Quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài: “Bóng mát dọc đường xa”
Văn hóa - Ngày đăng : 06:05, 15/03/2015
Được xem như một cuộc tập hợp, kết nối lớn của giới văn chương Việt với quốc tế, những sự kiện trên giống như "Bóng mát dọc đường xa" (tên gọi một tập phê bình của nhà thơ Vũ Quần Phương) mà chúng ta hướng tới...
1. Thông điệp từ Ai Cập
Một trong những gương mặt nhà văn, nhà lãnh đạo văn hóa - khách mời quốc tế đáng chú ý tại Hội nghị quảng bá văn học và Liên hoan thơ nói trên là ông Salmawy - Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập đồng thời là Chủ tịch Hội Nhà văn Á - Phi. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Sahmawy bày tỏ: "Mặc dù đây là lần thứ hai tới Việt Nam, song đất nước các bạn luôn có những điều thú vị khiến tôi cảm thấy vẫn mong muốn tìm hiểu, khám phá, nhất là về văn hóa, tâm hồn con người Việt Nam. Những con người thân thiện, những nếp nhà xưa cũ, những cửa hàng lưu niệm nhỏ, không khí thanh bình..., tất cả có ý nghĩa hơn nhiều việc chỉ ngồi trong những khách sạn hiện đại".
Du khách quốc tế xem các tác phẩm tại ngày Thơ Việt Nam. Ảnh: Viết Thành |
Tại khai mạc ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13, trên sân khấu chính tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), bằng cách giơ cao tượng vị thần thi ca của Ai Cập và thông qua câu chuyện báo mộng của vị thần này trong giấc mơ của mình, nhà văn - nhà ngoại giao Salmawy không chỉ mang đến cho Ngày thơ Việt Nam một không khí thân thiện, vui tươi, mà còn gửi một thông điệp sâu sắc về tình cảm của ông đối với Việt Nam cũng như giá trị văn hóa vĩnh hằng của thơ ca với nhân loại.
Văn thơ, xét cho cùng, đối với mọi quốc gia trên thế giới là tiếng nói tâm hồn và cầu nối văn hóa để các dân tộc sống hòa bình, hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau hơn. Quả thực, thay cho một bài phát biểu dài, nữ nhà thơ trẻ người Slovakia - Eva Mukova đã khiến những văn sĩ Việt không khỏi xúc động khi chị đọc hai bài thơ của Hồ Xuân Hương và một bài thơ của chính chị viết về Hồ Xuân Hương, đều bằng tiếng Việt. Nhà thơ Ấn Độ Biolab Majee thì nêu rõ: "Thơ ca sinh ra từ văn hóa, ngôn ngữ của một dân tộc. Chúng tôi về đây để giao lưu và tìm hiểu các nền văn hóa, văn học khác nhau với niềm tin thơ ca có quyền năng đặc biệt trong việc đánh thức tinh thần tốt đẹp nhất ở loài người".
2. Những chuyển động cho hành trình quảng bá văn học Việt Nam
Với ý nghĩa to lớn của những cuộc giao lưu văn học quốc tế trên, người dân Việt Nam cũng như văn sĩ nước nhà mong mỏi nhiều hơn vào những chuyển động trong quảng bá văn học Việt Nam, mong muốn hành trình cần thiết ấy sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn từ sau những sự kiện này. Và, những tín hiệu tích cực đầu tiên xuất hiện ngay sau đó. Sau khi khép lại hai sự kiện văn học quốc tế trên, dịch giả Thúy Toàn, Trung tâm Dịch thuật Hội Nhà văn Việt Nam vui mừng cho biết: Các dịch giả tiếng Nga của Việt Nam đã gặp các nhà thơ Nga để xúc tiến việc dịch 4 tên sách ra tiếng Nga, bao gồm "Nhật ký trong tù", "Tập thơ Việt Nam đương đại", "Tập truyện ngắn của các nữ nhà văn trẻ Việt Nam", "Nhật ký Đặng Thùy Trâm".
Với vai trò Chủ tịch Hội Nhà văn Á - Phi, nhà văn Salmawy cho biết: Hội tổ chức các hoạt động giao lưu quảng bá văn học trong khu vực định kỳ 6 tháng một lần nhằm tăng cường giao lưu văn xuôi, thơ ca giữa các nền văn học, và đặc biệt là trao đổi hợp tác xuất bản với các NXB lớn trên thế giới. Ông khẳng định, các nhà văn Á - Phi quan tâm tới các giai đoạn của nền văn học Việt Nam và mong muốn được giới thiệu rộng rãi chúng tại các hội nghị văn học của Hội Nhà văn Á - Phi.
Bên cạnh hoạt động của các tổ chức hội nhà văn khu vực, trung tâm dịch thuật... như nói ở trên, bản thân các nhà văn cũng có những cuộc tiếp xúc cá nhân nhằm giới thiệu văn học, quảng bá văn hóa giữa các quốc gia. Nhà thơ Ấn Độ Biblab Majee, sau khi tham dự Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ I năm 2012 tại Hà Nội, về nước đã viết nhiều bài báo về Việt Nam, xuất bản sách "Việt Nam - Một miền đất của thi ca" tại Ấn Độ. Nhà văn Hiệu Constant (Pháp) thì có cuộc tiếp xúc với NXB Văn học và các đối tác khác để xuất bản tác phẩm văn học của chị ở Việt Nam... Bên cạnh đó, tới đây, nhà văn trẻ Dili cũng sẽ xuất bản cuốn "The black diamond" bằng tiếng Hà Lan thông qua những nỗ lực cá nhân trước đó của mình. Cả Hiệu Constant và Dili đều là những nhà văn có thể tham gia vào lực lượng dịch giả, góp phần chuyển ngữ các tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng Pháp, tiếng Anh.
Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, như dịch giả Lê Bá Thự nói thì "Sự xuất hiện nhỏ giọt của các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và xuất bản trên thế giới chưa thể gọi là sự hiện diện của nền văn học Việt Nam". Và, đúng như nhà văn Dili bày tỏ, việc dịch văn học Việt Nam để xuất bản thương mại trên thế giới vẫn còn phải trải qua một chặng đường rất dài. Đó là khó khăn chung của nhiều nền văn học lớn trên thế giới chứ không riêng gì nước ta. Vì vậy, phải thừa nhận rằng, trước hết nên tập trung cho các hoạt động dịch thuật qua con đường ngoại giao, văn hóa để xác lập dần ý niệm về một nền văn học mang tên Việt Nam trước khi mong mỏi khắc họa rõ ràng gương mặt đáng tự hào ấy trên bản đồ văn học thế giới.