Quảng bá Vịnh Hạ Long ở Đức
Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 05:53, 15/03/2015
Đạo diễn trẻ Ngọc Đức (giữa) cùng các cộng sự thực hiện cảnh quay của bộ phim. |
Chia sẻ về ý tưởng sản xuất bộ phim tư liệu dài khoảng 80 phút này, Ngọc Đức kể: "Tôi có nhiều người bạn ở Đức đến Việt Nam du lịch. Khi đến tham quan Vịnh Hạ Long, họ thắc mắc nhiều và muốn tìm hiểu về cuộc sống sinh hoạt của người dân vạn chài. Tuy nhiên đến năm 2012 khi về thăm Hạ Long thời gian dài, tôi mới có ý tưởng cho ra đời một bộ phim tư liệu về cuộc sống của người dân nơi đây để giới thiệu trên sóng truyền hình của Đức". Để hoàn thành bộ phim tài liệu không lời thoại, Ngọc Đức cùng các cộng sự phải mất khoảng hai năm. Trong đó một năm quay và một năm làm hậu kỳ. Địa điểm quay là làng chài ở phường Hà Phong, TP Hạ Long, khu bảo tồn làng nổi Vịnh Hạ Long, bến tàu du lịch Hạ Long… Ngọc Đức cho biết, khó khăn khi thực hiện bộ phim này là việc "đeo bám" nhân vật. "Là phim tư liệu, không có lời thuyết minh nên tất cả cảnh quay phải để nhân vật tự nói lên ý kiến của mình. Vì thế, tôi phải ăn cùng, ở cùng, sống cùng để theo sát từng thay đổi trong cuộc sống của họ. Những thay đổi đó đều được ống kính máy quay ghi lại. Tuy nhiên có những ngày chả ghi được cảnh nào!" - anh kể.
Là người Việt Nam sống xa Tổ quốc nhiều năm, Ngọc Đức muốn tái hiện cuộc sống của những người dân làng chài cùng với hình ảnh Vịnh Hạ Long - một Kỳ quan thiên thiên thế giới mới của Việt Nam - để giới thiệu với người xem ở Đức cũng như thế giới. Thông qua bộ phim tư liệu này, anh muốn bạn bè quốc tế hiểu hơn về văn hóa và cuộc sống đặc trưng của con người nơi đây. Một trong những thông điệp của bộ phim là nói lên khát vọng thay đổi cuộc sống của người dân làng nổi. Và ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi chính quyền địa phương hỗ trợ các hộ dân trong việc xây dựng khu tái định cư trên đất liền. Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 là cái Tết đầu tiên của bà con vạn chài trên đất liền sau nhiều năm lênh đênh trên nước. Vì thế, anh phải có mặt ở đó suốt những ngày Tết để ghi lại những thay đổi trong cuộc sống nơi đây.
Sinh ra ở Đông Anh (Hà Nội), Ngọc Đức sang Đức từ khi anh mới 5 tuổi theo diện đoàn tụ gia đình. Thời gian học phổ thông ở Berlin, cậu bé đã chứng kiến nhiều cảnh éo le của các gia đình người nước ngoài, trong đó nhiều gia đình người Việt Nam gặp không ít khó khăn về thủ tục giấy tờ hợp pháp để được ở lại nước Đức. Những hình ảnh đó đã in sâu vào tâm trí để rồi đến năm thứ hai của đại học, Ngọc Đức đã âm thầm viết kịch bản và tự mình đi tìm diễn viên thể hiện nhân vật trong phim. Bộ phim đầu tay mang tên "Mất gốc" đã được Trường Đại học Bauhaus - nơi anh đang theo học - gửi tham gia Liên hoan phim trẻ "Max Ophüls Preis 2014" tại Đức và được Ban tổ chức chọn để trình chiếu cho khán giả xem.
Tháng 4 năm ngoái Ngọc Đức về Việt Nam tham dự chuyến đi thực tế Trường Sa do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức. Anh tâm sự: "Sống xa quê nhiều năm, chuyến đi Trường Sa đó thật ý nghĩa. Tôi chỉ tiếc rằng mình không chuẩn bị trước để thực hiện một bộ phim tư liệu về Trường Sa. Mong muốn của tôi là sau này sẽ có dịp trở lại Trường Sa để thực hiện một bộ phim về Trường Sa để giới thiệu với bạn bè thế giới về chủ quyền quần đảo thiêng liêng này của Tổ quốc".