Từ Len Đao, Cô Lin nhớ Gạc Ma
Chính trị - Ngày đăng : 13:50, 14/03/2015
Hôm nay, 14 tháng 3, vừa tròn 27 năm ngày 64 sỹ quan và chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh, 3 tàu vận tải của ta bị tàu Trung Quốc bắn chìm, bắn cháy ở các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Anh hùng Vũ Huy Lễ và đồng đội tàu HQ-505 sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đóng giữ bãi đá Cô Lin. Ảnh: Nguyễn Viết Thái. |
“Cha mẹ Võ Ta - Phan Thị Đay tưởng nhớ con Tuấn đã hy sinh ở Trường Sa ngày 14/3/1988. Mong linh hồn con siêu thoát”. Tôi nhớ đến đôi tay run run của cụ Võ Ta ở thôn Phú Hữu (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) khi cụ tự tay viết những dòng thư ấy, nhờ tôi mang ra vùng biển Gạc Ma hóa vàng cuối năm 2010. Tôi nhớ đến hình ảnh cụ Phan Thị Đay ngồi bất động rất lâu trước bia ghi tên liệt sỹ hy sinh tại Trường Sa ở Tượng đài Cam Ranh, ánh mắt cụ như hướng đến một nơi xa, rất xa. Con trai của hai cụ, anh Võ Đình Tuấn đã cùng đồng đội kết thành “vòng tròn bất tử” trên đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Tôi nhớ đến hình ảnh người yêu của anh Võ Đình Tuấn đã đứng yên lặng thật lâu, trước Tượng đài Cam Ranh. Tôi nhớ đến sự lặng lẽ, âm thầm của chị Đỗ Thị Hà, vợ của Trung úy liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, trong những buổi chúng tôi cùng chị viếng Tượng đài Cam Ranh. Khi người đồng hương Hoa Lư, Ninh Bình của tôi, liệt sỹ Đinh Ngọc Doanh ra xây dựng đảo Gạc Ma và hy sinh ở đó ngày 14/3/1988, con gái của anh, Đinh Thị Mỹ Lệ mới hơn 1 tuổi. Từ ngày đó đến nay, chị Hà ở vậy thờ chồng, làm mọi việc, kể cả phụ hồ để nuôi con nên người. Và tôi nhớ đến giọt nước mắt trên má bà Nguyễn Thị Hằng ở thành phố Đông Hà (Quảng Trị) khi bà nhắc tới con trai, liệt sĩ Hoàng Ánh Đông…
Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin trong tổng thể CQ88
Nhắc tới ngày 14/3/1988 là nhắc tới những mất mát, đau thương ở Gạc Ma, là nước mắt. Nhưng không chỉ có thế. Tôi nhớ tới giọng nói oang oang của anh Uông Xuân Thọ, nguyên Thượng úy, Máy trưởng tàu HQ-605 khi anh kể về ngày 14/3/1988 bi tráng: Ngày 11/3/1988, tàu HQ-605 hoàn thành chuyến tiếp vận cho các đảo chìm vừa được quân ta đóng giữ là Tốc Tan, Núi Le…, về đảo Đá Đông trên đường về Cam Ranh.
Nước ngọt, lương thực thực phẩm đã chuyển hết cho các đảo, tàu chỉ giữ lại mức đủ dùng cho mấy ngày hành quân về bờ. Bất ngờ, thuyền trưởng tàu HQ-605, Đại úy Lê Lệnh Sơn nhận được mật lệnh của Phó đô đốc, Tư lệnh Hải quân kiêm Tư lệnh Vùng 4 Hải quân Giáp Văn Cương, phải cấp tốc đóng giữ đảo Len Đao vào sáng sớm ngày 14/3/1988. Tàu HQ-605 đã khẩn trương thực hiện mệnh lệnh, cắm được quốc kỳ Việt Nam trên bãi đá Len Đao vào sáng sớm ngày 14/3/1988. Mặc dù sau đó tàu HQ-605 bị các tàu Trung Quốc bắn cháy rồi chìm, thuyền phó Phan Hữu Doan và báo vụ Bùi Duy Hiển hy sinh, sĩ quan chiến sĩ của tàu vẫn bình tĩnh giữ được đảo Len Đao và cùng nhau đưa thương binh tử sĩ về đảo Sinh Tồn an toàn.
Đảo Cô Lin, phía xa là đảo Gạc Ma đang bị Trung Quốc chiếm đóng. Ảnh: Nguyễn Đình Quân. |
Nói về ngày 14/3/1988, cần nói đầy đủ các diễn biến ở Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin, và đặt trong tổng thể chiến dịch CQ88 (Chủ quyền 88). Đó là điều cần làm, để khơi dậy lòng tự hào, sự kính phục, sự tri ân với những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Tôi nhớ tới nụ cười rạng ngời của Anh hùng Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505 và đồng đội sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đóng giữ bãi đá Cô Lin. Sáng ngày 14/3/1988, tàu HQ-505 bị các tàu Trung Quốc bắn pháo dữ dội, khiến tàu hỏng máy. Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy khẩn trương sửa máy, rồi lệnh chạy cả hai máy tàu, ủi bãi Cô Lin để vừa cứu tàu, vừa giữ đảo. Hơn 8 giờ sáng ngày 14/3/1988, tàu HQ-505 trườn được hai phần ba thân lên bãi Cô Lin thì bốc cháy. Lực lượng trên tàu vừa triển khai dập lửa cứu tàu, bảo vệ bãi Cô Lin, vừa đưa xuồng đi cứu vớt đồng đội ở phía bãi Gạc Ma…
Ngày 14/3/1988, những người lính Việt Nam can trường đã bảo vệ được đảo Len Đao và đảo Cô Lin, quân Trung Quốc chỉ chiếm được đảo Gạc Ma. Gọi sự kiện xảy ra ngày 14/3/1988 là “hải chiến Gạc Ma” là không đúng, việc gọi như vậy dễ làm sai lệch nhận thức, hiểu biết của nhiều người về sự kiện ngày 14/3/1988.
Nói về ngày 14/3/1988, cần nói đầy đủ các diễn biến ở Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin, và đặt trong tổng thể chiến dịch CQ88 (Chủ quyền 88). Đó là điều cần làm, để khơi dậy lòng tự hào, sự kính phục, sự tri ân với những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, để chúng ta không có lỗi với các chiến sỹ đã hy sinh và đồng đội của họ.