Phúc thần ba đời tiếp nối
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:12, 15/03/2015
Tể tướng Quý Đức, thiên hạ hưu tức
Người dân vùng Từ Liêm ngoại thành Hà Nội vẫn còn truyền tụng câu: "Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh Cót" để chỉ những làng của vùng Từ Liêm cũ có nhiều người hiển đạt và nổi tiếng. Xếp hàng đầu là làng Thiên Mỗ (nay là phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm), vì có gia đình danh nhân Nguyễn Quý Đức. Nguyễn Quý Đức và con trai cả là Nguyễn Quý Ân đều đỗ Tiến sĩ, cháu nội là Nguyễn Quý Kính đỗ Hương cống, ba đời đều giữ chức vụ trọng yếu trong triều đình, khi mất đều được phong làm phúc thần, được người dân lập đền thờ coi là thành hoàng làng. Đền thờ ngày nay vẫn còn ở Đại Mỗ đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa.
Hàng cây di sản trước nhà thờ họ Nguyễn Quý, xóm Đình, Đại Mỗ. |
Nguyễn Quý Đức là đời thứ 5 của dòng họ khoa bảng Nguyễn Quý thuộc làng Mỗ xưa. Ông sinh năm 1648, mất năm 1720, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, nhanh nhẹn, ứng khẩu linh hoạt, danh tiếng vang khắp vùng. Sự nghiệp học hành đỗ đạt của ông bắt đầu từ khá sớm, 16 tuổi đã đỗ Hương cống, 23 tuổi vào ban Thị nội văn chương, 29 tuổi đỗ Đình nguyên Thám hoa. Khoa này không chấm đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn nên chỉ mình ông đứng tên trong bảng Tam khôi.
Là người đỗ đạt cao, kiến thức uyên bác, Nguyễn Quý Đức được bổ nhiệm làm Thiêm đô ngự sử, làm chánh sứ sang Trung Quốc (1690), rồi làm Tả thị lang Bộ Lại. Khoảng năm Chính Hòa thứ 18 (1697), ông được đề cử cùng Lê Hy Toản xem xét và sửa bộ sử cũ, rồi viết tiếp bộ "Đại Việt sử ký bản tục biên", bao gồm lịch sử 13 năm từ đời vua Lê Huyền Tông (1663-1671) đến đời vua Lê Gia Tông (1672-1675). Bộ sử của ông biên soạn ghi chép rành mạch và có những lời bàn xác đáng.
Bàn về ông, Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương viết: "Ông là người khoan hậu trầm tĩnh. Ngày thường, thù tiếp ai thì dễ dàng vui vẻ. Khi bàn luận trước mặt chúa, việc gì chưa thỏa đáng, ông có giữ ý kiến mình, bàn đến ba, bốn lần không ai ngăn được. Ông làm văn không cần trau chuốt mà ý sâu. Triều đình có chế tác gì lớn phần lớn do tay ông thảo. Ông làm tể tướng 10 năm, về chính sự chuộng khoan hậu, đám hậu tiến phần nhiều do ông cất nhắc. Việc sửa sang hậu cung, dựng bia tiến sĩ đều mình ông trông coi cho đến lúc xong. Bàn đến ông thì ai cũng khen".
42 năm làm quan trong đó có đến 10 năm làm tể tướng, ông là một vị quan thanh liêm, công bằng, trung thực, trọng tài đức và biết chăm lo cho cuộc sống người dân. Cuộc đời làm quan của ông đã để lại dấu ấn không nhỏ trong công cuộc trị quốc an dân, được người dân ca ngợi: Tể tướng Quý Đức, thiên hạ hưu tức (Tể tướng Quý Đức, thiên hạ yên vui).
Ngày nay, khi đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám - biểu tượng của hiền tài, nguyên khí quốc gia, những người con dòng họ Nguyễn Quý đều không giấu nổi cảm xúc tự hào vì chính tổ tiên họ đã có công lớn trong việc trùng tu, tôn tạo di tích đặc biệt này. Sinh thời, Nguyễn Quý Đức có trọn 10 năm trực tiếp quản lý Quốc Tử Giám, tham gia giảng dạy, đào tạo nhân tài, chỉ đạo việc chọn lựa người dạy và học, đích thân xuống nhiều trấn xem xét việc tuyển sinh. Bấy giờ triều vua Lê chúa Trịnh đã qua 60 năm với 20 khoa thi mà chưa có bia tiến sĩ để ghi danh trong Văn Miếu. Nguyễn Quý Đức làm sớ xin trùng tu lại Quốc Tử Giám. Sau hai năm, Quốc Tử Giám được sửa sang lại khang trang hơn: 21 bia tiến sĩ được lập và đặt tại Văn Miếu. Ngoài việc này, ông còn lo trùng tu, xây dựng thêm điện Đại Thành và hai bên tả vu, hữu vu, trang trí cho nhà Thái học. Số tiền vua ban ít ỏi, ông kêu gọi bạn bè đồng môn, họ hàng và nhân dân đóng góp, bản thân gia đình mình cũng dốc sức hết lòng lo cho đủ, góp phần không nhỏ để hậu thế có một Văn Miếu - Quốc Tử Giám trang nghiêm, bề thế như hôm nay.
Năm 72 tuổi, sau ba lần dâng sớ xin về nghỉ tại quê nhà, làng Đại Mỗ, Từ Liêm cũ ông mới được vua ân chuẩn. Hàng ngày ông dạo chơi quanh vùng, có khi vác cuốc xuống đồng cùng nông dân, khi lại cùng các bạn văn chương cùng nhau xướng họa. Ông đã dành 10 mẫu ruộng được triều đình ban để tặng dân làng và trích ra 4 mẫu lập chợ Khánh Nguyên, tức chợ Mỗ ngày nay, thu hút người tứ xứ đến mua bán. Ông cũng công đức tiền và đứng ra xây dựng cầu Thiên Khánh (dân gian thường gọi là cầu Đôi) bắc qua sông Nhuệ và cho đắp rộng con đường từ cầu Đôi đến làng Cót, để dân vùng Mỗ lên Kinh thành Thăng Long được thuận tiện hơn… Ông còn công đức tiền xây dựng lại ngôi chùa cổ Trùng Quang Tự, tương truyền do Thái úy Lý Thường Kiệt xây dựng từ thời nhà Lý, đến nay chùa vẫn giữ nguyên được nét kiến trúc thời Lê, đẹp đẽ, nép mình dưới những tán cổ thụ. Chùa cũng đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử, hiện trên chuông đồng và khánh đá còn khắc bài minh do Nguyễn Quý Đức soạn.
Ngày 14 tháng 5 năm Canh Tý (1720) ông mất, thọ 73 tuổi, được tặng Thái tể truy phong Đại vương và dân xã thờ làm Phúc thần. Hiện trong nhà thờ ông tại xóm Đình, Đại Mỗ còn lưu lại bức vẽ Nguyễn Quý Đức dáng người cao lớn, hiền hậu nhưng y phục như một người dân thôn quê bình dị, không đội mũ cánh chuồn. Trong bức vẽ còn thấy rõ áo chầu của ông vắt ở bên cạnh, như ngụ ý ông đã về với quê nhà, quan trường và vinh hoa đã gác sang một bên… Ngày nay, một con phố lớn thuộc quận Thanh Xuân đã được mang tên ông.
Vang danh dòng họ "Tam Đại vương"
Nhà thờ họ Nguyễn Quý tọa lạc giữa làng, trước là hồ bán nguyệt, có bốn cây muỗm già quanh năm xanh tốt, cứ đến mùa xuân khi con cháu tề tựu đông đủ, cây lại trổ hoa trắng xóa, thơm ngát một vùng. Bốn cây muỗm này được trồng ở bốn góc hồ ngay từ khi xây dựng nhà thờ, thân cây người lớn ôm không xuể, đã qua hàng trăm năm vẫn vững chãi, tỏa bóng mát như công đức của tổ tiên che chở cho con cháu Nguyễn Quý và dân làng Mỗ. Năm 2013, nhân kỷ niệm 293 năm ngày mất danh nhân Nguyễn Quý Đức, cả bốn cây cổ thụ này được công nhận là "Cây Di sản Việt Nam", trở thành tài sản quý của quốc gia trong số 500 cây quý hiếm, có giá trị lịch sử, văn hóa mà Hội Bảo vệ tài nguyên & môi trường Việt Nam lựa chọn, lập hồ sơ gìn giữ.
Nhà thờ danh nhân Nguyễn Quý Đức và con trai cả, cháu nội được người dân địa phương gọi là nhà thờ Tam Đại Vương, cùng với bốn cây muỗm, hồ bán nguyệt đã tạo thành một quần thể cảnh quan đẹp, niềm tự hào không chỉ của con cháu dòng họ Nguyễn Quý mà còn của cả dân làng Đại Mỗ. Nhà thờ xây hai nếp theo kiểu cung điện, phía ngoài có nhà tảo mạc hai bên và ba tấm bia đá niên hiệu thời Lê. Ba tấm bia đó ghi công đức của cụ Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Quý Ân và Nguyễn Quý Kính. Cả ba người khi sống đều học giỏi, đức cao, có tài trị quốc, khi mất được sắc phong tước Đại vương (Phúc thần). Trong hậu cung có ngai thờ ba vị, hai ngai thờ cụ Nguyễn Quý Đức và Nguyễn Quý Kính có một ống bằng gỗ treo ở bên đựng tranh thờ, chỉ vào ngày giỗ mới mở ra để hành lễ. Riêng cụ Nguyễn Quý Ân do mất sớm nên không có tranh thờ. Cũng tại đây khắc ghi câu đối:
Đỉnh giáp nhất môn thiên hạ hữu
Phúc thần tam diệp thế gian vô
Có nghĩa là:
Khoa giáp một cửa tập trung, họa có trong thiên hạ
Phúc thần ba đời tiếp nối, không thấy ở thế gian.
Trưởng tộc Nguyễn Quý Hồng, người trông coi nhà thờ nói với chúng tôi: "Năm nay đã đúc xong tượng cụ Nguyễn Quý Kính, họ tộc đang chờ hoàn thiện thủ tục để rước cụ về nhà thờ. Rằm tháng Hai năm nay, cũng như những năm trước, vào ngày hội làng, dân ba làng An Thái, Phú Thứ và Huyền Phố sẽ đến nhà thờ tế lễ tạ ơn tưởng nhớ công đức các cụ, sẽ có nhiều trò chơi dân gian truyền thống, hấp dẫn nhất là trò kéo lửa thổi xôi, mời các anh, các chị về tham dự, sẽ vui lắm!".
Rời Mỗ khi mưa xuân lất phất bay, khi tiếng trống hội vẫn vang lên như thúc giục, nhìn những ánh mắt con trẻ háo hức, thành kính theo ông bà vào dâng hương tiên tổ, chúng tôi tin những thế hệ cháu con dòng họ Nguyễn Quý cho dẫu đi khắp bốn phương trời vẫn mang theo trong tâm khảm truyền thống đáng tự hào của một dòng họ "Phúc thần ba đời tiếp nối". Và cũng chính họ đang bồi đắp thêm truyền thống đáng tự hào đó khi nhiều người học hành đỗ đạt, giữ trọng trách trong xã hội và nối chí, noi gương cha ông giữ trọn đạo trung thần, hiếu tử.