Chúng tôi muốn phát triển làng nghề nhưng nhiều việc không thể "tự thân vận động"
Xã hội - Ngày đăng : 05:34, 15/03/2015
Bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội là yêu cầu, nhiệm vụ tất yếu trong công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm ổn định và nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên thực hiện mục tiêu trên là không đơn giản. Để làm rõ vấn đề này, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi cùng Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Ông Lê Văn Cảnh. |
Sự tồn tại của từng nghề là do thị trường quyết định
- Thưa ông, huyện Thanh Oai còn được biết đến như là vùng đất của nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc, trong đó có xã Thanh Thùy. Ông có thể cho biết rõ hơn về vai trò của các nghề truyền thống trong phát triển kinh tế ở địa phương?
- Từ năm 2003, 6/6 thôn của xã Thanh Thùy đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Cụ thể có 5 làng nghề cơ khí gồm Rùa Thượng, Rùa Hạ, Từ Am, Gia Vĩnh, Dụ Tiền và làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Dư Dụ. Hiện có 1.820 hộ gia đình tham gia làm hai nghề truyền thống, chiếm 85% tổng số hộ của toàn xã; có 215 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề trên địa bàn với số lượng lao động từ 10 đến 40 công nhân. Tổng số lao động toàn xã là 3.850 người, trong đó lao động đã qua đào tạo chiếm 40%.
Tổng giá trị sản xuất năm 2014 của Thanh Thùy ước đạt trên 190 tỷ đồng, trong đó tính theo cơ cấu kinh tế thì tiểu thủ công nghiệp chiếm trên 62%, giá trị sản xuất nông nghiệp hiện chỉ chiếm 15%. Với các nghề truyền thống, mô hình sản xuất kinh tế hộ ở Thanh Thùy đã tận dụng được tối đa lực lượng lao động. Người già, hết tuổi lao động nhưng vẫn có thể vừa làm nghề vừa truyền nghề cho con cháu. Các cháu học sinh đi học về có thể tham gia những việc vừa sức mình. Ngay cả con em trong xã đi học xa, những kỳ nghỉ hè cũng có thể về làng tranh thủ làm thêm để kiếm tiền ăn học, đỡ đần cho bố mẹ. Thu nhập bình quân đầu người của địa phương chúng tôi năm trước đạt 27 triệu đồng/năm.
- Vừa qua, ở nhiều nơi việc được công nhận là làng nghề truyền thống dường như quá dễ dãi. Điều đó dẫn đến một số làng nghề tồn tại lay lắt, “bỏ thì thương, vương thì tội”…
- Tôi cho rằng, sự tồn tại của từng nghề là do thị trường quyết định. Khi có nhu cầu thì chắc chắn có nguồn cung. Người dân muốn giữ nghề, dù là nghề truyền thống ông cha để lại, nhưng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được thì cũng khó tồn tại với nghề. Ví dụ ở Thanh Thùy, cùng với nghề cơ khí và điêu khắc đã tồn tại ít nhất trong hơn 100 năm qua còn có nghề làm trống ở thôn Gia Vĩnh, tuy nhiên đã mai một nhiều theo thời gian, hiện chỉ còn 4 hộ duy trì nghề này. Trong khi đó, lấy ví dụ như nghề cơ khí, chưa nói tới các doanh nghiệp làm ăn lớn, những hộ sản xuất lớn có vốn đầu tư mua máy móc, xây nhà xưởng cỡ vài chục tỷ đồng là không hiếm ở Thanh Thùy.
- Kể cũng lạ, trong khi nhiều doanh nghiệp cơ khí lớn của Việt Nam giờ này còn rất khó khăn để tồn tại, mà nghề cơ khí thủ công lại có thể duy trì và phát triển ở Thanh Thùy?
- Sản phẩm cơ khí địa phương chúng tôi làm ra rất phong phú, từ thứ nhỏ nhất là cái đinh mũ, đinh tôn, ốc vít… những sản phẩm đơn giản như bản lề, long đen, cờ lê... cho đến các sản phẩm phức tạp, mang tính thẩm mỹ cao như ổ khóa, tay nắm cửa, thiết bị nhà tắm, nhà vệ sinh... Thợ cơ khí của Thanh Thùy còn có thể thực hiện nhiều sản phẩm, chi tiết phục vụ các ngành công nghiệp tính chính xác và chất lượng cao như điện tử, xây dựng, lắp ráp xe máy… Ví dụ có hãng xe gắn máy sản xuất ở Việt Nam, hơn một chục chi tiết như nan hoa, tay phanh, cần phanh, chân chống, giỏ đèo hàng... được đặt hàng sản xuất tại Thanh Thùy. Tuy các hộ gia đình là lực lượng sản xuất chủ yếu của địa phương nhưng hiện các hộ làm nghề cũng đã chuyển hướng, chú trọng đầu tư mua sắm máy móc hiện đại, thực hiện việc sản xuất chuyên môn hóa theo đơn đặt hàng, giúp cho năng suất lao động ngày một nâng cao. Cách đây hai tháng, đã có những sản phẩm, linh kiện của Thanh Thùy xuất khẩu ra nước ngoài. Còn sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ tinh xảo của địa phương nếu như trước đây chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước thì gần đây chủ yếu xuất khẩu sang các nước ASEAN. Đó là tín hiệu đáng mừng đối với chúng tôi.
Không thể chỉ trông chờ vào “bầu sữa mẹ”
- Hầu hết các địa phương đều thấy được vai trò của làng nghề đối với việc phát triển kinh tế, xã hội, tuy nhiên việc hỗ trợ các làng nghề tháo gỡ những khó khăn, bất cập còn rất hạn chế. Ông nghĩ như thế nào về nhận xét đó?
- Thú thật rằng, có nhiều vấn đề không phải chúng tôi không nghĩ đến, song “lực bất tòng tâm”. Nói cách khác, cần ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời để hỗ trợ làng nghề phát triển.
- Hiện Trung ương và thành phố đều đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho các làng nghề đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, điển hình như việc hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, xây dựng các điểm công nghiệp tập trung, hỗ trợ thực hiện các dự án bảo vệ môi trường… Ở Thanh Thùy, cụ thể các vấn đề nêu trên như thế nào?
- Hiện mỗi năm ở Thanh Thùy có 2 - 3 lớp đào tạo nhân cấy nghề cho khoảng 100 lượt người dân với nguồn kinh phí được huyện hỗ trợ. Điểm công nghiệp cho làng nghề cơ khí cũng đã được đầu tư xây dựng với diện tích khoảng 4ha, hiện đã được lấp đầy cho người dân thuê và sản xuất rất hiệu quả với khoảng trên 40 hộ. Đặc biệt, thành phố đã triển khai một dự án do Canada tài trợ tại Thanh Thùy để tuyên truyền, vận động, nhằm làm thay đổi nhận thức của người dân về môi trường làng nghề đồng thời triển khai các lớp tập huấn giúp cho các hộ dân phát triển kỹ năng sản xuất, kinh doanh và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Với sự hỗ trợ từ dự án, UBND xã Thanh Thùy cùng nhân dân đã xây dựng được Quy ước bảo vệ môi trường làng nghề. Qua đó, nhiều hộ mua sắm thêm máy móc, phương tiện, khắc phục ô nhiễm và nâng cao chất lượng sản xuất. Tính vượt trội của dự án này là có sự tham gia đóng góp tích cực của cộng đồng nhằm hướng đến mục tiêu sản xuất an toàn, phát triển và bền vững lâu dài.
Đặc biệt, tháng 12 năm trước UBND thành phố đã có quyết định chuẩn bị đầu tư trạm xử lý nước thải tại các thôn Rùa Thượng và Rùa Hạ với diện tích trên 2.000m2; đồng thời dự kiến trong năm nay sẽ triển khai dự án đầu tư 1,3 tỷ đồng để phát triển du lịch gắn với làng nghề điêu khắc Dư Dụ…
- Như vậy, cũng như ở một số nơi, sự quan tâm đầu tư của các cấp cho phát triển làng nghề của Thanh Thùy là rất lớn. Vấn đề là các địa phương và người dân phải nỗ lực vào cuộc, không thể chỉ trông chờ vào “bầu sữa mẹ”, vào nguồn kinh phí từ trên “rót” xuống?
- Đúng là như vậy nhưng có những việc chúng tôi không thể “tự thân vận động”. Tôi lấy thí dụ, như đã nêu ở trên, hiện điểm công nghiệp cho làng nghề cơ khí ở Thanh Thùy chỉ đủ sức chứa hơn 40 hộ sản xuất, kinh doanh, trong khi đó theo thống kê của xã thì có 215 doanh nghiệp, chủ sản xuất có đăng ký mã số kinh doanh. Như vậy, còn hơn 4/5 số doanh nghiệp, chủ sản xuất phải làm nghề ngay tại gia đình, tại địa bàn dân cư. Điều đó dẫn đến tiếng ồn, ô nhiễm không khí ngày càng lớn. Nhưng nguy hại hơn là việc nước thải chưa qua xử lý, xả thẳng ra hệ thống mương, rãnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt vì phần lớn người dân địa phương vẫn dùng nước giếng khoan. Một số doanh nghiệp, chủ sản xuất cũng ý thức được vấn đề này, song để tự xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn thì thực sự vượt quá khả năng của họ. Vậy nên, khi các hộ làng nghề càng mở rộng sản xuất thì lo ngại của chúng tôi càng lớn khi hằng ngày phải giải quyết những kiến nghị của bà con liên quan đến nước thải, tiếng ồn… Xã đã có chủ trương mở rộng hoặc xây dựng mới các cụm công nghiệp để di dời việc kinh doanh, sản xuất ra khỏi địa bàn dân cư nhưng quá trình triển khai còn nhiều khó khăn do thiếu mặt bằng hoặc chờ phê duyệt quy hoạch…
Một ví dụ khác là về nguồn vốn vay, hiện đang có 7 chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó có hai chương trình liên quan đến làng nghề là cho vay giải quyết việc làm và cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, song nguồn vốn rất eo hẹp, thời gian được vay quá ngắn nên bà con không mặn mà. Nói là có chương trình tín dụng ưu đãi phát triển làng nghề nhưng hiệu quả trên thực tế là rất thấp. Điều đó cần nhanh chóng có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Thách thức mới mở ra cơ hội mới
- Có ý kiến cho rằng, hiện hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của các làng nghề đều có nhận thức hạn chế về công tác bảo vệ môi trường, không tuân thủ các quy định, luật pháp về bảo vệ môi trường. Ông suy nghĩ như thế nào về nhận định này?
- Tôi cho rằng, chúng ta đã qua giai đoạn phát triển “nóng”. Trước đây người ta sẵn sàng đánh đổi chất lượng cuộc sống để có thể cầm cự và tồn tại. Nhưng hiện nay, người ta không chỉ mong muốn làng nghề phát triển mà còn mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống. Cực chẳng đã họ phải chịu cảnh người già, con trẻ sống trong môi trường ô nhiễm về không khí, tiếng ồn, nguồn nước sinh hoạt không bảo đảm an toàn… Có thể nói, ở thời điểm này, hầu hết các hộ dân làng nghề ở Thanh Thùy đều mong muốn được thuê đất tại điểm công nghiệp để có thể sản xuất, kinh doanh tập trung độc lập với địa bàn dân cư, đồng thời có đầy đủ các điều kiện xử lý để bảo vệ môi trường.
- Hiện nay nguồn lực của chúng ta chưa phải dồi dào, nếu không muốn nói là còn rất hạn chế. Ông có hiến kế gì để có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các làng nghề?
- Theo tôi cần có cơ chế, chính sách để tập trung, thu hút các nguồn lực, đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các làng nghề, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tương tự như xây dựng nông thôn mới, các dự án phát triển làng nghề phải lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Họ chính là người được thụ hưởng các thành quả trong phát triển làng nghề đồng thời có nghĩa vụ đóng góp, xây dựng để làng nghề bảo tồn và phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng một mô hình chuẩn về quản lý môi trường ở các làng nghề nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
- Nhiều làng nghề hiện đang rất khó khăn trong việc tìm “đầu ra” cho sản phẩm, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế của chúng ta cũng như các nước trong khu vực và thế giới phục hồi chậm. Điều đó có khiến ông lo lắng cho việc bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống của Thanh Thùy?
- Trong “thế giới phẳng” với mức độ hội nhập sâu rộng như hiện nay, xu thế phát triển chung có ảnh hưởng trực tiếp tới từng làng nghề, không riêng đối với Thanh Thùy. Tuy nhiên vấn đề gì cũng có hai mặt, đã là thách thức thì bao giờ cũng mở ra cơ hội và ngược lại. Đó cũng chính là điều kiện để các nghề truyền thống của Thanh Thùy vận động, tìm tòi ra hướng đi, cách thức mới phù hợp với xu hướng và nhu cầu của thị trường. Lợi thế nữa của chúng tôi là tạo ra lợi nhuận chủ yếu từ lao động sản xuất chứ không phải từ kinh doanh, buôn bán. Do đó nếu có sự đầu tư tốt, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, chịu khó đổi mới cải tiến mẫu mã, năng động tìm kiếm bạn hàng… thì chắc chắn sẽ duy trì được mức độ ổn định và phát triển.
- Cảm ơn ông đã thẳng thắn trao đổi về những nội dung nêu trên!