Bỏ qua định kiến

Văn hóa - Ngày đăng : 06:02, 15/03/2015

(HNM) - Gần đây, trong số những phim Việt Nam xuất hiện ở các Liên hoan phim quốc tế, giành giải và gây tiếng vang, đa số liên quan tới vấn đề "nóng" như đồng tính, ẩn ức tình dục... Mới nhất, phim "Lạc giới" của đạo diễn Phi Tiến Sơn được đạo diễn Lê Lâm (Pháp) giới thiệu thành công và chuẩn bị tham dự Liên hoan phim FICAT (Pháp) trong tháng 3 này.


Nhiều ý kiến cho rằng phim Việt muốn ra quốc tế thì phải chọn cách khai thác những đề tài "lạ" ở xã hội phương Đông, để đánh vào sự "tò mò" của giới nghệ thuật phương Tây khi những điều này đã thành quá nhàm chán ở xứ sở họ. Cứ xem "Bi, đừng sợ" trước đây đã gây ra những phản hồi trái chiều thế nào. Xem "Đập cánh giữa không trung" từng giành một loạt giải thưởng trong nước, quốc tế hồi cuối năm ngoái thì thấy ngay, là dù đã có những chỉnh sửa nhất định nhưng... vẫn rất khác lạ, mới mẻ so với không khí điện ảnh trong nước nói chung.

Vậy, nói thế có phải dòng phim có đề tài "nóng, lạ" như trên đã đi ngược với văn hóa truyền thống, thiếu tính dân tộc như khá nhiều băn khoăn, phản hồi gay gắt trên nhiều diễn đàn, hội thảo điện ảnh hay không?

Đến đây, mới nhớ có ý kiến cho rằng "Vì sao nền điện ảnh Nga lâu nay không thấy sủi tăm gì bỗng đoạt giải phim hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ III (11-2014)", rồi "Chủ tịch Hội đồng Giám khảo phim truyện dài của Liên hoan phim là người Nga nên phim Nga lên ngôi...". Mới nghe thì có vẻ rất có lý, nhưng những ai đã xem "Hai người phụ nữ" của Nga (phim giành giải tại liên hoan này) và so sánh nó với các phim cùng được đề cử, mới thấy khó mà loại phim Nga ra khỏi danh hiệu này. Một đại diện phê bình điện ảnh trẻ còn cho rằng, "Hai người phụ nữ" ẩn giấu trong đó bóng dáng một nền văn hóa Nga vĩ đại...

Lan man để thấy dường như trong điện ảnh còn khá nhiều định kiến gây cản trở người xem, người làm công tác phê bình. Cuộc sống đương đại có nhiều đổi thay, cho phép điện ảnh chạm đến tất cả ngóc ngách của nó. Điều quan trọng là tác phẩm cụ thể ấy có chuyển hóa được sâu sắc, nhuần nhuyễn hiện thực cuộc sống lên màn ảnh hay không mà thôi.

Vì thế, không việc gì phải sa lầy trong sự định kiến, cứ phim nào được làm tử tế, có tầm thì ta xem và ghi nhận. Còn "nóng" thế chứ "nóng" nữa mà xử lý "non", thiếu tính nhân văn thì chẳng nên để tâm làm gì.

Người Lái Đò