Những con đường nguy hiểm nhất thế giới
Du lịch - Ngày đăng : 11:35, 16/03/2015
Quốc lộ 5, Madagascar
Đường Quốc lộ 5 chạy theo hướng Bắc-Nam nối từ thị trấn Maroantsetra đến thị trấn Soanierana-Ivongo trên bờ biển phía đông của đất nước châu Phi. “Bạn cần phải thuê cả lái xe và thợ máy”, ông Anders Alm, Giám đốc kỹ thuật của một hãng lữ hành thường tổ chức tour ở khu vực này nói.
“Nếu bạn cảm thấy chán với con đường bê tông thì cung đường này sẽ giúp bạn thay đổi sở thích của mình”, ông nói thêm và mô tả con đường này là “tệ nhất trên thế giới”.
Với những đoạn toàn cát, hoặc toàn đá cứng hay thậm chí những cây cầu xuống cấp trầm trọng mà tài xế cần phải kiểm tra trước khi cho xe chạy qua, đi hết đoạn đường dài 200 cây số này phải mất đến 24 tiếng. Vào mùa mưa thì nó trở nên đặc biệt nguy hiểm khi nhiều nơi trên đường không thể nào đi được vì không được trải bê tông.
Còn điều ngược lại đó chính là phần lớn chiều dài Quốc lộ 5 chạy dọc đường bờ biển cát trắng của Madagascar với quang cảnh tuyệt đẹp của những hàng cọ và Ấn Độ Dương.
Đèo Rohtang, Ấn Độ
Rohtang có nghĩa đen là “đống xác chết”. Danh từ này bắt nguồn từ những vụ lở đất gây chết người thường xuyên xảy ra trên cung đường nằm ở độ cao 4000 mét ở phía đông dãy Himalaya. Còn điều nữa cần nói đến đó chính là thời tiết thất thường trong khu vực, trong đó có bão tuyết hay tuyết lở bất ngờ.
“Vào mỗi mùa tuyết, những người thợ bảo trì đường lại phải dùng thiết bị định vị toàn cầu để xác định vị trí con đường và đào tuyết ra”, ông Witold Chrab, một kỹ sư ở Washington đã từng lái xe trên con đèo này hồi năm 2011. Khi đã dọn sạch tuyết, con đèo này thường có thể đi được từ tháng 5 cho đến tháng 11 mặc dù tuyết rơi có thể khiến nó bị nghẽn vào bất cứ lúc nào.
Năm 2010, 300 du khách đã mắc kẹt trên con đường này. Một đoạn đường hầm dài 8km đang được xây dựng ở dưới con đèo để giúp hành khách an toàn hơn nhưng con đường chính vốn nối các thung lũng Kulu, Lahual và Spiti ở miền cực bắc Ấn Độ vẫn thu hút du khách với quang cảnh những ngọn núi trùng điệp, những thung lũng trải rộng nhiều màu sắc và thậm chí ngay cả hình ảnh của những con dê núi.
Đường Transfagarasan, Romania
Mặc dù nổi tiếng trong thế giới những người đam mê ô tô, cung đường dài 90km này với những khúc cua nhỏ và dốc lao xuống đột ngột ít được những tay lái bình thường biết tới. Là con đường cao thứ hai ở Romania, nó được xây dựng cho mục đích quân sự để phòng trường hợp đất nước bị xâm lược vào những năm 1970. Con đường này nối liền hai ngọn núi cao nhất trong dãy Nam Carpathians là Moldoveanu và Negoiu, độ cao lên đến 2,034 mét.
Cao tốc Eyre, Úc
Ông Carl Logan, một sỹ quan cảnh sát ở thành phố Perth, nói rằng cung đường trải dài 684 dặm ở phía nam nước Úc này nhìn thì có vẻ “chả có gì ấn tượng và thật nhàm chán” nhưng thực ra nó có rất nhiều điều cho những ai thích phiêu lưu khám phá – nhất là các động vật sinh sống quanh đó. “Bạn có thể thấy chuột túi, đà điểu hay thậm chí cả lạc đà”, ông nói. Các động vật hoang dã cũng khiến cho con đường này trở nên nguy hiểm hơn khi chúng đi ngang qua đường và sẽ gây tai nạn cho những xe đang chạy tới.
Thời gian nguy hiểm nhất trong ngày để lái xe trên đường cao tốc này là bình minh hay hoàng hôn khi hầu hết các động vật hoang dã băng qua đường. Tuy nhiên những ai chạy trên đường này vào ban đêm sẽ có những khoảng thời gian rất đáng nhớ: “Bầu trời ở đây là bầu trời có nhiều sao sáng nhất mà bạn từng thấy”, Logan nói.
Cao tốc Prithvi, Nepal
Chạy dài 174km từ Kathmandu đến Pokhara qua những điểm tham quan như Annapurna, đỉnh núi cao thứ 10 trên thế giới và khu bảo tồn thiên nhiên xung quanh núi, để chứng kiến quang cảnh ngoạn mục trên con đường này bạn phải trả một cái giá cao. Cao tốc Prithvi cũng đi qua những địa điểm tôn giáo quan trọng bậc nhất của Nepal như đền Manakamana.
Cao tốc Kolyma, Siberia
Người dân địa phương gọi cao tốc Kolyma là “Trassa” với ý nghĩa đơn giản là “con đường” bởi vì ở miền đông Siberia hoang vắng, giá lạnh này đây là con đường chính duy nhất.
Ngoài ra nó còn có biệt danh là “đường xương cốt” gợi nhớ lại lịch sử bi thảm của nó: nó được hàng trăm ngàn tù nhân chính trị bị đày đến trại cải tạo ở Siberia dưới thời của Stalin từ những năm 1930 cho đến 1950 làm. Hàng ngàn người đã bị bắn vì không làm việc chuyên cần, còn một số người khác bỏ mạng vì điều kiện sống khắc nghiệt ở các trại cải tạo. Mùa đông lạnh giá cũng là một nguyên nhân gây chết người với nhiệt độ xuống đến -70 độ C. Nhiều người chết được chôn phía dưới nền đường.
Vào năm 2008 nó trở thành đường liên bang và bắt đầu thu hút nhiều người đam mê xe gắn máy thích phiêu lưu. Ngày nay, con đường dài 2.013km này vẫn được gọi là “con đường lạnh giá nhất thế giới” với tuyết rơi trong khoảng từ tháng Bảy đến tháng Tám. Nó vẫn làn một trong những con đường hoang vu nhất.
Đường hầm Quách Lượng
Trong nhiều thập kỷ, cách duy nhất để đến làng Quách Lượng, ngôi làng nhỏ trên đỉnh núi, nằm ở núi Thái Hàng ở miền đông Trung Quốc đó chính là đi bộ. Sau khi chính quyền không chịu làm đường khiến cho ngôi làng trở thành một ngôi làng hoang vu thì người dân ở đây quyết định tự mình giải quyết vấn đề này. Từ năm 1972 cho đến năm 1977, họ đã dùng chất nổ và cuốc xẻng để đào đoạn đường dài 1,2km. Một số người đã bỏ mạng trong quá trình làm đường.
Làm đã nguy hiểm mà đi trên con đường hầm này cũng nguy hiểm. Nằm trên đỉnh vách núi chỉ rộng có 4 mét, đường hầm Quách Lượng đặc biệt nguy hiểm sau khi trời mưa nó rất trơn. Ba mươi “cửa sổ” được khoét trên mặt vách núi để hành khách nhìn ra ngoài và nó có cái nhìn đáng sợ xuống vực sâu phía dưới.