổ chức tín dụng đối với cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng. Sự nới lỏng này là một phần trong những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời phù hợp với tình hình được đông đảo ngân hàng, người dân, doanh nghiệp đồng tình. Nhưng quá trình thực hiện thì ngân hàng lại phấp phỏng lo, lỡ khách hàng vay không trả nợ được cố tình lật kèo kiện ngân hàng ra tòa thì khả năng hợp đồng tín dụng bị tòa án tuyên vô hiệu là rất lớn, sẽ gây rủi ro hoạt động và thiệt hại cho các tổ chức tín dụng. Lý do được đưa ra là, căn cứ Điều 476 của Bộ luật Dân sự thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại hình cho vay tương ứng. Thông tư do Ngân hàng Nhà nước ban hành không thể có giá trị pháp lý cao hơn luật…
Không chỉ quy định lãi suất không phù hợp, cách xác định mức lãi suất phạt quá hạn cũng chưa rõ ràng. Căn cứ Bộ luật Dân sự hiện hành, trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn, bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Việc này dẫn đến hai cách hiểu khác nhau: Một là, khi để nợ quá hạn thì bên nợ còn phải trả thêm lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Theo đó, lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất trong hạn cộng với lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Hai là, lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất nợ quá hạn tối đa mà tổ chức tín dụng được phép áp dụng đối với khách hàng vay là lãi suất cơ bản.
Quy định thiếu cụ thể này nếu cơ quan tố tụng áp dụng theo cách hiểu thứ hai thì Bộ luật Dân sự lại đang khuyến khích các khách hàng vay không trả nợ đúng hạn vì khi đó bên vay sẽ được gia hạn vay hợp pháp với mức lãi suất rất ưu đãi. Từ nguy cơ trên, rất nhiều luật sư, chuyên gia kinh tế đánh giá, quy định về lãi suất trong Bộ luật Dân sự đã thể hiện sự lỗi thời và gây khó khăn cho quá trình áp dụng ngoài thực tiễn, chưa phát huy được vai trò là đạo luật chung điều chỉnh các quan hệ tài sản trong giao lưu dân sự.
Nhiều vấn đề cần đóng góp
Tại cuộc tọa đàm về sửa đổi Bộ luật Dân sự gần đây, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, thành viên Ban soạn thảo dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi khẳng định, lắng nghe ý kiến dư luận, Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi quy định về lãi suất theo hướng: "Lãi suất trong hợp đồng vay do các bên thỏa thuận hoặc do luật định. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác". Ông Dương Đăng Huệ cho rằng, đề xuất này là một trong những công cụ để điều tiết nền kinh tế, đặc biệt đối với thị trường vốn, tiền tệ và các mục đích kinh tế - xã hội khác, sẽ góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm quy định của Bộ luật Dân sự về lãi suất trong hợp đồng vay có tính ổn định; khuyến khích bên vay thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ, bảo đảm sự tuân thủ và kỷ luật hợp đồng trong giao lưu dân sự.
Bên cạnh những vấn đề đời thường, gắn liền với quyền lợi của các tổ chức, cá nhân như báo Hànộimới phản ánh, còn rất nhiều nội dung khác trong Bộ luật Dân sự hiện hành cũng như Bộ luật Dân sự sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến cần điều chỉnh. Đơn cử, ngay trong dự thảo sửa đổi còn có nhiều khái niệm, thuật ngữ trừu tượng rất cần cơ quan soạn thảo giải thích cặn kẽ. Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa từng khẳng định: "Các nhà đầu tư nước ngoài rất sợ những khái niệm luật trừu tượng như "nguyên tắc cơ bản là vô hiệu". Rất nhiều lần nhà đầu tư nước ngoài thắc mắc với chúng tôi khái niệm nguyên tắc cơ bản là gì, nhưng không thể giải thích nổi cho họ vì chính những người làm luật cũng không định nghĩa được". Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, chị Lương Hồng Lý, ở phường Thành Công, quận Ba Đình, cũng có cùng quan điểm trên. Theo chị Lương Hồng Lý, một trong những mục tiêu của xây dựng luật là phải sử dụng những từ ngữ trong sáng, không gây nhiều cách hiểu khác nhau. Do đó, có nên dùng những từ "vật quyền, trái quyền" thay "tài sản và quyền sở hữu tài sản", "hành vi pháp lý dân sự" thay "giao dịch dân sự" hay không cũng là vấn đề được đặt ra…
Bộ luật Dân sự là một bộ luật lớn, quan trọng, điều chỉnh quan hệ dân sự liên quan trực tiếp tới người dân. Do vậy, việc tiếp nhận được càng nhiều ý kiến đóng góp xây dựng thì khi được thông qua, Bộ luật Dân sự sửa đổi mới thực sự đem lại hiệu quả tích cực, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc lấy ý kiến sao cho hiệu quả cũng là vấn đề cần quan tâm. Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, để bảo đảm hiệu quả của việc lấy ý kiến nhân dân, nên có một đội ngũ đã qua đào tạo biên soạn lại các câu hỏi trọng tâm để hỏi dân, dân có thể trả lời theo kiểu nên hay không nên; ngoài ra, nên dùng những từ ngữ hết sức dễ hiểu…