Sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định có thể bị phạt hơn 100 triệu đồng
Xã hội - Ngày đăng : 07:04, 16/03/2015
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tôi được biết ngành y tế cảnh báo về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ những mặt hàng bánh chưng có màu xanh đậm, giò chả nhiều hàn the và ô mai nhiều chất bảo quản. Có phải mức xử phạt cho những vi phạm này còn thấp nên không có tính răn đe, ngăn ngừa?
Bùi Nguyên Hòa (quận Hai Bà Trưng)
Trả lời:
- Theo Điều 6, Nghị định 178/ 2013/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, những vi phạm quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm sẽ có mức phạt như sau:
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng vượt quá giới hạn cho phép.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng đã quá thời hạn
sử dụng hoặc không có thời hạn
sử dụng.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng.
5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
6. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại.
7. Phạt tiền bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 6 điều này nếu mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt quy định tại Khoản 6 điều này thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm.
8. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 2 tháng đến 3 tháng đối với hành vi quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5 điều này;
b) Đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 3 tháng đến 6 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 6 điều này.
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5 và 6 điều này.
Với quy định nêu trên, mức phạt cao nhất có thể là hơn 100 triệu đồng và bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm.