Hồi chuông cảnh tỉnh về nạn bạo lực học đường
Giáo dục - Ngày đăng : 05:57, 15/03/2015
Em Đỗ Thị Phương Anh (HS lớp 7A, Trường THCS Cát Quế B):
- Tuần trước, em thấy một bạn HS nữ bị ba bốn bạn nam, nữ khác xúm vào đánh và giật tóc ngay trước cổng một trường. Chúng em không dám vào can ngăn vì nhóm HS đó là "đầu gấu". Một số bạn còn ngang nhiên lôi điện thoại ra chụp ảnh, quay phim. Mãi đến khi chú bảo vệ ở trường chạy ra thì đám đông mới được giải tán. Lúc nhóm HS ấy đi rồi, chúng em mới dám lại gần để đưa bạn nữ bị đánh vào phòng y tế của trường. Em biết hành động không dám can ngăn của mình cũng giống như đồng lõa với nhóm bạn "đầu gấu". Những bạn HS nào rơi vào trường hợp này cũng rất sợ bởi nếu có hành động can ngăn, phản ứng thì người bị đánh tiếp theo chính là mình. Sự im lặng đó là một phần nguyên nhân khiến cho bạo lực học đường khó chấm dứt.
Em Đỗ Tiến Lợi (HS lớp 6A, Trường THCS Đoàn Kết):
- Em đã xem clip trên và bản thân cũng chứng kiến cảnh các bạn HS trong lớp đánh nhau vì những lý do vặt vãnh như "không cho chép bài", "không nhắc bài", thậm chí ganh tị vì bạn học giỏi hơn mình, được thầy cô khen ngợi… Sau mỗi vụ việc xảy ra, hầu hết các bạn tham gia đánh nhau chỉ bị hạ bậc hạnh kiểm, viết bản kiểm điểm hoặc mời phụ huynh. Nhưng với các bạn HS cá biệt thì các hình phạt trên chỉ là chuyện nhỏ, không có tính răn đe. Theo em, nhà trường và thầy cô cần có những biện pháp xử phạt mạnh hơn.
Cô Vũ Phương Hà (Phụ huynh HS, 15 Nguyễn Ngọc Vũ, Hà Nội):
- Sau khi xem những clip HS bị bạn đánh, tôi cảm thấy rất lo lắng. Ngày trước, chúng tôi đi học đều được thầy cô dạy dỗ phải luôn giúp đỡ, đùm bọc bạn bè. Những phong trào từ thiện "lá lành đùm lá rách", "đôi bạn cùng tiến", "quyên góp ủng hộ đưa bạn đến trường" được tổ chức ở tất cả các trường học. Còn ngày nay, môn học giáo dục công dân chưa được coi trọng xứng đáng, nhiều hoạt động từ thiện chỉ mang tính chất hình thức, không thể hiện rõ ý nghĩa lớn lao của việc này là dạy cho trẻ tình yêu thương con người, tình đoàn kết.
Số HS đánh bạn không chỉ có HS cá biệt, mà còn có cả bạn lớp trưởng, các bạn HS khá, giỏi như trong clip ở Trà Vinh mới đây. Đó chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho tình trạng giáo dục chạy theo thành tích, nhồi nhét kiến thức mà quên đi nhiệm vụ dạy làm người. Sự việc xảy ra ngay trong trường học, vậy mà thầy cô, nhà trường, đội ngũ bảo vệ không phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó là trách nhiệm của các bậc phụ huynh khi nhiều người chỉ mải mê chăm lo cho con về vật chất mà không dạy cho trẻ biết yêu thương, để trẻ bị ảnh hưởng bởi những thói hư tật xấu, hành động bạo lực.